Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa

Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa
Theo các con số thống kê, ở nước ta có tới hơn 90% dân số mắc các bệnh về răng miệng. Những căn bệnh về răng miệng này không những ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Các bệnh về răng miệng đang đặt trong tình trạng báo động đỏ vì mức độ phổ biến của nó. Hầu như mọi đối tượng đều có thế gặp phải các vấn đề về răng miệng. Chúng vừa gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh thiếu tự tin vừa tác động tiêu cực tới sức khỏe.

1. Nguyên nhân dẫn tới các bệnh về răng miệng

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới các bệnh về răng miêng. Tuy nhiên, có 3 nguyên nhân phổ biến sau:

- Đánh răng không đúng cách:

Đánh răng là hoạt động vệ sinh răng miệng phổ biến. Tuy nhiên, không ít người vẫn đánh răng sai cách. Cụ thể, có nhiều người chỉ đánh răng vào buổi sáng, hoặc đánh răng quá nhanh, không đủ 3 phút theo yêu cầu.

Ngoài ra, đánh răng sai cách còn thể hiện ở việc chải răng theo chiều ngang. Việc đánh răng không đúng cách này lâu ngày sẽ dẫn tới mòn men răng, ngà răng, dễ mắc bệnh nha chu.

- Sử dụng tăm xỉa răng thay cho chỉ nha khoa:

Việc dùng tăm hay các vật nhọn xỉa răng là thói quen khá phổ biến. Tuy nhiên, hành động này lâu ngày làm cho các kẽ răng bị hở, làm trầy nướu răng và gây tụt nướu ở các kẽ răng.

Không những thế, việc sử dụng tăm xỉa răng cũng không bảo đảm an toàn về vệ sinh. Chỉ nha khoa là lựa chọn được các nha sĩ khuyên dùng tuy nhiên ít người dùng đến chúng.

- Không dùng nước súc miệng:

Không dùng nước súc miệng khiến hạn chế hiệu quả chăm sóc răng miệng, cụ thể là khoang miệng chưa sạch hoàn toàn, vẫn còn tồn tại nhiều vi khuẩn và mảng bám.

Việc đánh răng hàng ngày là chưa đủ vì chỉ có thể chải sạch một số bề mặt răng, vi khuẩn gây bệnh răng miệng vẫn còn tồn tại ở những nơi khác như kẽ răng, lưỡi và vòm miệng.

2. Điểm danh các căn bệnh về răng miệng phổ biến

2.1. Sâu răng

Một trong những bệnh về răng thường gặp nhất là sâu răng. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc sâu răng, nhưng đối tượng phổ biến và thường gặp nhất vẫn là trẻ em.

Các chuyên gia cho biết nguyên nhân chính gây ra bệnh sâu răng chính là do thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách. Theo đó, những mảng bám thức ăn thừa trên răng không được vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng sinh sôi nảy nở, hình thành nên các chấm đen li ti.

Theo thời gian, những lỗ sâu răng này sẽ phát triển rộng hơn, gây ra cảm giác đau nhức, khó khăn khi nhai. Ngoài ra, triệu chứng của sâu răng cũng có thể là những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng.

Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Những mảng bám thức ăn không được vệ sinh sạch sẽ lâu ngày sẽ dẫn tới sâu răng - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Đánh răng sau khi ăn sáng tốt hay không và cần lưu ý điều gì?

- Hướng dẫn cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà hiệu quả tức thì

Sâu răng dường như là tình trạng đơn giản nhưng theo các nha sĩ, sâu răng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, gây đau đớn cho người bệnh. Cụ thể, nếu sâu răng nặng sẽ gây biến chứng viêm tủy đau dữ dội. Nếu không có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa, sâu răng sẽ ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.

Để phòng tránh bệnh sâu răng hiệu quả nhất. các nha sĩ khuyến cáo mọi người nên giữ vệ sinh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì 6 tháng một lần. Ngoài ra, cần lưu ý nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và hạn chế ăn đồ ngọt, nước uống có ga vào buổi tối.

