Điều trị đái tháo đường type 2 bằng insulin như thế nào?

Điều trị đái tháo đường type 2 bằng insulin như thế nào?
Cùng tham khảo bài viết này để có cái nhìn đúng đắn hơn về căn bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng như phương pháp điều trị bằng insulin.

Khi nói đến Insulin, nhiều người thường tưởng tượng ra hình ảnh những mũi kim khổng lồ hay chân dung về những người sử dụng insulin với lượng đường trong máu thấp. Dù những tưởng tượng ấy có là gì đi chăng nữa thì phần lớn mọi người vẫn khá e dè trong việc sử dụng insulin như một phương pháp điều trị. 

Tuy nhiên, nếu mắc căn bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2, bạn cần hiểu đúng về insulin trước khi đánh giá liệu pháp này có thực sự hữu ích.

1. Bệnh nhân ĐTĐ luôn cần đến insulin?

Những người mắc ĐTĐ tuýp 1 (chiếm từ 5%-10% số bệnh nhân mắc ĐTĐ) thực sự cần đến insulin. 90 – 95 % số bệnh nhân còn lại mắc ĐTĐ tuýp 2 có thể không cần sử dụng insulin.

Ở người trưởng thành khi mắc bệnh, chỉ có 14% sử dụng insulin, 13% kết hợp insulin và thuốc đường uống, 57% hoàn toàn sử dụng thuốc uống và 16% còn lại kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống và luyện tập. Điều quan trọng là giữ được đường huyết nằm trong giới hạn an toàn bằng bất cứ cách nào khi cần thiết.

2. Phải sử dụng đến insulin trong điều trị có nghĩa là bạn đã " thất bại"?

Đây được cho là lầm tưởng lớn nhất. Theo GS. BS Jim Crandall – Giám đốc đơn vị thử nghiệm lâm sang bệnh Tiểu đường tại trường Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York -  rất nhiều người nỗ lực tuân thủ chế độ ăn uống và luyện tập nghiêm ngặt vẫn cần đến insulin.

ĐTĐ là một căn bệnh có tiến triển, nghĩa là theo thời gian, bạn có thể phải thay đổi những gì bạn làm để đảm bảo đường huyết luôn nằm trong phạm vi cho phép. Ăn uống đúng cách và tập thể dục luôn là điều quan trọng nhưng nhu cầu về thuốc men thì hoàn toàn có thể thay đổi. Phần lớn bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 sau cùng cũng  sẽ cần đến insulin nhưng đó không phải là một " thất bại".

3. Đau đớn khi tiêm insulin?

Điều này là hoàn toàn sai lầm. Với đầu kim nhỏ, việc tiêm insulin gần như không gây đau đớn. Nhiều bệnh nhân nói rằng cách đo nồng đồ đường huyết bằng dụng cụ chích vào đầu ngón tay còn gây nhiều đau đớn hơn so với tiêm insulin. 

Tuy nhiên, khi tiêm lần đầu, họ đã cảm thấy bất ngờ vì hoàn toàn không có cảm giác đau buốt. Trên thị trường, có nhiều loại bút tiêm cho phép bạn đo lượng insulin cần thiết và những mũi kim nhỏ này thật sự không đem đến cảm giác đau đớn.

4. Insulin có thể làm tụt lượng đường trong máu xuống mức nguy hiểm?

Điều này là có thể nhưng khả năng xảy ra nguy hiểm là rất thấp. Những bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 thường có nguy cơ bị hạ đường huyết thấp hơn tuýp 1. Một đợt hạ đường huyết kéo dài có thể gây mất ý thức hoặc hôn mê. 

Tuy nhiên, những người bệnh ĐTĐ tuýp 2 có thể dễ dàng nhận ra triệu chứng như: lo lắng, run rẩy, vã mồ hôi và thèm ăn. Dùng một chút nước trái cây pha loãng hay một viên kẹo sẽ giúp phục hồi đường huyết.

5. Insulin khó có thể mang theo mỗi khi đi ra ngoài?

Đã qua rồi cái thời mà việc tiêm insulin gây bất tiện, cồng kềnh. Ngày nay, những chiếc bút tiêm insulin có thể dễ dàng mang theo bởi chúng nhỏ gọn, kín đáo và không cần bảo quản lạnh. Thông thường, người bệnh chỉ cần sử dụng một lần mỗi ngày.

6. Điều trị bằng thuốc uống tốt hơn insulin?

