Điều gì xảy ra bên trong não bộ khi bạn bị trầm cảm?

Điều gì xảy ra bên trong não bộ khi bạn bị trầm cảm?
Nguyên nhân của trầm cảm có thể xuất phát từ sự thay đổi cảm xúc nhưng bản chất của nó lại là những biến chuyển bên trong não bộ với cơ chế rất rõ ràng.

1. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm được gọi là hiện tượng rối loạn tâm trạng gây ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi cùa người mắc bệnh. Tình trạng này gây ra các cảm xúc tiêu cực liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm.

Nỗi buồn trong trầm cảm không phải là nỗi buồn bị "phóng to" mà nó là cảm giác tiêu cực liên quan đến tình trạng sức khỏe, là một loại rội loạn tâm thần. Nói cách khác, trầm cảm không chỉ là một hiện tượng tâm lý nhất thời mà nó là bệnh lý nghiêm trọng cần được chú ý.

Là một căn bệnh y khoa, căn bệnh này có thể xác định bằng các triệu chứng tiêu biểu như: 

- Buồn chán, lo lắng hoặc cảm thấy trống rỗng

- Cảm giác bi quan, tuyệt vọng

- Cảm thấy có lỗi, bản thân vô dụng, bất lực

- Mất hứng thú, niềm vui trong các sở thích và hoạt động hàng ngày

- Mệt mỏi, uể oải, không còn sức sống

- Khó tập trung, ghi nhớ, ra quyết định

- Trằn trọc, khó ngủ, chợt tỉnh giấc hoặc ngủ liên miên

- Giảm hoặc tăng cân, mất cảm giác ngon miệng

- Bồn chồn, khó chịu

- Suy nghĩ về sự sống/chết, ý định tự sát hoặc đã thử tự tử

Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Các triệu chứng này thường bị nhầm lẫn là cảm giác stress, mệt mỏi thông thường. Nhưng nếu chúng kéo dài trong cơ thể bạn từ hai tuần trở lên, hãy cẩn thận vì bạn có thể đang bị trầm cảm. Chỉ có khoảng 3% dân số thế giới mắc trầm cảm mỗi năm. Nhưng cứ mỗi 5 người lại có 1 người trải qua trầm cảm ít nhất một lần trong đời.

Trầm cảm là căn bệnh phổ biến đến nỗi bất kỳ ai cũng có thể bị nó ghé thăm. Đây không đơn thuần là một dạng yếu đuối cảm xúc hay một thiên hướng tiêu cực trong tính cách mà có một cơ chế sinh học rõ ràng ở đằng sau. 

2. Các loại trầm cảm thường gặp

2.1. Trầm cảm điển hình

Đây là loại trầm cảm nói chung thường gặp với các triệu chứng bệnh vừa kể trên. Nó gây ra ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống hàng ngày như hoạt động ăn uống, công việc, nghỉ ngơi, học tập,...Trầm cảm điển hình có thể ghé thăm bạn một hoặc nhiều lần trong đời.

2.2. Trầm cảm dai dẳng

Loại bệnh trầm cảm này kéo dài khoảng hơn 2 năm và được chia thành các mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Mặc dù ở mức độ nhẹ ít gây ảnh hưởng tới cuộc sống một cách rõ ràng nhưng nó vẫn có thể khiến chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.

2.3. Trầm cảm tâm thần

Xảy ra khi một người mắc trầm cảm điển hình như kèm thêm một số hình thức rối loạn tâm thần như ảo tưởng và ảo giác. Họ có thể tưởng tượng ra những điều không có thật, nhìn thấy hoặc nghe thấy những gì mà người bình thường không cảm nhận được.\

Ảnh 2.

Ảnh: Internet

2.4. Trầm cảm sau sinh

Hooc-môn, những thay đổi về thể chất và tác động tinh thần có thể khiến một người mẹ sau sinh bị trầm cảm. Ước tính cho thấy có từ 10-15% số sản phụ bị trầm cảm sau sinh, thường xuất hiện từ tuần thứ 4-8 sau khi đứa bé chào đời.

