Điểm danh 12 lầm tưởng thường gặp về hội chứng ruột kích thích

Điểm danh 12 lầm tưởng thường gặp về hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có tỷ lệ mắc cao trên toàn cầu, gây suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy vậy các hiểu biết của người bệnh xung quanh hội chứng này vẫn còn khá hạn chế, dẫn đến nhiều hiểu lầm nghiêm trọng.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng rối loạn mãn tính xảy ra ở đường tiêu hóa. Hội chứng này có thể biểu hiện bởi nhiều triệu chứng đa dạng khác nhau, chẳng hạn như đau bụng, xì hơi, đầy bụng, thay đổi thói quen đại tiện hoặc cảm giác gấp gáp khi đại tiện,...

Các thống kê ước tính rằng có khoảng 11% dân số trưởng thành trên toàn thế giới hiện nay đang phải sống chung với hội chứng ruột kích thích. Tuy rằng rất phổ biến, nhưng những quan điểm lầm tưởng xung quanh hội chứng này vẫn rất thường gặp.

Do đó để bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn về hội chứng ruột kích thích, chúng tôi xin chia sẻ những giải thích của hai Chuyên gia tiêu hóa về những lầm tưởng thường thấy xung quanh hội chứng ruột kích thích. Họ bao gồm:

- Tiến sĩ Ashkan Farhadi: Chuyên gia tiêu hóa đến từ Trung tâm Y tế MemorialCare Orange Coast.

- Tiến sĩ Mollie J. Jackson: Chuyên gia tiêu hóa hiện đang làm việc tại Hệ thống Y tế Đại học Kansas.

1. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích đã được biết rõ

Theo Tiến sĩ Ashkan Farhadi, đã có nhiều nghiên cứu khác nhau được thực hiện để tìm hiểu về hội chứng ruột kích thích. Nhưng sự thật là cho đến nay người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây nên hội chứng này là gì.

Chẳng hạn, thức ăn cay hoặc các sản phẩm từ sữa vẫn thường bị cho là có thể gây hội chứng ruột kích thích. Bởi một số triệu chứng tương tự như của hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện sau khi ăn, sử dụng các loại thực phẩm này. Tuy nhiên cần khẳng định rằng, các loại thực phẩm này không phải là nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích. 

Trong khi đó, vi khuẩn Campylobacter jejuni lại được cho rằng có thể là nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích sau nhiễm trùng đường tiêu hóa. 

2. Căng thẳng là nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích

Một số người tin rằng, trục não - ruột đóng vai trò mấu chốt đối với sự hình thành hội chứng ruột kích thích. Bởi các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, tình trạng căng thẳng có thể gây ảnh hưởng lên hệ vi sinh đường ruột.

Nhưng theo Tiến sĩ Ashkan Farhadi, trên thực tế, những người bị hoặc không bị hội chứng ruột kích thích đều gặp phải căng thẳng với mức độ tương đương nhau. Do đó, căng thẳng không phải là yếu tố quyết định gây nên hội chứng ruột kích thích. Mà điều quan trọng là cách người đó đã đối mặt, kiểm soát những căng thẳng này như thế nào.

Ông giải thích rằng, số lượng tế bào mast trong ruột của một người sẽ tăng lên khi họ gặp phải căng thẳng. Chính vì thế, căng thẳng không chỉ khiến ruột phóng thích nhiều hormone và các hóa chất trung gian hơn, mà nó còn khiến cấu trúc giải phẫu của ruột bị thay đổi. Cũng chính sự thay đổi này làm cho ruột lại càng trở nên nhạy cảm hơn với tình trạng căng thẳng.

Kể cả khi tình trạng căng thẳng đã chấm dứt thì những thay đổi ở ruột vẫn không thể trở về như trong quá khứ. Do đó, các biểu hiện của hội chứng ruột kích thích vẫn có thể kéo dài sau đó và điều này là rất phổ biến.

Nhưng trong một nghiên cứu của mình, ông đã nhận thấy, nhận thức chủ quan của một người về hạnh phúc có mối quan hệ với biểu hiện nhẹ hơn của hội chứng ruột kích thích. Điều này phù hợp với kết quả của những nghiên cứu trước đây cho rằng, các yếu tố tâm lý, xã hội, di truyền đều có vai trò đối với sự phát triển của các biểu hiện trong hội chứng ruột kích thích.

