Dịch COVID-19: Quản lý chặt chẽ sức khoẻ người cao tuổi, người có bệnh lý nền

Dịch COVID-19: Quản lý chặt chẽ sức khoẻ người cao tuổi, người có bệnh lý nền
Người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ký văn bản số 1386/ BCĐQG gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với người bệnh, người cao tuổi và khai báo y tế điện tử.

Theo Ban Chỉ đạo, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới có diễn biến rất phức tạp. Để chủ động phòng ngừa cho đối tượng có nguy cơ cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan có các hành động cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người cao tuổi, người có các bệnh lý và các đối tượng có nguy cơ khác.

Cụ thể, thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh khác.

Dịch COVID-19: Quản lý chặt chẽ sức khoẻ người cao tuổi, người có bệnh lý nền - Ảnh 1.

Để phòng chống dịch COVID-19, người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác

Khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sỹ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều...); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà.

Các cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng).

Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác. Hình thức khai báo trên thiết bị (điện thoại thông minh, máy tính bảng) thông qua ứng dụng NCOVI tải từ Google Play hoặc App Store. Trong quá trình khai báo y tế điện tử, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị liên hệ số điện thoại 0949.760366.

Chủ tịch UBND xã/phường; công an xã, dân quân, mạng lưới dân số, y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện; thông báo rộng rãi số điện thoại của cán bộ y tế, dân số trên địa bàn xã để người dân cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe người dân, đặc biệt người cao tuổi, người mắc các bệnh không lây nhiễm. Thực hiện dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho các đối tượng người cao tuổi theo các hướng dẫn.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.

Phân tích cụ thể hơn, theo TS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thống kê mới về dịch bệnh COVID-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính.

Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong (như Trung Quốc, Ý…), tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.

Giải thích về vấn đề người cao tuổi dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc.

Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.

Dịch COVID-19: Quản lý chặt chẽ sức khoẻ người cao tuổi, người có bệnh lý nền - Ảnh 2.

Cập nhật những thông tin chính xác về dịch bệnh COVID-19 tại ĐÂY!!

Tác giả: MN