Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, lây truyền sang người thông qua loài muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti). Muỗi vằn sau khi hút máu người nhiễm virus dengue sẽ tiếp tục truyền bệnh sang người khỏe mạnh.
Sau khi bị nhiễm virus gây sốt xuất huyết khoảng 3 đến 14 ngày (giai đoạn ủ bệnh), các dấu hiệu sốt xuất huyết đầu tiên bắt đầu xuất hiện.
Một số triệu chứng sốt xuất huyết để nhận biết bệnh trong giai đoạn này là: sốt cao hơn 39 độ, nhức đầu, ói mửa, phát ban, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa,,... Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường sốt cao liên tục trong 2-7 ngày. Tuy nhiên đây chưa phải giai đoạn sốt xuất huyết nguy hiểm nhất.
Những diễn biến sốt xuất huyết trở nên nguy hiểm nhất vào giai đoạn thứ 3 của bệnh, khi bệnh nhân gần như đã hết sốt hoàn toàn. Đây là thời điểm dễ gây chủ quan cho bệnh nhân nhưng lại thường xảy ra nhiều biến chứng nhất, gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Sau khi vượt qua được giai đoạn nguy hiểm này, bệnh nhân bước vào thời kỳ hồi sức. Sức khỏe của bệnh nhân dần hồi phục, cảm giác thèm ăn quay trở lại, các chỉ số sức khỏe (nhịp tim, huyết áp,...) trở về trạng thái bình thường, các triệu chứng cũng giảm dần và biến mất.
Trước đây, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em nhưng hiện tại, rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh và gây ảnh hưởng tới sức khoẻ cùng tỷ lệ tử vong khá cao. Bệnh hiện nay chưa có thuốc đặc trị, những trường hợp nặng điều trị hầu như chỉ hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần.
Trong diễn biến sốt xuất huyết, giai đoạn bệnh nhân cần được chăm sóc và điều trị đặc biệt là sau khi bệnh bùng phát các triệu chứng đầu tiên (đau đầu, buồn nôn, đau nhức cơ bắp, đau hố mắt, sung huyết da, phát ban nhẹ, chảy máu cam, chảy máu chân răng...) từ 3-7 ngày. Các triệu chứng này thường đi kèm với sốt cao trên 39 độ, đột ngột, liên tục.
Sau thời gian sốt này, bệnh nhân cần tiến hành xét nghiệm và kiểm tra để loại trừ nguy cơ xảy ra các biến chứng xấu. Mặc dù số cơn sốt đã giảm, tuy nhiên các biến chứng nguy hiểm hơn lại có thể xuất hiện như thoát huyết tương, tràn dịch màng phổi, phù nề mí mắt,... với biểu hiện ra bên ngoài là vật vã, li bì, kích động, tay chân lạnh, nhịp tim nhanh, huyết áp biến động bất thường,...
Cùng lúc đó, biểu hiện xuất huyêt nội tạng cũng bộc lộ rõ hơn như các nốt xuất huyết dưới da ở cẳng chân, bắp tay, bụng, đùi hoặc các vết bầm tím, tụ máu ở mạng sườn và nhiều bộ phận khác. Ngoài ra, xuất huyết nội tạng còn biểu hiện qua hiện tượng chảy máu mũi, chảy máu răng lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, kinh nguyệt sớm và kéo dài,...
Đối với trường hợp bị suy đa tạng, các dấu hiệu lại thường ít bộc lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm và có thể gây ra viêm não, viêm cơ tim hoặc viêm đa tạng.
Đây đều được cho là các diễn biến sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm mà người bệnh không nên chủ quan trước các dấu hiệu cảnh báo trên. Khi có các dấu hiệu này, nguy cơ xuất hiện biến chứng là rất cao nếu xét nghiệm máu thấy hematocrit tăng cao còn tiểu cầu giảm nhanh chóng.
Việc điều trị biến chứng cần được thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sĩ chuyên khoa. Truyền dịch sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ khi bệnh nhân có dấu hiệu không ăn uống được, cơ thể mất nước, lừ đừ,... Đối với trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ có thai, người bị tiểu đường và các bệnh về tim, gan, thận,... nhiễm bệnh, nên nhập viện để liên tục theo dõi diễn biến sốt xuất huyết.
Nắm được diễn biến sốt xuất huyết và giai đoạn nguy hiểm của bệnh sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Không nên chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu bất thường trong suốt quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết.\