Khoảng 75% trọng lượng cơ thể người trưởng thành là nước và tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ nhỏ. Nước đóng nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể như là dung môi hòa tan các chất, là con đường bài tiết, phương tiện điều nhiệt, bôi trơn khớp,...
Vì vậy khi lượng nước trong cơ thể giảm thấp (cơ thể thiếu nước) sẽ gây nên các rối loạn chức năng sống, thậm chí gây nên các bệnh lý nguy hiểm.
Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu nước:
Dấu hiệu đầu tiên, thường gặp nhất khi cơ thể thiếu nước chính là khát nước. Điều này là bởi cơ thể luôn có cơ các cơ chế điều hòa hoạt động của bản thân. Khi lượng nước giảm khiến áp suất thẩm thấu trong cơ thể tăng cao, vì vậy sẽ kích thích cảm giác khát của cơ thể thôi thúc uống nước để bù đắp lượng nước còn thiếu.
Mỗi ngày, một người đào thải khoảng 180 lit nước tiểu đầu (là nước tiểu mới xuất hiện ngay sau khi lọc tại các đơn vị thận), tuy nhiên chỉ có khoảng 1,5 đến 2 lit nước tiểu chính thức được đào thải ra bên ngoài. Điều này là do cơ thể có thể tái hấp thu lại nước và các chất cần thiết có trong nước tiểu đầu để tái sử dụng.
Khi cơ thể thiếu nước, quá trình tái hấp thu nước tại thận sẽ được diễn ra nhanh hơn khiến số lượng nước tiểu chính thức giảm xuống. Vì vậy số lần đi tiểu cũng như số lượng nước tiểu bài xuất mỗi lần đều sẽ giảm khi cơ thể thiếu nước.
Trong khoang miệng, ba tuyến nước bọt là tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt dưới lưỡi sẽ thường xuyên thực hiện bài xuất nước bọt (thành phần chủ yếu là nước) để khoang miệng luôn ẩm ướt, tạo viên nuốt, và tiêu hóa một phần thức ăn.
Tuy nhiên, nếu cơ thể bị thiếu nước, tỉ lệ nước trong nước bọt sẽ giảm xuống khiến nước bọt trở nên quánh đặc hơn. Do vậy ở những người bị thiếu nước, khô miệng, khó nuốt,... là những biểu hiện rất thường xảy ra.
Da và niêm mạc là lớp ngoài cùng bao phủ cơ thể, do vậy khi cơ thể thiếu nước thì biểu hiện tại da và niêm mạc cũng là dễ thấy nhất.
Ở những người bị thiếu nước, da thường và niêm mạc thường trở nên khô hơn, thậm chí có thể xảy ra tình trạng bong tróc, nứt (điển hình ở môi). Đối với những bệnh nhân mất nước nhiều, mất nước có thể khiến các tổ chức dưới da co lại làm da trùng xuống nên dễ để lại nếp sau thực hiện véo da. Vì vậy véo da là một trong các phương pháp đánh giá mất nước trong nôn, tiêu chảy, sốt,...
Bình thường, cơ thể sẽ tái hấp thu nước có trong phân tại ruột già để giữ nước cho cơ thể và tạo hình khối phân giúp thuận lợi cho việc tống xuất phân ra ngoài.
Nhưng khi cơ thể thiếu nước, cơ thể sẽ tăng cường hấp thu nước tại ruột già để bù đắp số lượng nước cơ thể bị thiếu và tránh thất thoát nước quan đào thải. Sự tăng cường hấp thu này khiến khối phân trở nên rắn chắc hơn nhiều so với trạng thái bình thường, gây nên tình trạng táo bón.
Tất nhiên, táo bón có thể gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng điển hình trong đó chính là tình trạng cơ thể thiếu nước.
Nước là môi trường chính để cơ thể có thể chuyển hóa các chất phục vụ cho hoạt động sống của cơ thể (trong đó có các chất sinh năng lượng), và nước cũng là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong chuỗi quá trình đó. Do vậy khi cơ thể thiếu nước, các tế bào sẽ bị thiếu dinh dưỡng do giảm chuyển hóa nên rất dễ gây nên mệt mỏi.
Trên đây là 6 dấu hiệu thường gặp khi cơ thể thiếu nước. Khi có những dấu hiệu này, hãy tăng cường sử dụng nước hoặc các chế phẩm bù nước, điện giải để đảm bảo cho hoạt động sinh lý của cơ thể được diễn ra bình thường.