2.5. Trầm cảm theo mùa

Thường xảy ra vào thời điểm tháng 11, bắt đầu của mùa đông khi ánh sáng mặt trời giảm. Đó là một "mùa buồn" với rất nhiều người. Tiếp xúc nhiều với ánh sáng là một mẹo nhỏ để vượt qua trầm cảm theo mùa.

2.6. Rối loạn lưỡng cực

Một người gặp rối loạn lưỡng cực sẽ trải nghiệm, khi thì là các triệu chứng buồn phiền của trầm cảm, có lúc lại là tâm trạng cao hứng và vui vẻ quá mức được gọi là hưng cảm.

3. Điều gì xảy ra với não bộ chúng ta khi trầm cảm?

Trước đây, trầm cảm nhìn từ góc độ bệnh lý được coi là sự mất cân bằng hóa học trong não bộ. Cụ thể hơn, sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin (SE, 5-HT) đã dẫn đến trầm cảm.

Serotonin được biết đến là chất hóa học tạo ra giúp cơ thể cảm thấy thoải mái và hạnh phúc, khi mức độ chất này hạ thấp dẫn tới việc các cảm xúc tiêu cực tăng lên. Dựa trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã đưa ra phương pháp điều trị trầm cảm bằng các loại thuốc tăng serotonin trong cơ thể. Chúng thực sự giúp giảm bớt triệu chứng trầm cảm, nhưng căn bệnh không đơn giản vì thế mà biến mất.

Đến sau này, nhờ sự phát triển của công nghệ chụp ảnh não như cắt lớp phát xạ positon (PET), phát xạ vi tính với photon đơn lẻ (SPECT), cộng hưởng từ chức năng (fMRI), các nhà khoa học đã phát hiện ra những cơ chế mới trong não bộ của những người mắc trầm cảm.

Bệnh nhân trầm cảm khi được quét não đã đưa ra kết quả có 3 khu vực bị ảnh hưởng, đó là: vùng hạch amygdala, đồi thị và vùng hồi hải mã.

Ảnh 3.

Ảnh: Internet

- Hạch amygdala: thuộc hệ limbic, nằm sâu trong não có tác dụng quản trị các cảm xúc như vui buồn, giận dữ hay sợ hãi,...Nếu bị kích hoạt mạnh, hạch amygdala có thể khiến bạn nhớ lại những ký ức gây cảm xúc dữ dội hoặc một tình huống đáng sợ nào đó.

Hạch amygdala ở người bị trầm cảm hoạt động ở nhịp độ rất cao. Sự gia tăng bất thường này tiếp tục được duy trì khi bệnh nhân hồi phục sau giai đoạn trầm cảm.

- Đồi thị: là 2 khối chất xám nằm ở trung khu não bộ. Nó thu nhận mọi cảm giác ngoại vi, và là chặng dừng của tất cả cảm giác từ 5 giác quan trước khi chúng đến được vỏ não để phân tích.

Nghiên cứu cho thấy người trầm cảm có những bất thường trong vùng đồi thị, chẳng hạn như sự gia tăng của số lượng tế bào thần kinh và tỷ lệ vắng mặt đặc biệt cao của một loại DNA ty thể.

- Hồi hải mã: là khu vực có tác dụng lưu trữ kí ức và điều khiển cảm xúc. Vùng não bộ này ở người trầm cảm bị teo nhỏ, nếu trầm cảm càng lâu hồi hải mã càng bị teo nhỏ hơn. Các tế bào và hệ thống thần kinh ở đây bị suy giảm theo thời gian kéo dài của bệnh.

Căng thẳng trong trầm cảm có thể là nguyên nhân chủ yếu làm giảm các tế bào thần kinh mới ở vùng hồi hải mã. Thử nghiệm cho thấy khi khu vực này của não được tái tạo và tế bào thần kinh mới được kích thích, tâm trạng trầm cảm sẽ được cải thiện.

