Điểm mặt 6 triệu chứng bệnh bạch cầu thường gặp

Điểm mặt 6 triệu chứng bệnh bạch cầu thường gặp
Những triệu chứng bệnh bạch cầu phổ biến và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bầm tím, xuất huyết bất thường, đau bụng, tình trạng nhiễm trùng xảy ra thường xuyên,..

1. Xuất huyết bất thường là triệu chứng bệnh bạch cầu

Khi có bệnh bạch cầu xảy ra (đặc biệt là thể bệnh cấp tính), sự sinh sản quá mức của bạch cầu có thể làm rối loạn quá trình hình thành tiểu cầu (tế bào có vai trò chính trong quá trình đông máu của cơ thể) và làm rối loạn chức năng sinh học của tiểu cầu. Vì vậy người ta có thể thấy một trong các triệu chứng bệnh bạch cầu khá thường hay xảy ra là tình trạng xuất huyết bất thường.

Sự xuất huyết bất thường trong triệu chứng bệnh bạch cầu có thể được biểu hiện bằng nhiều trạng thái khác nhau như các mảng bầm tím tự phát dưới da, chảy máu tự nhiên (chảy máu mũi, chảy máu chân răng,...) hoặc các chấm xuất huyết dưới da,... Đa số các tình trạng xuất huyết bất thường có thể xảy ra tự phát mà không cần có các nguyên nhân cơ học tác động.

2. Các biểu hiện thiếu máu trong triệu chứng bệnh bạch cầu

Cũng giống với tiểu cầu, các tế bào bạch cầu sinh sản quá mức cũng khiến quá trình sản sinh hồng cầu bị ảnh hưởng và hồng cầu bị chiếm chỗ trong lòng mạch khiến chức năng của hồng cầu bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho thiếu máu trở thành một trong các triệu chứng bệnh bạch cầu khá đặc trưng và thường gặp trên lâm sàng.

Người bệnh thường có các biểu hiện của sự thiếu máu như cơ thể cảm thấy yếu, dễ bị mệt, da và niêm mạc nhợt nhạt hơn (mức độ phụ thuộc vào sự thiếu máu nhiều hay ít), tóc móng dễ gãy, rụng, khó thở nhiều hơn. Vì vậy đôi khi thiếu máu không chỉ có thể do nguyên nhân thiếu sắt như ta vẫn hay nghĩ mà nó có thể là triệu chứng bệnh bạch cầu - một căn bệnh nguy hiểm.

3. Đau xương

Đau xương cũng là một trong các triệu chứng bệnh bạch cầu gặp ở khá nhiều bệnh nhân. Tình trạng đau xương do bệnh bạch cầu trên bệnh nhân gây nên bởi sự tăng sinh quá mức của các tế bào bạch cầu non gây gia tăng áp lực lên các buồng tủy, kích thích các đầu mút thần kinh khiến bệnh nhân cảm thấy cơn đau từ trong xương.

4. Đau bụng

Cảm giác đau đớn trong triệu chứng bệnh bạch cầu ngoài biểu hiện bằng tình trạng đau xương còn có thể biểu hiện bằng tình trạng đau tại các cơ quan khác, đặc biệt là các tạng trong ổ bụng như gan và lách là nơi có mức độ tập trung máu cao.

Sự gia tăng áp lực tại gan, lách có thể khiến bệnh nhân có cảm giác đau bụng xuất hiện. Bên cạnh cảm giác đau, bệnh nhân cũng co thể cảm thấy một số tình trạng như căng tức bụng, chán ăn, ăn nhanh no,... là do các tạng như gan, lách lớn lên chiếm chỗ các cơ quan khác trong ổ bụng.

5. Xuất hiện tình trạng hạch bất thường

Bình thường các hạch bạch huyết trên cơ thể chúng ta thường không thể sờ được, tuy nhiên khi có bệnh bạch cầu xảy ra các hạch này thường có các biểu hiện sưng to bất thường.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự sinh sản và tập trung quá mức của các tế bào bạch cầu trong cơ thể, đồng thời do tình trạng nhiễm trùng trên bệnh nhân bệnh bạch cầu diễn ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Vì vậy trên bệnh nhân bệnh bạch cầu, người bệnh rất dễ phát hiện sự xuất hiện, sưng to bất thường của các hạch trên cơ thể.

6. Nhiễm trùng xảy ra thường xuyên hơn

Hàng rào miễn dịch trong cơ thể được tạo nên bởi hệ thống miễn dịch dịch thể (kháng thể) và hệ thống miễn dịch tế bào (bạch cầu, lympho bào). Khi bệnh bạch cầu xảy ra, điều này có nghĩa là chính cơ quan bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân nhiễm trùng bị bệnh.

Vì vậy triệu chứng đặc trưng thường thấy trên bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu là tình trạng nhiễm trùng thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh các triệu chứng như đã kể trên, bệnh nhân còn có thể gặp một số triệu chứng của bệnh bạch cầu khác như cảm giác sốt, ớn lạnh cơ thể, đổ mổ hôi ban đêm,...

Trên đây là một số triệu chứng bệnh bạch cầu thường gặp trên lâm sàng. Sự phát hiện sớm các triệu chứng bệnh bạch cầu là cơ sở để giúp chẩn đoán bệnh sớm và tiến hành điều trị kịp thời. VÌ vậy, khi phát hiện các triệu chứng bất thường như đã nói trên, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn để được thực hiện các thăm khám cần thiết.


Tác giả: QN