Điểm vàng của mắt là gì? Cách phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt

Điểm vàng của mắt là gì? Cách phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt
Điểm vàng của mắt là cấu trúc đặc biệt tại cực sau của mắt, giúp mắt nhận biết được sự sắc nét của hình ảnh. Bất kỳ tổn thương bệnh lý nào xảy ra tại điểm vàng của mắt đều có thể ảnh hưởng đến chức năng thị giác của người bệnh.

Điểm vàng của mắt (hoàng điểm) là một cấu trúc nằm ở cực sau của mắt, có chứa các tế bào giúp mắt nhận biết các tín hiệu ánh sáng, chuyển tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu thần kinh giúp cơ thể nhận biết được hình ảnh môi trường bên ngoài.

Do vậy, có thể nói rằng điểm vàng của mắt có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chức năng thị giác và bất kỳ tổn thương nào xảy ra tại đây đều có thể để lại ảnh hưởng lâu dài và nặng nề cho mắt.

1. Điểm vàng của mắt là gì?

Điểm vàng của mắt là một cấu trúc có dạng hình bầu dục, kích thước khoảng 0,5mm, có một hố ngay tại trung tâm gọi là hố hoàng điểm, có màu vàng do chứa nhiều lutein và zeaxanthin, nằm ở cực sau của mắt ngay tại trung tâm của võng mạc. Nó có thể được quan sát thấy trực tiếp bằng kính soi đáy mắt hoặc thông qua kết quả chụp ảnh võng mạc.

Về cấu trúc, hoàng điểm của mắt là nơi chứa các tế bào nhận cảm ánh sáng (các tế bào hình nón và các tế bào hình que) với mật độ dày đặc nhất so với các khu vực khác của võng mạc. Sự phân bố của các tế bào hình nón và các tế bào hình que tại điểm vàng cũng có khác biết rất lớn. Các tế bào hình que chỉ phân bố ở vùng rìa, tại khu vực trung tâm nơi có hố hoàng điểm thì chỉ bao gồm tế bào hình nón.

Nhờ vào mật độ dày đặc các tế bào nhận cảm ánh sáng là tế bào hình nón (nhận cảm ánh sáng mạnh và màu sắc) và tế bào hình nón (nhận cảm ánh sáng yếu), do đó điểm vàng là khu vực có thị lực tốt nhất của mắt.

Nó giúp cho mắt có thị lực trung tâm tốt, cung cấp tính rõ ràng sắc nét cho hình ảnh mà mắt thu nhận. Việc mắt có thể nhận biết được các chi tiết nhỏ trong hình ảnh chính là nhờ vào tác dụng do điểm vàng của mắt tạo nên.

Điểm vàng của mắt là gì? Cách phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt - Ảnh 1.

Điểm vàng của mắt (Macula) là nơi có khả năng thị lực tốt nhất của mắt (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Bệnh quáng gà là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị 

Nguyên nhân gây mỏi mắt thường xuyên là do đâu?

Chính bởi chức năng này của điểm vàng, do đó những triệu chứng chung nhất khi gặp các bệnh lý gây tổn thương điểm vàng có thể kể đến bao gồm giảm thị lực trung tâm, nhìn vật trở nên kém sắc nét trở thành một mảng mờ, hình ảnh bị biến dạng và có thể có bất thường về độ lớn của hình ảnh khi quan sát,...

2. Một số bệnh lý tại điểm vàng của mắt

Có khá nhiều bệnh lý khác nhau có thể gặp tại điểm vàng của mắt. Tuy nhiên, do tính chất đặc trưng và tầm quan trọng của điểm vàng của mắt với chức năng thị giác nên bất cứ một tổn thương thương bệnh lý nào tại điểm vàng của mắt đều có thể gây nên các hậu quả rất nặng nề.

2.1. Thoái hóa điểm vàng của mắt

Trong các bệnh lý tại điểm vàng của mắt, thoái hóa điểm vàng là bệnh lý thường hay gặp phải nhất. Nguyên nhân chủ yếu gây nên thoái hóa điểm vàng của mắt được cho là do sự lão hóa của các bộ phận trong cơ thể theo sự tăng dần của tuổi tác, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn, chủ yếu xảy ra ở những người trên 65 tuổi.

Do là một tình trạng thoái hóa tự nhiên vì vậy thoái hóa điểm vàng là tổn thương không thể đảo ngược và không thể được chữa khỏi hoàn toàn, có thể dẫn đến mù lòa nếu ở mức độ nặng.

Thoái hóa điểm vàng của mắt được phân thành hai thể lâm sàng chính là thoái hóa điểm vàng thể khô và thoái hóa điểm vàng thể ướt.

- Thoái hóa điểm vàng thể khô: Chiếm tới hơn 90% số trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng của mắt. Tuy nhiên, thoái hóa điểm vàng thể khô lại có diễn tiến khá từ từ qua 3 giai đoạn là giai đoạn đầu, giai đoạn trung gian và giai đoạn nặng. Thị lực của bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng thể khô cũng ít khi giảm một cách nhanh chóng mà thường sẽ giảm tuần tự, từ từ theo tiến triển giai đoạn thực tế của bệnh.

