Điều trị cơn hen phế quản cấp: mục tiêu và mức độ điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Điều trị cơn hen phế quản cấp: mục tiêu và mức độ điều trị
Cơn hen phế quản cấp tính là giai đoạn nặng lên của các triệu chứng hen, có thể diễn tiến phức tạp và gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Vì vậy điều trị cơn hen phế quản cấp đúng cách là điều cần thiết và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Cơn hen phế quản cấp (đợt cấp hen phế quản) là giai đoạn nặng lên của các triệu chứng hen như khó thở, khò khè, ho, nặng ngực hoặc của nhóm triệu chứng này. Tình trạng này có thể bị kích hoạt bởi nhiều yếu tố dị nguyên khác nhau như khói, bụi, hóa chất, thời tiết, phấn hoa, lông súc vật, thức ăn,...

1. Mục tiêu điều trị cơn hen phế quản cấp

Do cơn hen phế quản cấp là tình trạng nguy hiểm, có thể diễn tiến nhanh chóng và theo nhiều chiều hướng khác nhau khó dự báo. Do đó, việc điều trị cơn hen phế quản cấp kịp thời cho người bệnh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Những mục tiêu chính của điều trị cơn hen phế quản cấp bao gồm:

- Đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.

- Hỗ trợ bệnh nhân cải thiện tốt các triệu chứng trên lâm sàng và phục hồi tốt chức năng các hệ cơ quan khác trong cơ thể.

- Duy trì hoạt động hô hấp của cơ thể ở mức tối ưu.

- Ngăn ngừa sự tái phát các cơn hen cấp về sau bằng cách sử dụng các loại thuốc chống tái phát.

2. Điều trị cơn hen phế quản cấp theo từng mức độ

2.1. Điều trị cơn hen nhẹ

Cơn hen cấp tính ở mức độ nhẹ thường được biểu hiện bằng các triệu chứng như khó thở khi đi lại, tăng tần số thở, tăng nhịp tim nhẹ (nhưng vẫn dưới 100 nhịp/phút), có thể có kích thích tri giác, bệnh nhân vẫn nói chuyện bình thường.

Để điều trị cơn hen phế quản cấp mức độ nhẹ người ta thường sử dụng các loại thuốc trị hen dạng hít. Các thuốc sử dụng bao gồm thuốc giãn phế quản (salbutamol 5mg x 3 lần/ngày hoặc terbutalin 5mg x 3 lần/ngày), và các thuốc kháng viêm corticoid đường phun hít như budesonid 0,5mg x 3 lần/ngày,....

Ảnh 2.

Thuốc hen dạng hít dùng cho cơ hen cấp độ nhẹ (Ảnh: Internet)

Các nhóm thuốc này có thể được bệnh nhân sử dụng riêng nhưng cũng có thể được sử dụng dưới dạng hỗn hợp (fluticasone/salmeterol hay budesonide/formeterol) để điều trị cơn hen phế quản cấp.

Trong trường hợp nếu không có các loại thuốc điều trị cơn hen phế quản cấp như trên, người ta có thể cho bệnh nhân sử dụng thay thế bằng các loại thuốc uống như salbutamol 4mg x4 viên/ngày và prednisolon 5mg x 1mg/kg/ngày.

2.2. Điều trị cơn hen cấp mức độ trung bình

Cơn hen cấp mức độ trung bình được điều trị tương tự như điều trị cơn hen phế quản cấp mức độ nhẹ, nhưng bệnh nhân nên được cho sử dụng phối hợp các dạng thuốc phun hít và thuốc uống để tăng hiệu quả điều trị.

Có thể thay presnisolon bằng methylpresnisolon để điều trị cơn hen phế quản cấp cho bệnh nhân.

2.3. Đối với cơn hen nặng

Khi bệnh nhân bị cơn hen cấp tính ở mức độ nặng sẽ yêu cầu điều trị tích cực hơn so với các trường hợp cơn hen ở mức độ nhẹ, trung bình.

Bệnh nhân có thể cần được hỗ trợ hô hấp bằng cách cho thở oxy.

Các thuốc giãn phế quản được sử dụng với liều lượng lớn hơn từ 6/8 lần/ngày. Trong trường hợp người bệnh đáp ứng kém, hoặc không đáp ứng thì có thể thay thế thuốc dạng khí dung sang sử dụng dạng tiêm, truyền tĩnh mạch.

Theophylline cũng có thể là lựa chọn được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân chưa dùng theophylline và không có sẵn các thuốc như salbutamol, terbutalin. Tuy nhiên tổng lượng sử dụng theophyllin không được lớn hơn 10mg/kg/24h.

Các thuốc kháng viêm corticoid dùng trong điều trị hen phế quản mức độ nặng thường được dùng dưới đường tiêm ở liều lượng 1-2mg/kg/ngày.

2.4. Điều trị bội nhiễm trong cơn hen cấp tính

Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu của sự bội nhiễm xảy ra như tăng khạc đờm, thay đổi màu sắc đờm, sốt,... thì việc điều trị kháng sinh là cần thiết.

Các loại kháng sinh có thể dùng trong điều trị nhiễm khuẩn cho bệnh nhân hen như amoxicillin, cefuroxim, cefotaxime, ceftazidime, hoặc các fluoroquinolone,... Nhưng trong quá trình điều trị cần đặc biệt chú ý tình trạng của người bệnh bởi kháng sinh có thể gây dị ứng và làm tình trạng hen diễn ra nặng hơn.

Có thể thấy rằng, điều trị cơn hen phế quản cấp là một quá trình phức tạp, có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy điều trị cơn hen phế quản cấp nên được tiến hành dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý mua thuốc hoặc áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào khi chưa có khuyến cáo từ bác sĩ có chuyên môn.


Tác giả: QN