Điểm danh 12 lầm tưởng thường gặp về hội chứng ruột kích thích - Ảnh 1.

Căng thẳng không phải là yếu tố quyết định đến khả năng mắc hội chứng ruột kích thích - Ảnh: Internet

3. Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán thông qua xét nghiệm

Trái ngược với những gì vẫn thường nghĩ, hội chứng ruột kích thích có thể được chẩn đoán mà không cần thực hiện các xét nghiệm. Trong 5 năm, có hơn 97% các trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích đã được chẩn đoán mà chỉ nhờ những tiêu chuẩn về lâm sàng. Đây là tỷ lệ chính xác mà không có bất kỳ xét nghiệm nào có thể đạt được.

Tiến sĩ Mollie J. Jackson cho biết, hội chứng ruột kích thích hiện nay cơ bản được chẩn dựa trên tiêu chuẩn Rome IV. Theo tiêu chuẩn này, bệnh nhân trung bình sẽ bị đau bụng ít nhất 1 lần/tuần, kèm theo đó là sự thay đổi tính chất phân, thay đổi số lần đại tiện và tình trạng đau bụng có thể thuyên giảm hoặc tăng lên sau khi đi đại tiện.

Với hội chứng ruột kích thích không điển hình, bệnh nhân có thể biểu hiện táo bón hoặc tiêu chảy, hoặc cũng có thể là sự phối hợp của cả hai tình trạng trên. Đôi lúc đầy hơi cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, nhưng triệu chứng này không cần thiết cho việc chẩn đoán.

Đọc thêm:

Chướng bụng đầy hơi kéo dài là bệnh gì? Mẹo khắc phục chứng đầy hơi kéo dài tại nhà đơn giản

Khoảng 1/10 người trên thế giới thường xuyên bị đau bụng trong bữa ăn

4. Hội chứng ruột kích thích có thể chữa khỏi hoàn toàn

Hiện nay có khá nhiều cách được sử dụng được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích, chẳng hạn có thể kể đến như sử dụng các loại thuốc kê đơn, các biện pháp thay đổi lối sống,... Tuy nhiên Tiến sĩ Ashkan Farhadi khẳng định, không có cách để chữa khỏi hoàn toàn hội chứng ruột kích thích.

Ông giải thích, trong hầu hết các trường hợp thì việc quản lý hội chứng ruột kích thích rất đơn giản và rẻ tiền thông qua tư vấn tâm lý, tăng cường sử dụng chất xơ, men tiêu hóa và tập thể dục. Các loại thuốc có thể được thử sử dụng trong điều trị cùng với các biện pháp khác để làm giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Nhưng đôi lúc, những loại thuốc này chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Và việc lặp lại các đơn thuốc kháng sinh để kiểm soát vi khuẩn đường ruột là điều thường xuyên phải thực hiện.

Điểm danh 12 lầm tưởng thường gặp về hội chứng ruột kích thích - Ảnh 2.

Cho đến nay vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn hội chứng ruột kích thích - Ảnh: Internet

5. Hội chứng ruột kích thích không phổ biến và ít gây ảnh hưởng

Theo Tiến sĩ Mollie J. Jackson, hội chứng ruột kích thích tình trạng suy nhược và rối loạn mãn tính của hệ tiêu hóa, thường có liên quan đến mối tương tác giữa não và ruột. Khoảng 10-15% dân số Bắc Mỹ bị hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống của người bệnh và nó cũng là nguyên nhân khiến các chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên.

Một nghiên cứu đã từng được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng ruột kích thích lên cuộc sống của người bệnh. Những người được hỏi cho biết rằng, họ sẵn sàng đánh đổi từ 10-15 năm tuổi thọ của mình để được chữa khỏi hội chứng ruột kích thích.

6. Bất kỳ bài tập nào đều hỗ trợ chống lại hội chứng ruột kích thích

Mặc dù tập thể dục có lợi đối với hội chứng ruột kích thích, nhưng không phải bất kỳ bài tập nào cũng đem lại hiệu quả như nhau.

