Chàm và nổi mề đay do dị ứng, đặc biệt vào những ngày mùa Xuân khiến người bệnh cảm thấy ngứa dữ dội, khó chịu, chất lượng cuộc sống giảm sút. Hai bệnh lý này có thể gây nhầm lẫn nên có thể dẫn tới phương pháp điều trị không đúng cách. Dưới đây sẽ là những thông tin và cách phân biệt mề đay và chàm.
Mề đay (Mày đay) là hiện tượng phát ban da, nguyên nhân chủ yếu do dị ứng. Khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng nào đó cơ thể bắt đầu giải phóng histamin vào máu. Histamines là hóa chất mà cơ thể tạo ra để cố gắng tự bảo vệ mình khỏi nhiễm trùng và những tác nhân kích ứng bên ngoài. Nhưng ở một số người, histamin có thể gây sưng, ngứa và gọi chung là mề đay.
Đọc thêm:
- Bệnh viêm da và những điều cần chú ý để phòng ngừa, điều trị hiệu quả
- Viêm da dị ứng tiếp xúc: căn bệnh dị ứng nguy hiểm ai cũng cần biết
Chàm hay còn được gọi là viêm da cơ địa, đây là bệnh lý viêm da mãn tính. Bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì, yếu tố môi trường. Chàm có rất nhiều loại như viêm da dị ứng, chàm tổ đỉa, chàm đồng xu, viêm da tiết bã nhờn, ...
Mề đay do dị ứng và chàm đều gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Tuy nhiên, 2 bệnh lý này có thể dễ dàng phân biệt thông qua một số triệu chứng đặc trưng như:
Nếu bị mề đay do dị ứng, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như:
- Xuất hiện dưới dạng bánh xe hoặc vết sưng lớn hơn, các vết sưng không có nước và không bị rỉ dịch.
- Da có thể màu hồng, đỏ hoặc màu da. Khi ấn vào giữa vết sưng thì màu có thể phai.
- Nốt phát ban có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể như chân, cánh tay, người, mặt, …
- Các vết sưng thường kéo dài không quá 24 giờ, nhưng những vết sưng mới có thể hình thành và tạo thành các mảng sưng rộng.
- Kích thước của chúng có thể từ kích thước bằng đầu kim đến vài inch.
Chàm có nhiều loại nhưng có các triệu chứng chung như:
- Da có vảy và nứt nẻ
- Phát ban trên vùng da sưng tấy
- Các vết sưng nhỏ, rỉ dịch và đóng vảy, các mảng da sần sùi, …
- Có xu hướng xuất hiện ở một số vùng của cơ thể như mặt, da đầu, các chi như cánh tay hoặc chân.
Ngoài ra, tùy thuộc vào loại chàm mà có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác. Chẳng hạn, chàm đồng xu sẽ xuất hiện các hình tròn hình đồng xu. Hay chân hoặc bàn chân bị phù, xuất hiện các vết loét ở những người bị viêm da ứ nước.
Ngoài ra, để phân biệt chàm và mề đay do dị ứng, người bệnh có thể xem xét các yếu tố có thể gây dị ứng, chẳng hạn bạn có tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, chất kích ứng hay thời tiết có thay đổi không.
Khi bị chàm và mề đay, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ (nếu có), người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để làm giảm triệu chứng, cụ thể:
Mọi người có thể áp dụng một số biện pháp sau để làm giảm triệu chứng mề đay:
- Sử dụng kem dưỡng da nhẹ nhàng hoặc làm mát vùng da sưng tấy để giảm ngứa
- Mặc quần áo rộng, nhẹ, làm từ cotton
- Không nên gãi và làm tổn thương vùng da bị mề đay
- Không nên dùng xà phòng, sữa tắm có chứa chất tẩy rửa mạnh
- Không nên tắm với nước quá nóng
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân đã biết gây dị ứng
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D3 - vitamin này có thể giúp điều trị phát ban mãn tính. Ngoài ra, khi bị mề đay, người bệnh nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A, B, C. Kiêng những thực phẩm giàu đạm, chứa nhiều đường, muối, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đặc biệt là các thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, đậu phộng, đậu nành, hải sản, ...
Để làm giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị nhanh chóng, người bị bệnh chàm có thể áp dụng một vài phương pháp như:
- Tắm nước ấm
- Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên tránh để da bị khô
- Lựa chọn trang phục làm từ vải bông hoặc mềm
- Tránh các sợi thô, dễ làm trầy xước da và quần áo bó sát
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong thời tiết khô hoặc lạnh
- Sử dụng xà phòng nhẹ hoặc chất tẩy rửa không xà phòng
- Không gãi hoặc cọ mạnh làm trầy xước vùng da bị chàm
- Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để hỗ trợ điều trị như thoa mật ong, dầu dừa, lô hội, dưa chuột, …
Đối với chế độ ăn uống dành cho người bị chàm, người bệnh nên lựa chọn những thực phẩm chống viêm, giàu vitamin C, E, D. Hạn chế những thực phẩm dễ gây dị ứng, đồ uống chứa chất kích thích, thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất béo và đường.
Mề đay và chàm không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, gây khó chịu. Vì vậy, mọi người nên chủ động phòng bệnh bằng một số biện pháp như:
- Phòng ngừa bệnh chàm:
+ Dưỡng da thường xuyên, tránh để da bị khô quá mức
+ Dùng các loại sữa tắm, sữa rửa mặt, xà phòng nhẹ nhàng. Tránh những sản phẩm có chất tẩy rửa cao. Nếu cần thiết sử dụng nên đeo gang tay để không tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
+ Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng như nước hoa, phấn hoa, khói bụi, ...
+ Tránh tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, nước ấm là sự lựa chọn tuyệt vời
+ Giữ cho da sạch sẽ
+ Đối với những người bị mãn tính, có thể dùng thêm thuốc được bác sĩ tư vấn nếu có.
Phòng ngừa mề đay do dị ứng:
+ Tránh các tác nhân gây dị ứng nếu đã biết như lông thú cưng, phấn hoa, thực phẩm, ...
+ Không nên tiếp xúc với các chất có tính tẩy rửa mạnh
+ Giữ vệ sinh tốt như thường xuyên lau dọn nhà cửa, chăn gối, quần áo giặt giũ thường xuyên
+ Hạn chế sinh hoạt trong các môi trường có độ ẩm thấp
+ Ăn uống cân bằng và duy trì lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng quá mức.
Có thể nói, chàm và mề đay do dị ứng là tình trạng da liễu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đôi khi khiến họ mất sự tự tin vào bản thân. Một chế độ chăm sóc da phù hợp, ăn uống và lối sống khoa học sẽ giúp phòng ngừa bệnh lý khá hiệu quả. Khi xuất hiện tình trạng bệnh, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và xin lời khuyên từ bác sĩ để giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo:
1. Eczema vs. Hives: What's the Difference?
2. Everything You Need to Know About Eczema
3. Hives