- Thoái hóa điểm vàng thể ướt: Thoái hóa điểm vàng thể ướt chỉ chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân thoái hóa điểm vàng của mắt nhưng lại có mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều so với thoái hóa điểm vàng thể khô. Thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể gây giảm thị lực của bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Điểm vàng của mắt là gì? Cách phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt - Ảnh 2.

Thoái hóa điểm vàng là bệnh lý tại điểm vàng thường gặp nhất trên thực tế (Ảnh: Internet)

2.2. Phù điểm vàng của mắt

Phù điểm vàng của mắt cũng là một tổn thương khá thường gặp trên thực tế, tổ chức của điểm vàng bị tích tụ chất lỏng dẫn đến điểm vàng bị phù nề. Trong hầu hết các trường hợp, phù điểm vàng của mắt là hậu quả thứ phát của một bệnh lý nào đó chẳng hạn các bệnh lý về mạch máu tại võng mạc, phù điểm vàng do biến chứng đái tháo đường,...

2.3. Lỗ hóa điểm vàng

Đây là một tình trạng bệnh lý khá đặc biệt tại điểm vàng của mắt. Khoảng cách giữa các tế bào tại điểm vàng của mắt bị giãn rộng ra khiến chúng không còn đứng sát nhau như trước mà giữa chúng sẽ tạo thành các lỗ nhỏ.

Chính sự hình thành các lỗ nhỏ này khiến cho mật độ tế bào tại điểm vàng giảm đi, nên thị lực trung tâm của người bệnh giảm, hình ảnh trở nên méo mó, biến dạng,... Nếu tình trạng tiến triển nặng, người bệnh có thể sẽ gặp phải tình trạng ám điểm đối với thị lực trung tâm, trong khi đó thị lực ngoại vi không bị ảnh hưởng gì.

3. Cách phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt

Như đã nói, trong các bệnh lý tại điểm vàng thì thoái hóa điểm vàng của mắt là bệnh lý thường xuyên xảy ra nhất trên thực tế. Các tổn thương do bệnh gây nên thường không thể đảo ngược, trong các trường hợp nặng nề thì bệnh có thể dẫn đến mù lòa. Do đó, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh thoái hóa điểm vàng là cách hiệu quả và an toàn nhất để ngăn chặn các tác hại mà bệnh có thể gây nên.

Một số biện pháp phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt

- Bỏ thuốc lá

Thuốc lá là yếu tố thúc đẩy quá trình oxi hóa diễn ra mạnh hơn cả trong máu và tại mắt. Kết quả thống kê cho thấy rằng, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa lên gấp 5 lần so với người không hút thuốc. Chính vì vậy, bỏ thuốc lá là một cách hiệu quả để phòng tránh nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng.

- Kiểm soát tốt bệnh lý huyết áp

Tình trạng co mạch võng mạc trong bệnh lý tăng huyết áp có thể làm giảm lượng máu đến điểm vàng. Giảm tưới máu sẽ gây nên tình trạng thiểu dưỡng tại điểm vàng, điều này có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng của mắt lên gấp đôi so với bình thường.

Nên kiểm soát huyết áp tốt bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng hợp lý các loại thuốc,... cũng là một cách để phòng chống thoái hóa điểm vàng.

- Tăng cường sử dụng các chất chống oxi hóa

Quá trình oxi hóa gây thoái hóa các tế bào của cơ thể, trong đó có các tế bào tại điểm vàng. Do vậy, bổ sung các chất chống oxi hóa được xem là một cách để phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt.

Để có thể sử dụng dài ngày và ít ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thì lời khuyên đưa ra là nên sử dụng các chất chống oxi hóa có nguồn gốc tự nhiên từ thực phẩm như các loại rau xanh đậm, măng tây, cà rốt, rau diếp,...

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết các hoạt chất chống oxi hóa có thể được dùng ở dưới dạng đã bào chế để nâng cao hiệu quả như đồng, kẽm, vitamin A, vitamin E, beta caroten,...

- Giảm tiêu thụ đường

Sử dụng quá nhiều đường có thể khiến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng tăng lên đến 1,7 lần. Do đó, cần hạn chế lượng đường sử dụng hàng ngày để phòng tránh thoái hóa điểm vàng của mắt xảy ra. Tốt nhất, nên chuyển từ sử dụng các loại đường đơn sang các loại đường đa, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, lúa mạch, lúa mì nguyên cám, trái cây giàu chất xơ,...

- Khám mắt định kỳ

Mặc dù các biện pháp như đã nêu trên có thể phát huy hiệu quả tích cực để phòng tránh thoái hóa điểm vàng, tuy nhiên chúng đều không có tác dụng đặc hiệu cho bệnh.

Chính vì vậy, cần phải thường xuyên thăm khám mắt định kỳ để phát hiện sớm nhất tình trạng thoái hóa điểm vàng của mắt nếu có xảy ra để có hương điều trị kịp thời, đặc biệt là đối với những người trên 65 tuổi.

Qua đây có thể thấy rằng, điểm vàng của mắt có ý nghĩa to lớn với chức năng của cơ quan thị giác, những tổn thương xảy ra tại điểm vàng có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau.

Do đó, nếu phát hiện có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh lý tại điểm vàng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp thích hợp.

Nguồn tham khảo: 

1. https://www.verywellhealth.com/macula-anatomy-function-and-significance-4771995

2. https://www.verywellhealth.com/macular-degeneration-prevention-5069921


Tác giả: QN