Thuốc uống có thể rất tốt trong việc làm giảm đường huyết, nhiều bệnh nhân đã sử dụng thuốc rất an toàn trong thời gian dài. Mặc dù vậy, thuốc uống không phải luôn hữu dụng với mọi trường hợp. Một số bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc uống nhưng một số khác lại không. Với những bệnh nhân này, tiêm insulin là cách dễ dàng và hiệu quả nhất.

Không phải mọi loại thuốc uống đều an toàn ví dụ như thuốc Avandia đã bị FDA hạn chế bởi những nghiên cứu cho thấy nó có thể gây nguy cơ đau tim, đột quỵ.

Ảnh 3.

7. Insulin gây tăng cân?

Một số bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 có thể tăng cân sau khi bắt đầu liệu pháp insulin. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bản thân insulin không gây tăng cân. Khi insulin thực sự có tác dụng với người bệnh, cơ thể sẽ xử lý lượng đường trong máu một cách bình thường hơn và kết quả là có thể tăng cân. 

Đây cũng là một trong những lí do khiến việc giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân là một triệu chứng của bệnh tiểu đường. Khi liệu pháp insulin được tiếp tục tiến hành, cân nặng của bạn sẽ ổn định hơn và việc tăng cân có thể chỉ là thoáng qua.

8. Bản thân người bệnh ĐTĐ tuýp 2 không tự sản sinh được insulin?

Điều này không hề đúng. Những bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 có thể tự sản sinh ra lượng insulin cao hơn mức bình thường trong giai đoạn đầu của bệnh, tình trạng này được gọi là tăng insulin máu. Xảy ra hiện tượng này là do sự kháng insulin của người bệnh ĐTĐ tuýp 2 và cơ thể mất khả năng phản ứng bình thường với hoóc môn. 

Tiêm insulin giúp người bệnh vượt qua được sự kháng insulin và có thể thay thế cho việc sản xuất insulin tự nhiên -  điều có xu hướng  giảm dần theo thời gian.

9. Viện đến insulin có nghĩa là bệnh ĐTĐ của bạn đang rất nghiêm trọng?

Dù có điều trị như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải công nhận đái tháo đường là một căn bệnh nghiêm trọng bởi vì bạn có thể vẫn cảm thấy khỏe khi đã mắc bệnh (hoặc bỏ qua các triệu chứng như thường xuyên khát nước và mệt mỏi).

Trên thực tế, lượng đường trong máu cao làm hại cơ thể, làm hư tim, thận, mắt và thần kinh. Vấn đề là để đảm bảo lượng đường trong máu của bạn được kiểm soát bằng các biện pháp như chế độ ăn kiêng, tập thể dục, thuốc viên, insulin hoặc kết hợp tất cả.

10. Cần nhiều mũi tiêm insulin trong một ngày?

Không hẳn vậy, bạn có các lựa chọn. Bạn có thể thử insulin tác dụng kéo dài một lần mỗi ngày (thường là ban đêm). Điều này có thể đủ để kiểm soát đường huyết hoặc  kết hợp với thuốc uống. Nếu lượng đường trong máu vẫn còn quá cao sau bữa ăn, bạn có thể phải dùng insulin nhiều lần trong ngày, ngay trước khi ăn.

11. Insulin là lựa chọn cuối cùng?

Một số người đã dùng tất cả các liệu pháp điều trị bệnh đái tháo đường trước khi tìm đến insulin, đây không phải là chiến lược điều trị tốt nhất. Đến thời điểm một người thuộc nhóm 2 bắt đầu điều trị bằng insulin, họ có thể đã bị biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường do kiểm soát lượng đường trong máu kém. 

Vì lượng đường trong máu quá cao và có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề khác nên bạn không nên lãng phí quá nhiều thời gian vào những biện pháp không giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Trên thực tế, tìm đến với insulin sớm hơn có thể tránh được các biến chứng, đem đến hiệu quả tốt hơn và lâu hơn hoặc giúp bạn có thể sử dụng chế độ insulin ít phức tạp hơn trong một khoảng thời gian dài.

12. Insulin phải sử dụng mãi mãi?

Không thực sự cần thiết như vậy. Một số người bị đái tháo đường tuýp 2 có thể tạm thời cần insulin, ví dụ như ngay sau khi được chẩn đoán hoặc trong khi mang thai, trong khi những người khác có thể cần phải dùng insulin vô thời hạn.

Một số người bị giảm cân (tự nhiên hoặc với sự trợ giúp của phẫu thuật giảm béo) có thể thấy rằng họ không cần insulin, trong khi những người khác giảm cân vẫn có thể cần đến.

Tác giả: KP