2.2. Viêm tủy răng

Viêm tủy răng không những gây cho người bệnh cảm giác đau nhức, khó chịu mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm tủy răng là do vi khuẩn từ bệnh về sâu răng, chúng thâm nhập vào từ lỗ sâu răng và qua các cuống răng... Ngoài ra, bệnh viêm tủy răng còn do các nguyên nhân khác như do hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân...), do yếu tố vật lý (sang chấn, thay đổi áp suất môi trường, vỡ hay mẻ răng, do chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng, mòn răng quá nhiều...

Triệu chứng của viêm tủy răng là người bệnh thường xuất hiện những cơn đau từng cơn dữ dội, đau chảy cả nước mắt, nước mũi, cơn đau càng tăng khi gặp nóng lạnh như thức ăn và nước uống lọt vào chỗ sâu. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, viêm tủy răng có mủ dẫn đến đau giật như mạch đập, như gõ trống trong tai, răng đau có cảm giác lung lay...

Cần lưu ý răng bị viêm tủy không tự lành lại được. Vì vậy, nếu không điều trị, nhiễm khuẩn sẽ lan rộng và tiến triển thành những ổ viêm ở chân răng, hay còn gọi là viêm quanh cuống răng. Khi viêm quanh cuống xảy ra thì khả năng điều trị viêm tủy răng hiệu quả sẽ thấp hơn. Do đó, khi nghi ngờ bị viêm tủy răng, cần đi đến nha sĩ điều trị sớm.

2.3. Viêm nha chu

Một trong các bệnh về răng miệng thường gặp khác là viêm nha chu. Theo đó, viêm nha chu được định nghĩa là tình trạng các mô nha chu bị viêm nhiễm gây hôi miệng, nướu bị sưng đỏ, chảy máu chân răng đau nhức. Nếu không được điều trị, viêm nha chu sẽ dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng nghiêm trọng do nướu không còn khả năng bám vào chân răng, tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập, gây đau nhức khi nhai, tụt nướu, hình thành các túi nha chu, phá hủy xương ổ răng và mất răng.

Nguyên nhân gây ra viêm nha chu là do vệ sinh răng miệng kém, thói quen không khám răng và cạo vôi răng định kỳ, hút thuốc lá thường xuyên...Ngoài ra, viêm nha chu còn có thể do rối loạn nội tiết tố trong cơ thể (thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, tuổi dậy thì) và hệ miễn dịch kém như những người mắc các bệnh về tiểu đường, bạch cầu, viêm nhiễm khuẩn…

Triệu chứng của viêm nha chu là xuất hiện tình trạng nướu bị sưng, có màu đỏ tươi, đỏ sẫm, dễ chảy máu, không bám chắc vào chân răng, làm cho răng trông dài hơn bình thường; Xuất hiện nhiều mảng vôi răng đọng lại ở xung quanh thân răng; Mủ giữa răng và nướu gây ra cảm giác đau nhức; Đau khi nhai; Răng lung lay, dễ bị gãy rụng; Bắt đầu xuất hiện hiện tượng hôi miệng.

Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa - Ảnh 2.

Viêm nha chu có thể dẫn tới hiện tượng hôi miệng - Ảnh Internet.

Đọc thêm: Bạn có biết bệnh viêm nha chu là gì?

Tùy vào tình trạng viêm nha chu cụ thể của từng người bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Theo đó, với các trường hợp bị viêm nha chu ở mức độ nặng, các phương pháp điều trị viêm nha chu có thể sử dụng là phương pháp trồng răng giả tháo lắp, phương pháp cầu răng sứ, phương pháp cấy ghép implant. Còn ở mức độ nhẹ, điều trị viêm nha chu có thể chỉ cần cạo vôi răng, nạo túi mủ, bít, trám tủy.

