Điểm danh 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến

Điểm danh 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến
Những vi khuẩn gây ngộ độc có thể có trong nguồn nước, môi trường đất, trong ruột động vật (gia súc, gia cầm),.. Nếu vô tình hấp thụ phải có thể gây ra ngộ độc với những biểu hiện nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong!

Trong bài viết của TS.DS Phạm Đức Hùng (từng là thực tập sinh tại Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ) và của TS. Nguyễn Thị Thanh Vân (chuyên ngành Công nghệ sinh học, làm việc tại Đại học Uppsala, Thụy Điển) về những vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến thường tiềm ẩn trong các loại thực phẩm.

1. 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến cần chú ý

2 Tiến sĩ cho biết, ngoài vi khuẩn Clostridium botulinum, có rất nhiều loại vi sinh vật khác cũng gây ngộ độc thực phẩm hay nói cách khác là vi khuẩn gây ngộ độc. Chúng bao gồm: Clostridium, Salmonella, Campylobacter, Listeria, Bacillus cereus, E. coli, Staphylococcus và Shigella.

Listeria

Đây là một chủng vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm. Người ta đã thống kê được trên các báo cáo rằng, có tới 20-30% những ca nhập viện do nhiễm Listeria có thể bị tử vong.

Vi khuẩn này thường sinh sống ở nhiều môi trường khác nhau. Các nhà khoa học đã phân lập được vi khuẩn này ở các môi trường như đất, trong trái cây, rau củ quả, trong sữa hay những sản phẩm từ sữa không được thông qua quy trình khử trùng.

Điểm danh 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến - Ảnh 2.

Listeria là một chủng vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm (Ảnh: The Conversation)

Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Listeria thường là từ 7 cho tới 70 ngày. Người mắc bệnh có thể phải điều trị lâu dài trong nhiều tuần. Do vậy đây là một chủng vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến cần đề phòng.

Salmonella

Salmonella cũng là một loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến. Vi khuẩn này sau khi xâm nhập sẽ sinh sống trong ruột động vật và trong ruột người. Chúng được tìm thấy ở trong thịt gai cầm và trong trứng hay những sản phẩm không được tiệt trùng như sữa và phô mai.

Khi bị nhiễm Salmonella, thời gian ủ bệnh sẽ là từ 12-72 tiếng. Triệu chứng bệnh có thể kéo dài từ 4 ngày cho tới 7 ngày.

Campylobacter

Campylobacter được biết là một trong các vi khuẩn phổ biến gây ra các cơn đau dạ dày. Vi khuẩn này thường sinh sống trong ruột của các loại gia súc và gia cầm.

Các nhà khoa học đã tìm thấy Campylobacter ở trong thịt sống, trong sữa không được tiệt trùng hay nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Điểm danh 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến - Ảnh 3.

Campylobacter sinh sống trong ruột của các loại gia súc và gia cầm (Ảnh: University of Leicester)

Đây cũng là một vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến với biến chứng yếu và tê liệt cơ bắp nếu tiên lượng nặng (hội chứng Guillain Barre). Biến chứng này thường xảy ra trong vòng từ 2-4 tuần sau khi bị vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt hội chứng GB còn có thể kéo dài trong nhiều tuần cho tới nhiều năm. Theo một số báo cáo, có khoảng 40% các ca mắc chứng GB ở Hoa Kỳ là do nhiễm Campylobacter.

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2-5 ngày. Người bị bệnh có thể bị điều trị từ 7-10 ngày.

Bacillus cereus

Tương tự như Campylobacter, vi khuẩn Bacillus cereus cũng là một trong các nguyên nhân gây ra các cơn đau dạ dày phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, chủng vi khuẩn này còn có thể sản sinh ra những bào tử có khả năng chống chọi với nhiệt độ cao.

