Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn vặt cả ngày?

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn vặt cả ngày?
Ăn vặt thường xuyên, đặc biệt nếu bạn ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều đường, dầu mỡ, chất phụ gia,... thì sẽ ảnh hưởng, gây hại tới sức khoẻ.

Ăn vặt là thói quen yêu thích của nhiều người. Ăn vặt chỉ đơn giản là ăn hoặc uống thứ gì đó giữa các bữa ăn, bất kể thực phẩm đó có tốt cho sức khỏe hay không. Nhiều người cho rằng thưởng thức đồ ăn nhẹ suốt cả ngày có vẻ vô hại và dường như còn cung cấp dưỡng chất cho cơ thể khi bạn đói, nhưng một số người khác cho rằng việc ăn vặt cả ngày thực sự không mang lại lợi ích gì cho cơ thể bạn.

Để xem xét ăn vặt có lợi hay có hại đối với sức khoẻ, chúng ta phải xem chế độ ăn vặt thuộc kiểu lành mạnh hay không lành mạnh. Dưới đây là 4 điều có thể xảy ra với cơ thể khi bạn ăn vặt không lành mạnh.

1. Làm lượng calo trong cơ thể cao hơn

Đây là điều hiển nhiên, việc ăn nhiều thức ăn hơn trong ngày sẽ khiến bạn tiêu thụ lượng calo cao hơn. Và bằng cách ăn nhiều calo hơn mức cơ thể thực sự cần, bạn có thể sẽ tăng cân. Việc tăng cân thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nếu đồ ăn nhẹ bạn ăn nhiều hoặc chứa nhiều protein.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ việc ăn vặt. Trên thực tế, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng việc thưởng thức một bữa ăn nhẹ trong ngày là điều tốt, đặc biệt là trong khoảng thời gian dài giữa bữa trưa và bữa tối. Điều quan trọng là cung cấp năng lượng cho cơ thể khi đói một cách phù hợp, thay vì ăn những thực phẩm với lượng calo rỗng bạn nên lựa chọn những đồ ăn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, ăn với lượng vừa đủ.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn vặt cả ngày? - Ảnh 2.

Ăn vặt thường xuyên sẽ làm dư thừa calo và dẫn tới tình trạng tăng cân (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể khi bạn uống soda mỗi ngày?

Điều gì xảy ra với cơ thể nếu bạn uống bia mỗi ngày?

2. Cơ thể bạn có thể ở trạng thái viêm liên tục

Cơ thể bạn có hai trạng thái trao đổi chất khác nhau: nhịn ăn (không ăn) và sau ăn. Trạng thái hấp thụ sau khi ăn là thời gian hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Nhưng cũng là thời điểm hệ thống miễn dịch hoạt động. Khi ăn, chúng ta không chỉ hấp thụ chất dinh dưỡng mà còn kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng viêm nhất thời.

Viêm là một phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiễm trùng và chấn thương, giúp bảo vệ chống lại các tác nhân gây căng thẳng. Hành động ăn mỗi bữa cũng sẽ gây ra một mức độ căng thẳng sinh lý nào đó cho hệ thống miễn dịch. Và vì vậy, đối với những người ăn vặt suốt ngày đêm, cơ thể của họ thường có thể rơi vào tình trạng viêm gần như liên tục.

Viêm chỉ có nghĩa là một cuộc tấn công bảo vệ ngắn hạn của hệ thống miễn dịch của chúng ta. Nhưng tình trạng viêm sau khi ăn, còn được gọi là "viêm sau bữa ăn" có thể trở nên trầm trọng hơn do lối sống hiện đại của chúng ta. Điều này bao gồm các bữa ăn nhiều calo, ăn thường xuyên, quá nhiều đường fructose và thực phẩm béo, đặc biệt là chất béo bão hòa.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn vặt cả ngày? - Ảnh 3.

Ăn vặt với những thực phẩm không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch (Ảnh: Internet)

3. Làm tăng nguy cơ sâu răng

Thông thường chúng ta chỉ đánh răng vào buổi sáng và buổi tối, sau khi ăn vặt chúng ta chỉ uống một ngụm nước hoạc có thể là không. Do đó, việc ăn vặt thường xuyên trong ngày sẽ tạo nhiều thời gian cho vi khuẩn từ mảng bám phân hủy thức ăn tạo nên acid ăn mòn men răng và tạo thành lỗ sâu. Đặc biệt, những đồ ăn vặt chứa nhiều đường hoặc chứa nhiều carbohydrate, ví dụ như khoai tây chiên, thanh granola, kẹo,... sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng cao hơn.

4. Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Nếu bạn thường ăn bánh quy, kẹo, khoai tây chiên hoặc bánh quy xoắn khi đến giờ ăn nhẹ, bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Lý do là vì những thực phẩm chế biến sẵn này đều có giá trị dinh dưỡng cực kỳ thấp mà lại chứa nhiều đường tinh luyện và chất béo bão hoà. Khi tiêu thụ những thực phẩm này còn làm tăng cholesterol "xấu" từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn vặt cả ngày? - Ảnh 4.

Đồ ăn vặt nhiều đường và chất béo bão hoà sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim (Ảnh: Internet)

Vậy có nên ăn vặt hay không?

Ăn vặt là một sở thích nên trước tiên việc bạn có nên ăn vặt hay không sẽ tuỳ vào sở thích của bạn. Xét trên phương diện sức khoẻ, ăn vặt một cách lành mạnh sẽ không ảnh hưởng tới sức khoẻ nên bạn có thể duy trì, nhưng điều quan trọng là đừng biến các bữa ăn vặt thành bữa ăn chính, tức là bạn tiêu thụ thức ăn với hàm lượng quá nhiều.

Một điểm tích cực mà chúng ta có thể nhận thấy khi ăn vặt đó là nó có thể ngăn ngừa việc ăn quá nhiều vào các bữa chính, đặc biệt giữa các bữa chính của bạn cách nhiều thời gian, khiến bạn cảm thấy đói. Theo Healthline, khi cơ thể quá đói có thể dẫn đến việc ăn nhiều hơn bình thường và đưa ra nhiều lựa chọn không lành mạnh, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân. Vì vậy, một (hoặc hai) bữa ăn nhẹ trong ngày, đặc biệt nếu chúng là đồ ăn nhẹ lành mạnh, có thể giúp bạn kiểm soát cơn đói và góp phần kiểm soát cân nặng.

Dưới đây là một vài lời khuyên cho bạn khi ăn vặt mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ:

- Bạn nên ăn đồ ăn nhẹ cung cấp khoảng 200 calo và ít nhất 10 gam protein để giúp bạn no cho đến bữa ăn tiếp theo.

- Số lượng bữa ăn nhẹ của bạn thay đổi tùy theo mức độ hoạt động và khẩu phần bữa chính của bạn. Nếu bạn có lối sống năng động, bạn có thể ăn 2 đến 3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày, nếu bạn ít vận động hơn có thể ăn 1 bữa ăn nhẹ hoặc không ăn vặt.

- Tránh lựa chọn những loại đồ ăn nhẹ như đồ ăn chế biến sẵn, nhiều đường, vì những thực phẩm này có thể cung cấp cho bạn một chút năng lượng trong thời gian ngắn, nhưng bạn có thể sẽ cảm thấy đói hơn một hoặc 2 giờ sau đó.

- Một số đồ ăn nhẹ lành mạnh bạn nên lựa chọn như trái cây, hạnh nhân, đậu phộng, trứng luộc,...

Nguồn tham khảo:

1. What Happens To Your Body When You Snack All Day

2. Why snacking could be damaging your health


Tác giả: Vân Anh