2.4. Bệnh sứt mẻ răng

Sứt mẻ răng, mòn rạn men răng là căn bệnh về răng miệng khá phổ biến. Nguyên nhân chính gây ra bệnh sứt mẻ răng là axít, nó thẩm thấu vào thành phần khoáng của răng, làm mềm men răng khiến men răng dễ bị mòn vẹt và rạn nứt, sâu răng và gây hiện tượng răng mẫn cảm thái quá với thức ăn nóng, lạnh.

Để phòng tránh bệnh sứt mẻ răng cần giảm bớt thực phẩm có chứa nhiều axít như: nước uống có ga, nước tăng lực, trà đặc… Ngoài ra, cần lưu ý nếu sứt mẻ răng kèm ngứa lợi thì có thể là triệu chứng của viêm lợi, Lúc này người bệnh nên đến gặp bác sĩ nha khoa khám tư vấn và khắc phục kịp thời, nhằm hạn chế những tổn thương vĩnh viễn.

2.5. Bệnh tủy răng hoại tử

Tủy răng hoại tử là biến chứng của viêm tủy răng mãn tính. Dấu hiệu của tủy răng hoại tử là người bệnh hoàn toàn không cảm thấy lạnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy áp lực tăng lên ở chiếc răng bị ảnh hưởng khi ăn hoặc nghiến răng. Áp lực này kéo dài khoảng vài phút mỗi lần. Nếu không có cảm giác gì ở chiếc răng đó, đây có thể là dấu hiệu của tủy răng hoại tử.

Tủy răng bị hoại tử nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các bệnh về viêm quanh chóp chân răng, áp-xe quanh chóp răng... Tùy vào mức độ đau nhức của người bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và chỉ định phương pháp điều trị chính xác và phù hợp nhất.

Theo đó nếu cơn đau của bệnh nhân nhẹ, diễn ra trong thời gian ngắn thì có thể theo dõi tủy răng, nếu răng bị sâu, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch ổ sâu rồi trám kín bằng hydroxit canxi, hạn chế cho răng tiếp xúc với những đồ kích thích như các thực phẩm nóng, lạnh, chua, ngọt.

Trong trường hợp những cơn đau giảm dần thì không cần lấy tủy răng và theo dõi trong khoảng thời gian 1 tháng. Ngược lại, nếu cơn đau không có dấu hiệu giảm đi mà nó ngày càng tăng lên thì các bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ tủy răng. Ngoài ra, các nha sĩ cũng có thể thay toàn bộ răng bị hoại tử tủy.

Trên đây là các bệnh về răng miệng thường gặp nhất. Ngoài ra, tất cả các đối tượng đều có thể phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe về răng miệng khác như răng ố màu, răng khôn mọc lệch, quá nhiều răng...Để được xử lý tốt nhất, khi có bất cứ bất thường nào về răng miệng, cần đi tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và tư vấn kịp thời.

3. Làm sao để phòng tránh các bệnh về răng miệng?

Các bệnh về răng miệng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng những thói quen hàng ngày đơn giản. Cụ thể:

- Đánh răng sau khi ăn hoặc uống: Đánh răng thường xuyên và đều đặn là một trong những biện pháp phòng ngừa các bệnh về răng miệng đơn giản và hiệu quả nhất. Mục đích của việc làm này là làm sạch các mảng bám do thức ăn và các vụn bẩn bám chắc trên bề mặt răng sau khi ăn uống.

Các nha sĩ khuyến cáo nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, sử dụng những loại kem đánh răng có chứa fluoride, để loại bỏ nhưng vi khuẩn và làm sạch kẽ răng, xỉa hoặc sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng. Nếu không thể đánh răng sau khi ăn, ít nhất là cố gắng rửa miệng với nước.

Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa - Ảnh 3.

Đánh răng đúng cách là biện pháp phòng ngừa các bệnh về răng miệng đơn giản và hiệu quả - Ảnh Internet.

- Khám nha sĩ thường xuyên: Khám sức khỏe răng miệng định kì sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng, hoặc phát hiện sớm để có được phương pháp chữa trị hiệu quả.

- Hạn chế thói quen ăn uống vặt thường xuyên, đặc biệt là những thực phẩm ngọt.