Như vậy, chính sự phát triển, kết nối và liên lạc của các tế bào thần kinh mới là nguyên nhân giải thích trầm cảm chính xác hơn, so với sự mất cân bằng các chất hóa học như serotonin trong não bộ. Trên thực tế, các loại thuốc chống trầm cảm ngày nay làm việc thông qua hiệu quả tăng lượng serotonin. Nhưng thực chất, serotonin lại ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của tế bào não.

Điều này giải thích lý do tại sao thuốc serotonin có thể giúp bệnh nhân vượt ra khỏi cơn trầm cảm, nhưng không phải thông qua hiệu ứng trực tiếp như trước đây chúng ta từng nghĩ. Thay vào đó, những loại thuốc này thúc đẩy các hóa chất khác trong cơ thể, tạo ra các tế bào thần kinh mới hoặc kích thích sự phát triển của chúng.

Biết được điều này, một số nhà khoa học tin rằng chúng ta nên tập trung tìm ra các loại thuốc tác động trực tiếp đến các tế bào thần kinh, tại 3 vùng não bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Nếu thuốc có thể làm đảo ngược các quá trình kể trên, nhiều khả năng trầm cảm sẽ được chữa trị tận gốc.

4. Làm sao để đuổi những cơn phiền muộn của bạn đi?

Hiện tại, nguyên nhân sâu thẳm của bệnh trầm cảm vẫn chưa được làm sáng tỏ vì vậy thế giới vẫn phải đối mặt với căn bệnh này hàng ngày. Nếu bỏ mặc không chữa trị trầm cảm có thể gây ra các hậu quả rất nghiêm trọng vì người bệnh thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực đến mức muốn tự tử.

Việc điều trị trầm cảm bắt buộc phải dưới sự chỉ định của bác sĩ và cần được chẩn đoán kỹ trước khi đưa ra cách khắc phục. 

Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng một số mẹo để chống lại các cảm xúc tiêu cực như: 

- Tập thể dục: Việc tập thể dục không chỉ giúp bạn khỏe mạnh hơn mà còn điều hòa cảm xúc, giúp sản sinh ra các năng lượng tích cực.

- Cởi mở hơn: Đừng ở lỳ một chỗ, ngay cả khi bạn bị tâm trạng không tốt xâm chiếm. Ra ngoài với ai đó sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

- Không nên suy nghĩ quá nhiều: Nghĩ quanh nghĩ quẩn sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Hãy tắt bộ não của bạn đi, một vài phút cũng được.

Ảnh 4.

Cười nhiều hơn giúp bạn đẩy lùi trầm cảm (Ảnh: Internet)

- Nói chuyện nhiều hơn: Tìm đến những người bạn có thể tin tưởng, những người quan tâm đến bạn. Chia sẻ cảm xúc với người khác giống như trút bỏ những tức tối trong cơ thể.

- Thư giãn: Hãy dành một khoảng thời gian cho chính mình mỗi ngày. Xem xét việc thử tập yoga, thiền hoặc đơn giản chỉ là thở.

- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ cho bạn nhiên liệu cần thiết để chống lại căng thẳng. Đừng bỏ bữa và cũng đừng tìm đến đồ ăn vặt để giải quyết nỗi buồn của bạn.

- Tránh xa rượu, ma túy và chất kích thích: Tất cả sẽ chỉ cho bạn cảm giác tạm thời rồi sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề rất nhiều.

- Lập kế hoạch cho ngày của bạn: Hãy tạo cho bản thân một thứ gì đó để làm, thậm chí những điều nhỏ nhặt. Ngay cả các hoạt động thường ngày như tắm, dắt thú cưng đi dạo, nấu ăn, trang trí nhà cửa có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn. Một cuốn sổ nhật ký hoặc ghi chú sẽ giúp bạn.

- Ngủ đủ: Đừng quên cơ thể bạn cần nghỉ ngơi. Ngủ đủ giấc của bạn mỗi đêm. Có người cần ngủ ít, có người cần nhiều hơn, nhưng thông thường, đó là khoảng 7-9 giờ mỗi ngày.

Tác giả: Phương Thuận