Điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện như thế nào?

Điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện như thế nào?
Điều trị ngộ độc thực phẩm cần phải được tiến hành sớm, khẩn trương và chính xác bằng các biện pháp thích hợp. Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị ngay sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu.

Khi ngộ độc thực phẩm xảy ra, các biện pháp điều trị phải được tiến hành càng sớm càng tốt với thái độ tích cực và khẩn trương nhất vì ngộ độc thực phẩm có thể nhanh chóng đưa đến nhiều tình trạng nguy hiểm đối với bệnh nhân.

Do đó, sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước sơ cứu cần thiết thì người bệnh nên được nhanh chóng đưa tới bệnh viện để thực hiện các biện pháp điều trị ngộ độc thực phẩm. Cùng tìm hiểu các điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện diễn ra như thế nào?

1. Cấp cứu và ổn định các chức năng sinh tồn của người bệnh

Khi bệnh nhân ngộ độc thực phẩm được đưa đến bệnh viện, vấn đề đầu tiên được quan tâm chính là phải cấp cứu và ổn định được các chức năng sinh tồn cơ bản nhất của người bệnh như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh,... Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng vì ngộ độc thực phẩm có thể gây nên các phản ứng đe dọa tính mạng bệnh nhân trước khi các biện pháp điều trị ngộ độc thực phẩm thực sự được diễn ra.

Vì vậy, nếu bệnh nhân có các biểu hiện bất thường về chức năng sinh tồn thì ngay lập tức phải được tiến hành cấp cứu.

- Hô hấp: Bệnh nhân cần phải được khai thông đường thở, đảm bảo chức năng thông khí và được cung cấp đủ oxi thông qua các biện pháp như đặt nội khí quản, thở oxi, thổi ngạt, bóp bóng,...

- Tuần hoàn: Các tình trạng cấp cứu tuần hoàn như trụy tim mạch, rối loạn nhịp cần phải được phát hiện và điều trị đúng bằng bồi phụ thể tích tuần hoàn, thuốc vận mạch, các thuốc điều chỉnh rối loạn nhịp tim, khử rung tim,...

- Thần kinh: Các thuốc chống co giật và cắt cơn co giật có thể được chỉ định để điều trị cho các bệnh nhân có biểu hiện co giật, tổn thương thần kinh.

2. Các điều trị ngộ độc thực phẩm thực thụ

Trong trường hợp bệnh nhân không có các biểu hiện cần thiết phải cấp cứu để đảm bảo các chức năng sinh tồn cơ bản hoặc khi các chức năng sinh tồn cơ bản đã được cấp cứu và kiểm soát ở mức độ ổn định thì các bước điều trị ngộ độc thực phẩm có thể được tiến hành.

2.1. Hạn chế hấp thu chất độc

Khi điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện, nhiều biện pháp khác nhau có thể được sử dụng để hạn chế sự hấp thu độc chất vào cơ thể. Điều này làm giảm nhẹ mức độ ngộ độc của bệnh nhân, có ý nghĩa đặc biệt đối với các chất độc hấp thu chậm. Các biện pháp hạn chế hấp thu độc chất thường được sử dụng nhất hiện nay bao gồm:

- Gây nôn: Bệnh nhân có thể được gây nôn bằng cách kích thích phản xạ nôn (sử dụng tăm bông kích thích họng) hay sử dụng các loại thuốc có tác động lên trung tâm nôn (ipecac).

Điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện như thế nào? - Ảnh 1.

Gây nôn là một biện pháp giúp giảm hấp thu độc chất trong điều trị ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Internet)

- Rửa dạ dày: Rửa dạ dày có thể được tiến hành để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể khi điều trị ngộ độc thực phẩm. Tham khải chi tiết về Quy trình rửa dạ dày khi bị ngộ độc thực phẩm.

- Sử dụng than hoạt tính: Than hoạt tính có khả năng hấp phụ rất tốt, có thể được sử dụng để hấp phụ các chất độc trong lòng ruột và thải ra ngoài theo phân. Ngoài ra, người ta cũng có thể kết hợp sử dụng than hoạt tính trong rửa dạ dày để tăng hiệu quả đào thải, giảm hấp thu độc chất.

- Thuốc nhuận tràng: Sử dụng thuốc nhuận tràng giúp các chất độc trong lòng ruột được tống xuất ra khỏi ống tiêu hóa nhanh hơn, giảm thời gian lưu giữ trong lòng ruột từ đó giảm hấp thu độc chất vào cơ thể.

Cần lưu ý rằng, để các biện pháp điều trị ngộ độc thực phẩm giảm hấp thu độc chất đạt hiệu quả tốt nhất thì chúng nên được tiến hành sớm nhất có thể nếu không có các chống chỉ định của phương pháp.

