Điểm danh những dấu hiệu thiếu canxi cần phải bổ sung ngay

Điểm danh những dấu hiệu thiếu canxi cần phải bổ sung ngay
Thiếu canxi thường được mọi người biết đến với các hậu quả nghiêm trọng như: loãng xương, nhuyễn xương thậm chí xương giòn dễ gãy ở người lớn và tình trạng còi xương diễn ra ở trẻ nhỏ...Vậy dấu hiệu thiếu canxi cụ thể là gì?

1. Những dấu hiệu thiếu canxi cần biết

Cơ thể có những dấu hiệu thiếu canxi khi lượng canxi ăn vào không đủ hoặc do hấp thu từ đường ruột kém. Cơ thể thiếu hụt canxi trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ thống xương do canxi trong xương sẽ được huy động sang duy trì nồng độ canxi trong máu. Chính vì vậy thiếu canxi mãn tính là một trong những nguyên nhân quan trọng của việc giảm khối lượng xương và loãng xương.

Dưới đây là dấu hiệu thiếu canxi:

- Co thắt cơ: Co thắt cơ là một trong những dấu hiệu thiếu canxi rõ ràng nhất của cơ thể. Nếu bạn thấy mình thường xuyên bị co thắt cơ hoặc chuột rút khi vận động, sau đó là đau cơ,... điều đó chứng tỏ lượng canxi trong cơ thể bạn bị thấp, thiếu hụt.

- Đau răng: Phần lớn canxi trong cơ thể được lưu trữ trong xương và răng, vì vậy bộ phận này thường bị thiếu canxi đầu tiên. Bạn thấy răng bị ố vàng, sâu và thường gặp các tổn thương như ê buốt khi ăn đồ lạnh, đồ cay, nóng thì đó chính là dấu hiệu thiếu canxi.

- Giảm trí nhớ: Dấu hiệu thiếu canxi tiếp theo cần nhắc đến là giảm trí nhớ. Điều này xảy ra khi lượng canxi trong cơ thể thấp có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của hệ thần kinh.

- Tê hoặc ngứa ran: Khi thiếu canxi, các dây thần kinh cơ yếu cũng dễ bị kích thích gây ra cảm giác tê tay hay ngứa ran ở các ngón tay.

- Trầm cảm: Thiếu canxi có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần. Lượng canxi thấp cũng có liên quan tới trầm cảm và suy nghĩ lo âu.

- Mệt mỏi: Thiếu canxi trong cơ thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất. Những người có dấu hiệu thiếu canxi dễ cảm thấy mệt mỏi và thường hay bị ốm hơn.

- Mất ngủ: Melatonin là hormone giúp cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ và nó được tạo ra bởi canxi. Dấu hiệu thiếu canxi là bạn sẽ khó có một giấc ngủ sâu.

- Móng tay yếu và giòn: Đây là dấu hiệu thiếu canxi rất thường gặp.

- Da khô: Một dấu hiệu thiếu canxi nữa có thể kể đến là da bạn trở nên khô hơn và có hiện tượng bong tróc. Sự thiếu hụt canxi được chứng minh là có liên quan đến các bệnh về da như chàm, vảy nến...

- Chán ăn: Nhiều người có dấu hiệu thiếu canxi là thường cảm thấy buồn nôn và chán ăn.

2. Thiếu canxi khiến cơ thể có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý

Thiếu canxi lâu dài trong khẩu phần ăn có thể khiến bạn mắc bệnh cao huyết áp và ung thư ruột. Khi lượng canxi giảm, tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp lại càng tăng.

Ngoài ra thiếu canxi còn gây hạ canxi máu. Nồng độ canxi trong máu nếu thấp dưới mức cho phép sẽ khiến cơ thể có những biểu hiện như tê bì, chuột rút... trường hợp nặng hơn là khó thở, co giật, lú lẫn...

Trẻ nhỏ có những dấu hiệu thiếu canxi lâu dài, nếu không được bổ sung đầy đủ và kịp thời thì sẽ rất dễ bị còi xương, xương không phát triển, xương bị biến dạng... những vấn đề về xương gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao cho trẻ.

Thiếu canxi còn khiến răng yếu, mọc không đều, dễ bị sâu răng. Ngoài ra khi thiếu canxi, hoạt động dẫn truyền thần kinh bị ức chế, nên trẻ thường có biểu hiện quấy khóc về đêm, hay giật mình khi ngủ, thậm chí rối loạn chức năng vận động.

Canxi là dưỡng chất thiết yếu của cơ thể. Thiếu canxi không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương, răng mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ bắp cũng như việc phát tín hiệu cho các tế bào thần kinh.

Do đó, khi có những dấu hiệu thiếu canxi cần bổ sung một cách hợp lý cho cơ thể hoặc tới các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm và kê đơn thuốc bổ sung.

3. Cung cấp canxi cho cơ thể bằng cách nào?

Canxi là khoáng chất cơ thể không thể tự sản xuất hay tổng hợp được mà phải cung cấp từ bên ngoài qua đường ăn uống. Do đó, để cung cấp đầy đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể cần tăng cường vận động, có một chế độ ăn uống hợp lý. Các thực phẩm như hải sản, sữa, các thực phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…), các loại rau lá xanh sẫm, các loại hạt, ngũ cốc… là các thực phẩm có chứa hàm lượng canxi cao.

Nếu bạn có các dấu hiệu thiếu canxi rõ ràng, đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể thiếu hụt canxi nghiêm trọng thì bên cạnh việc thường xuyên vận động và thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, cần bổ sung thêm viên uống bổ sung canxi bởi lúc này lượng canxi hấp thu được từ thực phẩm là không đủ.

Trên đây là những thông tin giúp bạn biết được những dấu hiệu thiếu canxi của cơ thể và nguy cơ bệnh lý có thể gặp phải khi thiếu hụt canxi.


Tác giả: Trà Mi