Vì vậy mà người ta có thể tìm thấy chúng ở trong cả thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã được nấu chín. Thời gian ủ bệnh do vi khuẩn gây ngộ độc Bacillus cereus gây ra thường khá ngắn, người nhiễm khuẩn cũng có thể tự khỏi.

E.coli

Nhiều người không còn xa lạ gì với vi khuẩn E.Coli. Vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến sinh sống trong ruột người và cả ruột động vật. Đường lây chủ yếu của E.coli là thông qua tiếp xúc phân, nước tiểu hay các thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn.

Điểm danh 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến - Ảnh 4.

Người nhiễm E.coli có thời gian ủ bệnh từ 3 tới 4 ngày (Ảnh: The Philadelphia Inquirer)

Người nhiễm E.coli có thời gian ủ bệnh từ 3 tới 4 ngày, tuy nhiên, triệu chứng của bệnh thì có thể kéo dài tới 10 ngày. Hầu hết bệnh nhân sẽ phục hồi lại sau 6-8 ngày điều trị.

Staphylococcus

Staphylococcus là một vi khuẩn chủ yếu sinh sống ở người và động vật. Chủng vi khuẩn này có thể phát triển và sinh sôi ở trên thức ăn và sau đó tiết ra những chất độc.

Nhóm thực phẩm có nguy cơ nhiễm Staphylococcus cao là thịt, trứng hay sữa và các sản phẩm từ sữa. Mặc dù bạn có thể sử dụng nhiệt độ khi nấu ăn để loại bỏ vi khuẩn này nhưng độc tố mà chúng tiết ra vẫn có thể lưu lại trên thức ăn.

Đặc biệt, những thức ăn có độc tố của chúng thường không có mùi ôi thiu hay bị hôi nên rất khó để có thể phát hiện từ đầu. Người nhiễm khuẩn thường có biểu hiện sau khi ăn từ 30 phút cho tới 8 tiếng.

Shigella

Shigella cũng là một vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến với biểu hiện tiêu chảy. Chúng thường tồn tại ở rau củ quả tươi sống hay sữa tươi bị nhiễm bẩn. Người bị nhiễm khuẩn sẽ xuất hiện biểu hiện ngộ độc sau 1-2 ngày sau khi ăn và kéo dài biểu hiện từ 5-7 ngày.

Điểm danh 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến - Ảnh 5.

Shigella là một vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến với biểu hiện tiêu chảy (Ảnh: Drug Discovery and Development)

2. Dấu hiệu nhận biết sớm khi bị ngộ độc thực phẩm

Việc ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm ở các mức độ khác nhau. Bạn cần nhanh chóng quan sát những biểu hiện bất thường sau khi ăn để nhanh chóng có các biện pháp y tế can thiệp kịp thời.

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm mà bạn cần lưu ý:

- Đau bụng do độc tố kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột.

- Tiêu chảy, đi phân lỏng trên 3 lần trong vòng 24 giờ do ruột bị viêm nhiễm. Ngoài ra tiêu chảy có thể đi kèm với đầy hơi hay chuột rút vùng bụng.

- Đau nhức đầu do mất nước.

- Mệt mỏi do hệ thống miễn dịch phải hoạt động chống lại việc cơ thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn.

- Buồn nôn, nôn mửa do cơ bụng và cơ hoành liên tục co bóp mạnh để loại bỏ những độc tố ra khỏi cơ thể.

Điểm danh 7 loại vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến - Ảnh 6.

Buồn nôn do cơ bụng và cơ hoành liên tục co bóp mạnh để loại bỏ những độc tố ra khỏi cơ thể (Ảnh: Internet)

- Cảm giác ớn lạnh, rét run theo từng cơn.

- Sốt.

- Đuối sức do cơ thể giải phóng ra những cytokibe.

- Đau nhức cơ bắp do sự kích hoạt của hệ thống miễn dịch, giải phóng ra các histamine chống lại việc cơ thể bị nhiễm trùng.


Tác giả: Anh Dũng