- Tăng cường tiêu thụ những thực phẩm tốt cho răng như trái cây, rau củ, pho mai...

4. Chế độ dinh dưỡng dành cho những người mắc các bệnh về răng miệng

4.1. Bị các bệnh về răng miệng nên ăn gì?

Sữa chua

Một trong những thực phẩm tốt cho răng không thể bỏ qua chính là sữa chua. Nguyên nhân là vì trong thành phần của sữa chua có rất nhiều canxi và vitamin nên việc ăn nhiều sữa chua rất tốt cho răng miệng từ bên trong.

Tuy nhiên, cần lưu ý nên sử dụng sữa chua không đường để bảo vệ răng miệng tốt nhất. Ngoài ra, sữa chua có hàm lượng chất béo thấp. Nó không gây ra các vấn đề về răng miệng. Axit lactic có trong sữa chua cũng góp phần bảo vệ lợi rất tốt.

Phomai

Tương tự như sữa chua, chế phẩm từ sữa là pho mai cũng có tác dụng giúp răng chắc khỏe. Pho mai hay các chế phẩm từ sữa khác chứa một loại protein gọi là casein - một chất đóng một vai trò trong việc tái tạo men răng.

Táo

Thực phẩm nào tốt cho răng? Táo là câu trả lời không thể bỏ qua. Nguyên nhân là vì táo là một loại trái cây chứa nhiều vitamin và lượng đường thấp. Vì thế, bổ sung táo vào bữa ăn hàng ngày tốt cho sức khỏe của răng. Không những vậy, táo còn là loại trái cây có kết cấu dạng sợi, giúp loại bỏ nhiều thực phẩm thừa khỏi răng dễ dàng hơn.

Cà rốt

Cà rốt là một trong những thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng. Trong thành phần của cà rốt chứa nhiều vitamin A, vitamin B6, biotin và chất xơ, đồng thời ít chất béo. Không những vậy, cà rốt rất ít đường và khi ăn kết kết cấu của cà rốt cũng lấy đi mảng bám trên răng, giúp bảo vệ răng miệng.

Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa - Ảnh 4.

Cà rốt là thực phẩm tốt cho răng - Ảnh Internet.

Cần tây

Rau gì tốt cho răng? Câu trả lời cho câu hỏi này chính là cần tây. Nguyên nhân là vì cần tây là loại rau có kết cấu cứng. Vì thế, cần tây sẽ được dùng như một loại bàn chải đánh răng.

Hơn nữa, trong cần tây có chứa nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa. Những thành phần này có tác dụng rất tốt cho sức khỏe của nướu và ngăn ngừa viêm nhiễm.

Trứng

Trứng là một trong những thực phẩm tốt cho răng miệng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến sự phát triển mô biểu mô bị suy giảm hình thành răng và giảm sản men. Vì thế, ăn trứng và các thực phẩm chứa nhiều vitamin A khác là một sự lựa chọn tốt.

Muốn răng chắc khỏe nên ăn gì? Câu trả lời không thể bỏ qua là cá. Một số loại cá, đặc biệt là cá mòi, cá thu, cá ngừ và cá hồi rất có lợi cho sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là vì trong thành phần của chúng chứa nhiều canxi và vitamin D, và vitamin D, giúp cơ thể hấp thụ canxi. Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng omega-3 trong cá hồi có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng.

Thịt

Thịt, đặc biệt là thịt lợn và thịt bò tốt cho tăng vì đây là những thực phẩm giàu phốt pho và protein, khi kết hợp với canxi sẽ giúp răng chắc khỏe. Vì thế, không nên bỏ qua thực phẩm này trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.

Nước

Một việc làm đơn giản nhưng giúp bảo vệ răng miệng hiệu quả chính là uống đủ nước mỗi ngày. Nguyên nhân là vì khi uống đủ nước sẽ giúp bổ sung các vi khoáng trong nước, tốt cho răng miệng.