Tiến sĩ Ashkan Farhadi cho rằng, luyện tập quá mức không những không làm giảm giảm tình trạng căng thẳng mà còn có thể khiến căng thẳng bị gia tăng. Chẳng hạn nhiều người chạy bộ bị tiêu chảy sau khi chạy một quãng đường dài. Vì vậy, chạy bộ kéo dài có thể trở thành yếu tố làm khởi phát triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

7. Người bị hội chứng ruột kích thích nên kiêng lactose

Các báo cáo cho thấy rằng, một số lượng lớn bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích không dung nạp với sữa. Tuy nhiên người ta chưa phát hiện ra bất kỳ mối liên hệ nào đủ thuyết phục giữa hai vấn đề không dung nạp đường lactose (đường sữa) và hội chứng ruột kích thích.

Bởi trên thực tế, khoảng 2/3 dân số thế giới không dung nạp với lactose. Nên sẽ không có gì lạ nếu một người không dung nạp glucose bị hội chứng ruột kích thích. Và rõ ràng điều này khiến cho việc kiêng sử dụng các sản phẩm từ sữa có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của hệ tiêu hóa.

Tiến sĩ Mollie J. Jackson thông tin thêm, nhiều bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thường liên hệ các triệu chứng mà bản thân gặp phải với chế độ ăn của họ. Vì vậy họ sẽ cố gắng tránh sử dụng một số loại thực phẩm nào đó để giảm nhẹ các biểu hiện do hội chứng ruột kích thích gây nên.

Những bệnh nhân này ăn kiêng bằng cách loại bỏ nhiều nhóm thực phẩm ra khỏi bữa ăn hằng ngày. Sau đó họ từ từ bắt đầu sử dụng chúng trở lại để nhận biết những thực phẩm gây kích thích.

Hiện nay chế độ ăn kiêng thường được dùng nhất cho những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích là chế độ ăn FODMAP thấp. Những thực phẩm FODMAP cao có thể làm tăng sinh hơi và căng thẳng ở đường ruột, gây nên các triệu chứng liên quan đến ăn uống ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích.

Chẳng hạn, sữa là một loại thực phẩm FODMAP cao. Do đó, một số người có thể bị kích thích với chế độ ăn này. Tuy nhiên, tình trạng như vậy không phải luôn xảy ra ở tất cả mọi người.

8. Có thể chữa hội chứng ruột kích thích bằng thảo dược

Phương pháp sử dụng các thảo dược thiên nhiên như tinh dầu bạc hà, bạch đậu khấu,... đang được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích. Các loài thảo dược này cho thấy hiệu quả làm giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm dạ dày.

Mặc dù là phương pháp có nhiều hứa hẹn về hiệu quả, tuy nhiên những nghiên cứu cụ thể về chủ đề này vẫn còn rất hạn chế. Do đó, sử dụng các loại thảo dược chưa hẳn có thể đem lại lợi ích cho tất cả các bệnh nhân hội chứng ruột kích thích.

Theo Tiến sĩ Ashkan Farhadi, nhiều cách chữa bệnh bằng thảo dược được lưu truyền từ hàng nghìn năm trước và vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay. Nên người bệnh hoàn toàn có thể thử áp dụng các biện pháp này, miễn rằng chúng không có chứa những loại hoạt chất mạnh. Nhưng hãy luôn nhớ trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi áp dụng bất kỳ một phương pháp điều trị mới nào đó.

Điểm danh 12 lầm tưởng thường gặp về hội chứng ruột kích thích - Ảnh 3.

Các bài thuốc từ thảo dược có thể được dùng để làm giảm hội chứng ruột kích thích - Ảnh: Internet

9. Nhịn ăn làm giảm hội chứng ruột kích thích

Nhịn ăn có thể đem đến một số lợi ích cho cơ thể, chẳng hạn như giảm cân hay trí nhớ. Vậy liệu nhịn ăn có thể giúp giảm nhẹ hội chứng ruột kích thích hay không?

Nói về điều này, Tiến sĩ Ashkan Farhadi cho rằng, những biểu hiện của hội chứng ruột kích thích có thể sẽ giảm đi nếu giảm số bữa ăn mỗi ngày từ 3 bữa xuống thành 2 bữa. Mặc dù phương pháp này đem lại những lợi ích nhất định, nhưng nó không phải là cách nhất định phải thực hiện.

