Sai lầm đầu tiên mà khá nhiều người thường hay mắc phải trong điều trị sốt virus hiện nay chính là sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị. Vậy tại sao điều này lại là một sai lầm?
Chúng ta cần biết rằng, thuốc kháng sinh là thuốc dùng để kìm hãm hoặc tiêu diệt vi khuẩn trong các bệnh lý do tác nhân vi khuẩn gây nên, thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Vì vậy, đối với các bệnh nhân bị bệnh sốt virus, do tác nhân trực tiếp gây nên tình trạng bệnh là virus nên việc sử dụng kháng sinh không đem lại hiệu quả điều trị.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị sốt virus có thể gây nên nhiều tác dụng phụ khác nhau cho người bệnh.
Sốt trong bệnh sốt virus có thể diễn ra rất rầm rộ, đó đó vấn đề hạ sốt luôn là vẫn đề được nhiều người quan tâm đặc biệt khi điều trị sốt virus. Những phương pháp thường được sử dụng để hạ sốt cho bệnh nhân sốt virus là sử dụng các loại thuốc hạ sốt hoặc các phương pháp hạ sốt vật lý (lau mát,...).
Tuy nhiên, do mong muốn giảm sốt nhanh chóng nên nhiều bệnh nhân thường mắc một sai lầm là lạm dụng các biện pháp hạ sốt khi điều trị sốt virus. Sự lạm dụng có thể được thực hiện qua nhiều hành động như sử dụng quá nhiều thuốc hạ sốt hoặc lau mát quá nhiều, sử dụng nước có nhiệt độ quá thấp,...
Việc lạm dụng quá nhiều các phương pháp hạ sốt trên bệnh nhân sốt virus có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều tác dụng phụ hơn (nếu dùng thuốc), hoặc gây hạ thân nhiệt đột ngột,... Do vậy, nên sử dụng các phương pháp hạ sốt cho bệnh nhân sốt virus một cách hợp lý, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ đã đưa ra.
Khi người bệnh bị sốt virus, sự tăng nhiệt độ của cơ thể so với môi trường xung quanh có thể khiến người bệnh cảm thấy lạnh hoặc thậm chí rét run. Vì vậy, nhiều người lựa chọn xử lý tình trạng này bằng cách đắp chăn kín hoặc mặc nhiều quần áo hơn cho người bệnh.
Tuy nhiên đây lại là một sai lầm cần tránh khi điều trị sốt virus. Việc đắp chăn hoặc mặc thêm nhiều quần áo cho người bệnh sẽ khiến khả năng thoát nhiệt qua dạ của cơ thể bị giảm sút, dẫn đến khó hạ sốt hơn, thậm chí còn gây tăng nhiệt độ. Vì vậy, không nên đắp chăn hoặc mặc thêm quần áo nếu bệnh nhân có hiện tượng lạnh hoặc rét do sốt trong điều trị sốt virus.
Từ lâu nay, nhiều người trong chúng ta vẫn thường coi truyền dịch như một phương pháp thần kỳ, đặc biệt đối với những bệnh nhân sốt.
Nhưng trên thực tế, việc tự ý truyền dịch cho bệnh nhân khi bị sốt lại là điều rất nguy hiểm do có thể gây tràn dịch ở các khoang tự nhiên, rối loạn điện giải, gây quá tải tuần hoàn, hoặc thậm chí gây nhiều tai biến nguy hiểm như phù phổi cấp,...
Việc truyền dịch cho bệnh nhân cần được xem xét cụ thể bởi bác sĩ có chuyên môn khi bệnh nhân không thể bù dịch bằng đường uống, hoặc bù dịch bằng đường uống không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể,... Vì vậy, khi điều trị sốt virus cho người bệnh không được tự ý sử dụng các loại dịch truyền để đảm bảo an toàn, tránh nguy hiểm.
Trên đây là một số sai lầm cần tránh mà bệnh nhân cần nhớ khi điều trị sốt virus. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định điều trị của bác sĩ đưa ra, không tự ý sử dụng các phương pháp điều trị bệnh chưa được kiểm chứng.