Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây có thể gây nên viêm phế quản, kể đến như virus, vi khuẩn, hóa chất, khói thuốc lá,... Trong đó virus và vi khuẩn là nguyên nhân gây ra viêm phế quản thường gặp nhất.
Theo lý thuyết, viêm phế quản có thể xảy ra ở tất cả mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác,... Tuy nhiên trên thực tế, người ta ghi nhận một số nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản cao hơn rất nhiều so với phần đông số người khác.
Những nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản cao:
Như chúng ta đã biết, vi sinh vật (virus, vi khuẩn,..) được cho là nguyên nhân hàng đầu cho phần lớn các trường hợp bị viêm phế quản. Nếu một người có sức đề kháng yếu, điều này có đồng nghĩa với việc khả năng chống chọi với virus và vi khuẩn xâm nhập cũng sẽ yếu đi và khiến phế quản dễ bị viêm hơn.
Vì thế, những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch,... là những đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản cao.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu bạn bị viêm phế quản thì không thể khẳng định chắc chắn là do hệ miễn dịch của bạn đang suy yếu, mà điều này có thể gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như bụi, hóa chất, khói thuốc,...
Lâu nay chúng ta vẫn chỉ thường xuyên nghe nói rằng khói thuốc lá gây ung thư phổi, nhưng dường như lại ít nghe nói đến hơn về một hậu quả của hút thuốc lá chính là bệnh viêm phế quản. Những người hút thuốc lá cũng là một trong các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị viêm phế quản, đặc biệt là viêm phế quản mãn tính.
Bởi khi sử dụng thuốc lá, các loại hóa chất không chỉ gây nên tổn thương tại nhu mô phổi mà nó còn gây nên tổn thương ngay tại phế quản, gây viêm, tăng tiết dịch nhầy,... Điều này khiến bệnh nhân dễ mắc viêm phế quản hơn.
Nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản cao do hút thuốc lá không chỉ đối với những người hút thuốc lá trực tiếp mà còn đúng với người hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc,...
Một nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản cao khác có thể kể đến chính là những người phải sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.
Người ta nhận thấy rằng có sự khác biệt đáng kể giữa những người sống và làm việc trong các môi trường ô nhiễm thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ (khói, bụi, hóa chất,...) tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, khu đông dân cư, làng nghề tái chế,... so với các cư dân sống tại khu vực có môi trường trong sạch.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhắc đến một trường hợp khá đặc biệt là các nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, chứa nhiều loại tác nhân gây bệnh trong bệnh viện và các cơ sở y tế.
Trên lý thuyết, viêm phế quản là một bệnh lý mắc phải mà không phải là một bệnh lý do di truyền. Nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy, có một sự liên quan nào đó giữa di truyền và nguy cơ mắc viêm phế quản. Tuy nhiên đây mới chỉ là những giả thiết bước đầu đang được nghiên cứu, chứ chưa tìm được bằng chứng cụ thể nào cho vấn đề này.
Do đó, việc khẳng định những người có người thân trực hệ bị viêm phế quản có phải là đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản cao không sẽ còn là câu hỏi cần thêm thời gian để có thể giải đáp.
Trên đây là một số nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản cao trong cộng đồng. Để phòng tránh bị viêm phế quản, mỗi người cần có biện pháp dự phòng thích hợp, tránh các tác nhân gây bệnh cũng như điều trị kịp thời ngay khi có các triệu chứng đầu tiên xảy ra.