Đeo nón tấm chắn liên tục trong lớp học và nguy cơ cận thị, mỏi mắt ở trẻ - Chuyên gia lên tiếng!

Đeo nón tấm chắn liên tục trong lớp học và nguy cơ cận thị, mỏi mắt ở trẻ - Chuyên gia lên tiếng!
Bắt đầu từ ngày 4/5, học sinh trên hầu hết các tỉnh thành bắt đầu đi học trở lại. Trong những ngày đầu trở lại lớp, các trường học đều chú trọng tới việc kiểm tra y tế, đeo khẩu trang, hướng dẫn rửa tay cho học sinh; trong đó có nhiều trường chuẩn bị cả nón tấm chắn giọt bắn.

Việc nhà trường chuẩn bị nón tấm chắn giọt bắn cho học sinh đeo trong lớp học liệu có thực sự cần thiết? Điều này cũng đang gây hoang moang cho một số phụ huynh học sinh khi con em của mình trở về nhà nói rằng vừa đeo khẩu trang vừa đeo nón chắn rất khó chịu và ngột ngạt.

1. Chuyên gia nói gì về việc đeo nón tấm chắn giọt bắn tại trường học?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trả lời PV trên báo Tuoitre.vn cho biết: "Học sinh mang nón che giọt bắn liên tục khi đến trường là không cần thiết".

Bác sĩ cho biết thêm vì trẻ ngồi cùng một hướng cố định trong lớp học nên nón tấm chắn che giọt bắn lúc này không có tác dụng nhiều nữa. Ngoài ra nếu trẻ đùa nghịch có thể làm gãy tấm chắn và gây ra nhiều hệ quả ngoài ý muốn khác.

Với các trường hợp mặt đối mặt hay giao tiếp trực tiếp thì nón tấm chắn mới thực sự có hiệu quả cao. Vì thế mà việc rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang và không đưa tay lên sờ vùng mắt, mũi, mặt, miệng mới là cách phòng tránh bệnh tốt nhất và quan trọng nhất ở trường học cho học sinh khi đi học trở lại.

Ngoài ra thì bác sĩ Khanh cũng cho biết thêm về ảnh hưởng của việc đeo nón chắn giọt bắn trong thời gian dài. Cụ thể, bác sĩ nói, đeo nón chắn trong thời gian dài có thể gây cảm giác khó chịu cho trẻ, chưa kể đến việc đổ mồ hôi nên dùng tay để lau thường xuyên hay đặc biệt là đối với những em phải đeo kính cận - chính điều này lại làm tăng nguy cơ hơn.

Đối với những em cảm thấy khó chịu khi đeo khẩu trang, đôi khi lén tháo xuống để thở khi không có giáo viên trong lớp, bác sĩ Khanh nói: "Hãy dạy cho trẻ cách làm quen dần".

Bác sĩ cho biết với người không quen khi đeo khẩu trang trong thời gian dài có thể sẽ cảm thấy khó thở trong 30 phút đầu. Tuy nhiên nếu biết cách sẽ không còn thấy khó thở nữa; đồng thời bác sĩ cũng khuyên cả phụ huynh và giáo viên nên chỉ cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang trong thời điểm này.

Cách hít thở đúng là: Hít thở sâu, thở từ từ và điều hoà nhịp thở.

Đeo nón tấm chắn liên tục trong lớp học và nguy cơ cận thị, mỏi mắt ở trẻ - Chuyên gia lên tiếng! - Ảnh 1.

Hình ảnh học sinh đeo nón tấm chắn ở một lớp học gây chú ý (Ảnh: Internet)

Bác sĩ Tăng Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn cho biết rằng, ông đang lo ngại về chất lượng của miếng nhựa được dùng làm nón chắn giọt bắn bởi miếng nhựa không trong suốt hoàn toàn nên nếu trẻ đeo liên tục có thể gây ảnh hưởng không tốt tới mắt bởi thị lực không  đạt được 100%. Mắt trẻ lúc nào cũng ở trong trạng thái căng thẳng do phải điều tiết liên tục. Xét về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, miếng nhựa này không phải là mặt thẳng mà lại có cả phần cong, hình ảnh nhìn qua sẽ bị khúc xạ và nhiễu xạ do không dẫn truyền ánh sáng tự nhiên theo đường thẳng được, do vậy mắt trẻ sẽ bị mỏi.

“Nếu học sinh đeo dụng cụ này trong thời gian dài có thể gây mỏi mắt, giảm thị lực và gây ra một số tật khúc xạ”, bác sĩ Châu khẳng định.

Theo Th.S-BS Phí Duy Tiến - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, trao đổi với PV ông cũng cho rằng việc đeo nón chắn giọt bắn bằng tấm nhựa lâu dài sẽ ảnh hưởng tới mắt của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học - thị giác đang dần phát triển.

Ông cho biết thêm, hình ảnh khi nhìn qua nón chắn sẽ bị biến dạng. Biểu hiện ban đầu trẻ sẽ thấy mắt bị mỏi, sau lâu dần là nhức đầu và cận thị,... Đối với những trẻ bị loạn thị hay viễn thị khi đeo kính suốt ngày lại nhìn thêm qua 1 lớp nhựa này nữa sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển thị giác, nặng hơn là không thể phát triển được nữa.

2. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh để trẻ đến trường an toàn

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết trong thời gian trẻ trở lại trường, nhà trường và các phụ huynh cần lưu ý một số điểm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể như sau:

- Nhà trường cần đảm bảo việc vệ sinh sạch sẽ, kỹ lưỡng các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, các dụng cụ học tập dùng chung, mặt bàn, mặt ghế, lau rửa nền nhà,... trước và sau các buổi học

- Mở cửa sổ các lớp đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hoà

- Bố trí các thùng rác, vị trí rửa tay cho học sinh

- Bố trí người phụ trách kiểm tra y tế như đo nhiệt độ trước cổng trường, chú ý tới các trẻ có dấu hiệu bất thường như ho, sổ mũi,...

- Các bậc phụ huynh và giáo viên nên giáo dục trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân sạch sẽ trong mùa dịch

- Nếu trẻ có dấu hiệu ho, sốt, khó thở,... cha mẹ tuyệt đối không được cho trẻ tới trường tới khi có chỉ dẫn y tế cụ thể. Điều này cũng áp dụng với cả giáo viên, nhân viên của trường

- Cha mẹ và giáo viên cần có các trao đổi về phòng chống dịch và đồng thuận về các biện pháp cần thiết

Phụ huynh cũng nên lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch, đặc biệt chủng ngừa vắc xin cúm mùa. Giữ ấm trẻ, tránh nằm phòng máy lạnh nhiệt độ thấp (dưới 25 độ C).


Tác giả: Anh Dũng