2.2. Các điều trị đào thải độc chất ra khỏi cơ thể

Bên cạnh việc sử dụng các biện pháp điều trị ngộ độc thực phẩm nhằm giảm hấp thu độc chất thì các biện pháp tăng đào thải độc chất gây ngộ độc cũng được sử dụng song song.

- Tăng bài niệu: Các biện pháp kích thích tăng bài niệu ở bệnh nhân như sử dụng thuốc lợi tiểu, dịch truyền,... có thể được dùng để làm tăng quá trình lọc ở thận, từ đó làm tăng đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.

Điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện như thế nào? - Ảnh 2.

Tăng bài niệu giúp đào thải độc chất khỏi cơ thể (Ảnh: Internet)

- Lọc máu: Trong trường hợp các biện pháp tăng bài niệu không có tác dụng hoặc chức năng thận của bệnh nhân không thể đáp ứng thì lọc máu ngoài thận có thể được chỉ định để loại bỏ các chất độc trong máu.

Ngoài các phương pháp điều trị ngộ độc thực phẩm nhóm đào thải độc chất như đã kể trên thì bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một số phương pháp khác như thay máu, thay huyết tương, lọc máu hấp thụ bằng than hoạt tính,...

2.3. Điều trị rối loạn nước và điện giải

Xử lý tình trạng rối loạn nước và điện giải là một trong những nội dung quan trọng trong điều trị ngộ độc thực phẩm. Các biến chứng rối loạn nước và điện giải có thể rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời.

Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp bồi phụ nước và điện giải khác nhau.

Nếu bệnh nhân còn có thể uống được, không nôn ói quá nhiều, mất nước và điện giải ở mức độ nhẹ hoặc trung bình thì có thể sử dụng Oresol để bù nước và điện giải. Trong khi đó, nếu bệnh nhân không uống được, mất nước và điện giải nặng hoặc nôn ói quá nhiều,... thì cách bù nước và điện giải qua đường tĩnh mạch sẽ là lựa chọn được ưu tiên. Có thể tham khảo thêm một số Phương pháp bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm.

Việc bù nước và điện giải trong điều trị ngộ độc thực phẩm cần phải diễn ra thận trọng bởi tình trạng rối loạn nội môi do mất nước và điện giải hoặc do bù nước, điện giải sai cách đều có thể dẫn đến những hậu quả hết sức trầm trọng.

Điều trị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện như thế nào? - Ảnh 3.

Người bệnh ngộ độc thực phẩm cần được bổ sung nước và điện giải đúng cách (Ảnh: internet)

2.4. Điều trị ngộ độc thực phẩm đặc hiệu theo nguyên nhân

2.4.1. Điều trị ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật

Đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm gây nên do vi sinh vật gây nên, thường được xác định bằng các biểu hiện như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng, soi phân thấy có vi sinh vật gây bệnh,... thì sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh để tiến hành điều trị đặc hiệu.

Lựa chọn thuốc kháng sinh có thể được dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ điều trị. Nhưng nếu tình trạng của bệnh nhân không cải thiện hoặc không đáp ứng thì cần thực hiện lựa chọn kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.

2.4.2. Điều trị ngộ độc thực phẩm do độc chất

Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do độc chất gây nên, người bệnh cần phải được cho sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu nếu có thể xác định được chính xác độc chất gây ngộ độc. Các loại thuốc giải độc đặc hiệu này sẽ tương tác trực tiếp với chất gây độc làm mất độc tính, cạnh tranh thụ thể gắn vào tế bào, hoặc có tác dụng đối kháng với chất độc làm trung hòa tác dụng của độc chất,...

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, để các loại thuốc giải độc đặc hiệu có tác dụng tối ưu nhất thì cần phải được sử dụng đúng liều, đúng quy trình về tăng liều, giảm liều tùy theo đáp ứng cụ thể của người bệnh. Sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu không đúng cách có thể khiến thuốc giải độc lại trở thành độc chất đối với cơ thể.

Chính vì thế, người bệnh không được tự ý sử dụng các loại thuốc giải độc đặc hiệu nếu không có các chỉ định cụ thể từ bác sĩ điều trị.

Qua đây có thể thấy rằng, điều trị ngộ độc thực phẩm là một quá trình phức tạp và cần được tiến hành sớm, chính xác để hạn chế thấp nhất các hậu quả do ngộ độc gây nên. Vì thế, người bệnh nên đến cơ sở y tế sớm nhất có thể sau khi bị ngộ độc thực phẩm để được điều trị kịp thời bằng các phương pháp thích hợp.


Tác giả: QN