4.2. Bị các bệnh về răng miệng không nên ăn gì?

Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm tốt cho răng miệng, chúng ta cần lưu ý tới những thực phẩm gây hại cho răng. Vậy ăn gì hại răng?

Cùng điểm danh những thực phẩm có hại cho răng.

Các loại bánh kẹo ngọt

Khi tiêu thụ loại thực phẩm này, chúng sẽ dính chặt vào kẽ răng cũng như bề mặt của răng và mất nhiều thời gian để tan. Điều này khiến cho vi khuẩn trong khoang miệng sẽ tiêu thụ đường và biến đổi thành axit, làm bào mòn và suy yếu men răng. Chính vì thế, hạn chế lượng đường tiêu thụ là cách tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe của răng.

Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa - Ảnh 5.

Các loại bánh kẹo ngọt là thực phẩm gây hại cho sức khỏe răng miệng - Ảnh Internet.

Thức ăn dính răng

Bên cạnh những loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường, đồ ăn thức uống như bơ đậu phộng, hoa quả sấy khô hay kẹo dẻo cũng nên tránh để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là vì khi ăn, chúng gây dính trên răng và các kẽ hở càng lâu, lượng axit sản xuất ra càng nhiều. Như vậy càng bào mòn men răng và nguy cơ sâu răng càng cao.

Vì thế, các chuyên gia nha khoa khuyến cáo thay vì ăn hoa quả sấy, hãy ăn hoa quả tươi mặc dù chúng cũng chứa đường nhưng sẽ không bị dính trên răng và nước bọt có thể làm sạch.

Thực phẩm giàu tinh bột

Những thực phẩm như khoai tây chiên, bánh mì, pizza, mì sợi cũng có thể bám vào giữa các kẽ răng. Mặt khác, những loại tinh bột này không ngọt giống đường nhưng sẽ chuyển hóa thành đường gây hư hại men răng.

Đồ uống có gas

Các loại nước ngọt có gas là những thực phẩm có hại cho răng nếu dùng thường xuyên. Nguyên nhân là vì chúng không chỉ có lượng đường nhiều mà còn chứa phosphoric và axit citric ăn mòn men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tiết ra nhiều axit hơn.

Rượu

Rượu là thực phẩm gây hại cho răng. Chúng sẽ ức chế sự tiết nước bọt, một loại dịch tiết tự nhiên của cơ thể giúp làm sạch các mảnh vụn thức ăn, cung cấp một lớp chất nhờn giúp bảo vệ chống axit và bổ sung khoáng chất cho răng.

Cụ thể, rượu làm khô miệng và làm giảm sản xuất nước bọt tự nhiên, từ đó gây hại cho răng, dẫn tới bệnh nướu răng và thậm chí là ung thư khoang miệng. Ngoài ra, rượu cũng gây kích ứng tất cả các mô mềm trong miệng. Khiuống quá nhiều rượu, thành phần axit có trong rượu sẽ làm mòn men răng khiến răng bị xốp và ngả màu.

Những thực phẩm có tính axit

Những loại hoa quả như chanh, cam hoặc thực phẩm muối chua là những thực phẩm có hại cho răng, vì có hàm lượng axit cao và làm mất khoáng chất của răng. Các nghiên cứu cho biết dùng thực phẩm chứa nhiều axit có thể làm mòn lớp men răng, làm lộ ra lớp ngà răng, làm răng trở nên nhạy cảm hơn.

Thức ăn cứng

Nếu thường xuyên nhai đá hoặc ăn thức ăn quá cứng không chỉ có thể gây nứt mẻ răng, làm thân răng bị lung lay mà còn làm hỏng men răng.

Trên đây là các bệnh về răng miệng về phổ biển cũng như cách phòng ngừa chúng. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, để khắc phục các vấn đề về răng miệng, nên vệ sinh răng miệng thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và đủ chất, tránh dùng thực phẩm dễ gây mùi. Ngoài ra, để bảo vệ răng miệng hiệu quả nên đi khám răng định kì để được tư vấn và chữa trị kịp thời.


Tác giả: Ngọc Điệp