Do bệnh tay chân miệng có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau nên việc điều trị cho các bệnh nhân khác nhau cũng có sự thay đổi tùy thuộc vào mức độ của bệnh.
Bạn có thể tìm hiểu về dấu hiệu của bệnh tay chân miệng theo các cấp độ TẠI ĐÂY.
Mức độ 1 là mức độ biểu hiện nhẹ nhất của bệnh tay chân miệng, bệnh nhân chỉ có biểu hiện với các tổn thương là các bọng nước ở niêm mạc miệng và da (thường gặp là da lòng bàn tay, bàn chân).
Do đó, thông thường thì các bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng mức độ 1 thường sẽ được cho điều trị ngoại trú ngay tại nhà và tái khám tại cơ sở y tế theo lịcch hẹn hoặc khi có các biểu hiện tăng nặng của bệnh.
Các vấn đề chủ yếu được quan tâm trong điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 1 là hạ sốt (hay sử dụng paracetamol liều 10mg/kg/lần), vệ sinh các khu vực tổn thương bằng các dung dịch sát khuẩn theo chỉ định của bác sĩ và bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Xem thêm: Lý do khiến trẻ bị tay chân miệng thường bị sốt, làm cách nào để hạ sốt cho trẻ an toàn?
Đối với các bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng mức độ 2a (giật mình ít hơn 2 lần trong 30 phút, sốt cao kéo dài trên 2 ngày, nôn, lừ đừ, quấy khóc và khó ngủ) thì bệnh nhân sẽ cần đến bệnh viện để thực hiện điều trị nội trú.
Trong trường hợp nếu bệnh nhân được hạ sốt bằng paracetamol với liều như mức độ 1 nhưng không có hiệu quả thì có thể chuyển sang sử dụng ibuprofen để hạ sốt, nhưng việc sử dụng ibuprofen cần phải diễn ra rất thận trọng bởi thuốc có thể gây tương đối nhiều tác dụng phụ (đặc biệt rất dễ gây viêm loét đường tiêu hóa).
Aspirin không phải là thuốc được sử dụng để hạ sốt trong điều trị bệnh tay chân miệng bởi có thể gây nên hội chứng Reye rất nguy hiểm.
Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng mức độ 2a còn cần phải được sử dụng thêm các thuốc chống co giật trong quá trình điều trị. Thuốc chống co giật thường được sử dụng trên lâm sàng điều trị bệnh tay chân miệng là phenolbarbital, liều khuyến cáo 5-7mg/kg/ngày.
Khi bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng mức độ 2b (giật mình lớn hơn 2 lần trong 30 phút, mạch nhanh,ngủ gà, thất điều, rung giật nhãn cầu, yếu chi, liệt chi, nói ngọng, nuốt sặc) cần phải được điều trị tích cực hơn.
Ngoài các điều trị tương tự như đối với mức độ 2a thì trong điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 2b, bệnh nhân còn được chỉ định sử dụng oxi qua mũi, tăng liều phenolbabital lên từ 10-20mg/kg/ngày và có thể được chỉ định sử dụng thêm immunoglobulin với liều 1g/kg/ngày.
Do có nhiều tổn thương nghiêm trọng nên điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 3 (mạch nhanh hoặc mạch chậm, huyết áp tâm thu tăng, rối loạn tri giác, thở nhanh, thở bất thường, tăng trương lực cơ) cần phải được tiến hành tại đơn vị điều trị hội sức tích cực của bệnh viện.
Các nội dung chủ yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 3 bao gồm hỗ trợ oxi qua mũi hoặc qua nội khí quản nếu cần thiết. Các thuốc chống co giật (phenolbabital) và immunoglobulin vẫn được sử dụng tương tự như mức độ 2b, nhưng nếu cần thiết có thể được chỉ định tăng liều sử dụng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được cho sử dụng midazolam hoặc diazepam để cắt cơn co giật, và điều trị tình trạng trụy tim mạch bằng dobutamin hoặc milrinone.
Mức độ 4 là mức độ biểu hiện nặng nề nhất của bệnh tay chân miệng, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng như sốc, phù phổi cấp, suy hô hấp, ngừng thở,... Do đó điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 4 cũng cần phải được tiến hành tại đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện.
Các điều trị bệnh tay chân miệng mức độ 4 ngoài các nội dung tương tự với điều trị tay chân miệng mức độ 3 (thở oxi qua nội khí quản, chống co giật, cắt cơn co giật,...) thì người bệnh cần được phát hiện và xử lý sớm các biến chứng của bệnh chẳng hạn sốc (bồi phụ các loại dịch truyền như nước muối sinh lý hoặc ringerlactat, và sử dụng các loại thuốc vận mạch như dobutamin), phù phổi cấp (sử dụng lợi tiểu, nitroglycerin, thuốc hạ áp đường tĩnh mạch,...), chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh, lọc máu,...
Qua đây có thể thấy rằng, điều trị bệnh tay chân miệng là vấn đề rất phức tạp và thay đổi rất lớn tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Do đó, khi mắc bệnh tay chân miệng thì người bệnh không nên chủ quan tự điều trị bệnh tại nhà mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám và được chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.