Mỗi giai đoạn của bệnh trĩ ngoại sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Các phương pháp này có thể là sự can thiệp tạm thời hoặc điều trị tận gốc.
Để biết mình nên được điều trị như thế nào thì người bệnh phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Bài viết sau sẽ trình bày các cách điều trị bệnh trĩ ngoại phổ biến nhất hiện nay.
Ở giai đoạn đầu của bệnh trĩ ngoại, người bệnh có thể tự điều trị bằng các phương pháp đơn giản. Các phương pháp này có tác dụng làm hạn chế các cơn đau rát, khó chịu do bệnh gây ra. Những cách điều trị bệnh trĩ ngoại tại nhà hiệu quả mà người bệnh có thể thực hiện bao gồm:
Một chế độ ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng có thể là nguyên nhân khiến bệnh trầm trọng hơn. Người mắc bệnh trĩ ngoại luôn được khuyến khích bổ sung đầy đủ chất xơ và nước cho cơ thể. Chất xơ trong thực phẩm có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây và ngũ cốc.
Đồng thời, người bệnh cũng cần cung cấp đủ lượng nước cần thiết, trung bình từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Các loại nước được khuyên dùng cho người bệnh trĩ ngoại là nước lọc hoặc nước ép trái cây.
Một trong những tác nhân gây ra bệnh trĩ ngoại là thói quen lười vận động của người bệnh. Thường xuyên vận động, tập luyện thể thao là điều cần thiết trong quá trình điều trị bệnh trĩ ngoại. Tuy nhiên, người bệnh nên tập luyện vừa sức để tránh làm căng giãn các mạch máu tại búi trĩ.
Vùng hậu môn không được vệ sinh cẩn thận sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do đó, người bệnh cần lưu ý làm vệ sinh hàng ngày, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh. Phương pháp vệ sinh được khuyến khích là vệ sinh với nước sạch thay vì khăn giấy. Nguyên nhân là khăn giấy sẽ cọ xát và gây tổn thương cho thành hậu môn. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng nước ấm pha với muối loãng để sát trùng và tránh sưng, viêm.
Chườm đá lên vùng tụ máu do trĩ ngoại gây ra sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp kháng khuẩn, giảm thiểu tình trạng xuất huyết và sưng tấy hiệu quả.
Nội khoa là cách điều trị bệnh trĩ ngoại rất phổ biến hiện nay. Dựa vào tình hình phát triển của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng các loại thuốc này khi đã được sự đồng ý của bác sĩ.
Các loại thuốc uống trong điều trị bệnh trĩ ngoại thường có dạng viên nén hay viên nang. Thuốc có tác dụng thẩm thấu và làm vững chắc thành tĩnh mạch, tránh hiện tượng co thắt tĩnh mạch. Đồng thời, giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng viêm sưng, phù nề và đau rát tại hậu môn. Trong trường hợp búi trĩ chảy máu, thuốc có công dụng cầm máu và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Các loại thuốc bôi dùng cho trĩ ngoại thường ở dạng mỡ và có chứa thành phần hydrocortison. Thuốc dùng để bôi hàng ngày lên các vùng bị tổn thương do trĩ ngoại gây ra. Việc sử dụng thuốc bôi sẽ giúp vết thương được sát trùng và tránh tình trạng viêm nhiễm.
Đồng thời, thuốc còn giúp người bệnh giảm thiểu được hiện tượng đau rát và ngứa ngáy tại hậu môn. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ là phương pháp can thiệp tạm thời. Chúng hoàn toàn không có công dụng điều trị dứt điểm căn bệnh trĩ ngoại.
Bệnh trĩ ngoại sẽ được điều trị bằng phương pháp ngoại khoa khi đã ở vào giai đoạn nghiêm trọng. Cụ thể, phương pháp ngoại khoa chỉ can thiệp khi có biến chứng nhiễm trùng, sưng tấy và lở loét, hoặc khi bác sĩ phát hiện được hiện tượng tắc mạch tạo thành huyết khối trong các búi trĩ.
Cắt trĩ là phương pháp ngoại khoa sử dụng trong điều trị bệnh trĩ ngoại. Búi trĩ sẽ được cắt bỏ cùng với vùng da niêm phủ bên trên và bảo tồn lớp cơ thắt trong nằm bên dưới.
Sau khi cắt bỏ búi trĩ thành công, các bác sĩ sẽ tiến hành khâu 2 mép vết thương. Mép vết thương có thể được khâu đóng hoặc để hở. Có 2 hình thức khâu đóng là khâu đóng theo chiều dọc và khâu đóng theo chiều ngang. Khâu theo chiều dọc thường áp dụng khi cắt bỏ các búi trĩ có kích thước nhỏ. Đối với các búi trĩ lớn hay trĩ vòng, mép vết thương sẽ được khâu đóng theo chiều ngang.
Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị bệnh trĩ ngoại phù hợp. Bệnh trĩ ngoại được phát hiện càng sớm thì càng dễ để điều trị. Do đó, người bệnh hãy có ý thức chăm sóc bệnh của mình ngay từ những giai đoạn đầu tiên nhé!