Điểm mặt những nguyên nhân gây nên căn bệnh trĩ sau sinh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Điểm mặt những nguyên nhân gây nên căn bệnh trĩ sau sinh
Sau khi sinh, chị em phụ nữ phải đối mặt với khá nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó căn bệnh trĩ sau sinh là một căn bệnh phổ biến dễ gặp phải. Bệnh trĩ sau sinh không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới cả tinh thần của phụ nữ.

Bệnh trĩ không chỉ xuất hiện khi mang thai, sau sinh phụ nữ cũng rất dễ mắc bệnh trĩ và có nguy cơ phát triển mạnh hơn. 

Có rất nhiều phụ nữ mắc căn bệnh trĩ sau sinh mà không rõ nguyên nhân từ đâu. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn phòng bệnh tốt hơn.

1. Nguyên nhân gây nên căn bệnh trĩ sau sinh

Lý do mà phụ nữ rất dễ bị căn bệnh trĩ sau sinh là từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Đã bị trĩ trước hoặc trong lúc mang thai, sau khi sinh con đã không chú ý giữ gìn sức khỏe của bản thân, điều này đã khiến cho bệnh trĩ có xu hướng diễn biến nặng hơn và gây những biến chứng như chảy máu, thuyên tắc búi trĩ, viêm phù nề búi trĩ. 

- Trong quá trình thai sản và chuyển dạ, việc rặn đẻ không thực hiện đúng cách, điều đó đã làm tăng thêm áp lực lên ổ bụng đặc biệt là vùng tiểu khung (phần dưới của khung chậu), khiến cho búi trĩ dễ bị sa ra ngoài. 

- Sau khi phụ nữ sinh con, phụ nữ bắt đầu áp dụng chế độ kiêng ăn khác nhau, một số chế độ ăn kiêng không phù hợp, ví dụ như ăn ít rau xanh hơn (vì sợ bị nhiễm giun), hay ít uống nước đi (để cho sữa mà con bú sẽ không bị loãng)... sẽ dẫn tới bệnh trĩ sau sinh. 

- Những tháng cuối thai kỳ, thai nhi nhiều tháng cũng có khả năng gây chèn ép và sẽ cản trở đường về của các tĩnh mạch làm cho các đám rối trĩ bị căng phồng lên, điều đó là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ sau sinh.

- Bị mắc chứng táo bón sau khi sinh với tần suất thường xuyên có nguy cơ bị trĩ. Khi các búi trĩ lớn lên nhiều sẽ bị sa ra ngoài hậu môn, thường gọi là trĩ nội sa. 

- Ngồi hoặc đứng quá nhiều hay ít di chuyển và vận động cũng là nguyên nhân gây trĩ. 

- Phụ nữ bị viêm phế quản mãn tính hay bị dãn phế quản hoặc lao động nặng nhọc... sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng điều này làm cho nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn.  

2. Cách giảm đau khi mắc căn bệnh trĩ sau sinh

Hầu hết các trường hợp mắc căn bệnh trĩ sau sinh đều không phải can thiệp bằng biện pháp phẫu thuật mà khối trĩ sẽ tự tiêu sau một thời gian nếu biết cách chăm sóc và thay đổi chế độ sinh hoạt. Trong khoảng thời gian chờ đợi bệnh trĩ thuyên giảm, đây là một số lưu ý giúp giảm đau trĩ cho mẹ sau sinh:

- Tránh ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài để giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng. Hãy nằm khi cho con bú, đọc sách hay xem TV.

- Để giảm đau tạm thời, bạn có thể uống acetaminophen hoặc ibuprofen, ngay cả khi đang cho con bú. Tuy nhiên, bạn phải dùng đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không dùng aspirin (hoặc các sản phẩm có chứa aspirin) khi đang nuôi con bằng sữa mẹ.

- Chườm đá lên khu vực bị sưng đau nhiều lần trong ngày có thể giúp bạn cảm thấy bớt khó chịu.

- Ngâm vùng dưới của bạn trong nước ấm 10 phút mỗi ngày cũng có thể giúp giảm đau. Hoặc bạn có thể dùng biện pháp nóng lạnh xen kẽ, chườm đá sau đó ngâm nước nóng.

- Sử dụng giấy vệ sinh loại mềm và không có mùi sẽ ít gây kích ứng hơn các loại khác.

- Bạn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm đau đớn khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (1 tuần hoặc ít hơn) vì sử dụng lâu dài dễ gây viêm nhiễm khi đang có trĩ.

- Ăn các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.

- Uống đủ nước (8-10 ly mỗi ngày).


Tác giả: Thúy Nga