Theo ông, hệ thống tiêu hóa của bệnh nhân hội chứng ruột kích thích giống như một động cơ đang gặp vấn đề. Những vấn đề này có thể biến mất khi động cơ được tắt đi, tương đương với việc bệnh nhân nhịn ăn. Nhưng điều quan trọng là liệu trạng thái tắt có thể được duy trì trong bao nhiêu lâu?

10. Thiền định hỗ trợ chữa hội chứng ruột kích thích

Tiến sĩ Mollie J. Jackson chia sẻ, vai trò của trục não - ruột - vi sinh vật đối với hội chứng ruột kích thích vẫn đang được tìm hiểu. Tuy nhiên, các liệu pháp tâm lý định hướng đường ruột đã được chứng minh rằng giúp làm giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Thiền định và chánh niệm làm kích thích những thay đổi tại não bộ. Đồng thời cũng giúp chúng ta thay đổi cách suy nghĩ, xử lý cảm giác và cảm xúc của bản thân,... Tất cả những điều này đều gây ảnh hưởng đến cách các tín hiệu từ ruột được nhận thức và xử lý. Từ đó làm giảm nhẹ các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Tuy nhiên, ở những bệnh nhân khác nhau thì các cách thiền định cũng có thể hoạt động theo những cách khác nhau. Và không phải khi nào thiền định cũng có tác dụng với tất cả bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.

Vì vậy bà đã đưa ra lời khuyên về thiền định vô tâm dành cho các bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Ví dụ như người bệnh sẽ đi bộ 30 phút mỗi ngày trên một con đường cho tới khi họ cảm thấy nhàm chán, không còn chú ý đến xung quanh. Đó là một chuyến đi bộ thiền định, có nghĩa là bệnh nhân sẽ thiền định trong khi đi bộ. Điều này giúp giảm căng thẳng và hệ thống cơ thể được khởi động lại.

Nhưng sẽ cần thời gian luyện tập rất lâu dài để làm được điều này. Bởi sau 1 năm thực hiện, một người trung bình chỉ có thể bước vào trạng thái thiền định khi đi bộ vỏn vẹn 1 phút dù họ đã cố gắng thực hiện điều đó trong thời gian lên đến 15 phút.

11. Bệnh nhân hội chứng ruột kích thích ăn càng nhiều chất xơ càng tốt

Nhiều người nghĩ rằng, bệnh nhân hội chứng ruột kích thích nên ăn càng nhiều chất xơ càng tốt.

Theo Tiến sĩ Ashkan Farhadi, chất xơ có thể hữu ích đối với các bệnh nhân bị táo bón mãn tính. Nhưng nếu sử dụng chất xơ quá mức sẽ làm tăng sinh khí trong ruột, từ đó gây ra hiện tượng đầy hơi. Do đó, mỗi muỗng chất xơ hòa tan nên được sử dụng kèm với một muỗng sữa chua Greek để làm giảm bớt tác dụng không mong muốn này.

Điểm danh 12 lầm tưởng thường gặp về hội chứng ruột kích thích - Ảnh 4.

Bổ sung chất xơ không phải lúc nào cũng có ích cho bệnh nhân hội chứng ruột kích thích - Ảnh: Internet

12. Có chế độ ăn kiêng cho tất cả bệnh nhân hội chứng ruột kích thích

Tiến sĩ Ashkan Farhadi cho biết, không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho tất cả các bệnh nhân hội chứng ruột kích thích.

Chế độ ăn kiêng của bệnh nhân hội chứng ruột kích thích không chỉ mang tính cá nhân mà còn có thể thay đổi rất linh hoạt. Chẳng hạn một người có thể uống cà phê khi họ thư giãn nhưng lại gặp vấn đề ở những thời điểm mấu chốt.

Do đó, không có chế độ ăn kiêng cụ thể chung cho tất cả các bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Đồng thời cũng không có chế độ ăn thích hợp cho một bệnh nhân vào mọi thời điểm.

Nguồn tham khảo: Medical Myths: IBS myths and facts



https://suckhoehangngay.vn/diem-danh-12-lam-tuong-thuong-gap-ve-hoi-chung-ruot-kich-thich-20220416154244999.htm
Tác giả: QN