Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi? Có nguy hiểm không?

Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi? Có nguy hiểm không?
Dị ứng thuốc có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Vậy dị ứng thuốc là gì? Dị ứng thuốc có nguy hiểm không? Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi?

Với ưu điểm tiện lợi, đem lại tác dụng nhanh chóng, sử dụng các loại thuốc tây để điều trị bệnh là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nếu lựa chọn sai thuốc hoặc dùng quá liều có thể gây nên các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, trong đó có dị ứng thuốc. Vậy dị ứng thuốc có nguy hiểm không? Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi?

1. Dị ứng thuốc là gì?

Dị ứng thuốc, hay còn gọi là tình trạng mẫn cảm với thuốc, được định nghĩa là một phản ứng có hại cho cơ thể, xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các loại thuốc đang dùng và đang cố gắng để chống lại các loại thuốc này. 

Tuy nhiên, cần chú ý phân biệt sự khác nhau giữa dị ứng thuốc và tác dụng phụ của thuốc. Theo đó, tác dụng phụ của thuốc là các vấn đề không mong muốn do thuốc gây ra và có thể gặp phải ở bất cứ người bệnh nào. Trong khi đó, dị ứng thuốc chủ yếu gặp  ở một số đối tượng có cơ địa nhạy cảm đặc biệt.

Các bác sĩ cho biết, các đối tượng sau đây có nguy cơ bị dị ứng thuốc cao hơn:

- Có tiền sử bị dị ứng với thuốc hoặc các chất khác như dị ứng thực phẩm. 

- Trong gia đình có thành viên bị dị ứng thuốc.

- Tiếp xúc nhiều với các loại thuốc đã từng bị dị ứng.

- Mắc các bệnh lý liên quan  đến phản ứng với thuốc như HIV, nhiễm virus Epstein-Barr.

Các triệu chứng dị ứng thuốc có thể xuất hiện như 

- Nổi mề đay, phát ban đỏ, nổi mẩn đỏ da, ngứa, nóng da, 

- Sưng mắt, mặt, tay, chân hoặc cổ họng

- Đau họng, giọng khàn, khò khè hoặc khó thở

- Buồn nôn, nôn, đau bụng

- Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, đau đầu.

Dị ứng thuốc có nguy hiểm không? Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi? - Ảnh 1.

Nổi mề đay là một trong những triệu chứng dị ứng thuốc - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Làm cách nào để giảm sưng mắt khi bị dị ứng?

Acetaminophen 500mg là thuốc gì? Lưu ý khi sử dụng acetaminophen 500mg

2. Dị ứng thuốc có nguy hiểm không?

Dị ứng thuốc có thể phân chia ra thành dị ứng "tức thời" và dị ứng "chậm". Trong đó, dị ứng thuốc gây phản ứng tức thời thường mang tính chất nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy bệnh nhân bị dị ứng thuốc khi nào cần tới bệnh viện? Theo các bác sĩ, bệnh nhân xuất hiện một trong các triệu chứng dị ứng thuốc nặng sau đây cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay:

- Khó thở, thở khò khè.

- Đau tức thắt ngực.

- Ngất xỉu, mất ý thức.

- Dị ứng thuốc khiến sưng mắt, mặt, môi, lưỡi, cổ họng.

3. Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi?

Dị ứng thuốc nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào bệnh nhân bị dị ứng thuốc "tức thời" hay dị ứng thuốc "chậm" và cơ địa của người bệnh. Vậy các triệu chứng dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi?

Khi bệnh nhân bị dị ứng thuốc nghĩa là hệ miễn dịch đang nhận diện nhầm một thành phần nào đó trong thuốc là tác nhân gây hại cho cơ thể và tấn công. Lúc này, các hóa chất trung gian được phóng thích ra để “chiến đấu” lại tác nhân gây hại này.

Sau đó, các triệu chứng dị ứng thuốc sẽ được biểu hiện ra ngoài cơ thể từ nhẹ đến nặng tùy mức độ của phản ứng dị ứng ở từng người bệnh. Trên thực tế, phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc sẽ xuất hiện triệu chứng sau khoảng từ 1–72 giờ dùng thuốc. Khi người bệnh ngừng dùng thuốc, phản ứng dị ứng sẽ dừng lại và các triệu chứng sẽ dần cải thiện.

Dị ứng thuốc có nguy hiểm không? Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi? - Ảnh 2.

Dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau - Ảnh Internet.

Ngoài ra, một số triệu chứng như ngứa mề đay, mẩn ngứa có thể kéo dài trong khoảng 10 ngày. Với những bệnh nhân bị dị ứng nặng hơn, các triệu chứng có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí trở thành vấn đề mãn tính.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cho biết, có những trường hợp bệnh nhân bị dị ứng, các triệu chứng kéo dài dai dẳng đến vài tháng. Vì thế, tốt nhất, khi bị dị ứng thuốc, người bệnh nên trao đổi với bác sỹ thường xuyên để nắm rõ quá trình điều trị và thời gian khỏi bệnh.

4. Phương pháp điều trị dị ứng thuốc

Ngưng sử dụng thuốc là biện pháp đầu tiên trong việc điều trị dị ứng thuốc. Trong nhiều trường hợp, đây có thể là biện pháp điều trị duy nhất để bệnh nhân khỏi dị ứng.

Theo các bác sĩ, các trường hợp bệnh nhân bị dị ứng thuốc kháng viêm, dị ứng thuốc khử trùng...có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc như:

- Thuốc kháng Histamin giúp ngăn chặn các chất hóa học do hệ miễn dịch phóng thích ra. 

- Thuốc Corticosteroid dùng dưới dạng uống hoặc tiêm để điều trị viêm liên quan đến dị ứng nặng.

- Tiêm Epinephrine để xử trí cấp cứu phản ứng phản vệ.

Cần lưu ý, mỗi bệnh nhân dị ứng thuốc khác nhau có chỉ định điều trị khác nhau. Vì thế, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Ngoài ra, để hạn chế được tình trạng dị ứng thuốc, cần lưu ý các vấn đề sau đây:

- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

- Hạn chế mua thuốc khi chưa có đơn thuốc của bác sĩ.

- Trước khi sử dụng thuốc, cần kiểm tra chất lượng thuốc, đọc kỹ các thông tin về tiền sử dị ứng, test mức độ dị ứng bằng các loại thiết bị chuyên biệt tại bệnh viện.

- Không sử dựng các thực phẩm hoặc các chất đã từng làm cơ thể bị dị ứng.

Như vậy, dị ứng thuốc bao lâu thì khỏi tùy thuộc vào mức độ dị ứng thuốc, phương pháp điều trị và cách chăm sóc người bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các biểu hiện dị ứng thuốc, cần ngưng sử dụng thuốc và đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. 


https://suckhoehangngay.vn/di-ung-thuoc-bao-lau-thi-khoi-co-nguy-hiem-khong-20220809072710416.htm
Tác giả: Ngọc Điệp