Đêm nào cũng tỉnh giấc cùng một giờ, cơ thể đang "kêu cứu" gì?

Đêm nào cũng tỉnh giấc cùng một giờ, cơ thể đang "kêu cứu" gì?
Nếu chỉ thỉnh thoảng bị tỉnh dậy trong đêm thì không có gì đáng ngại nhưng nếu điều này thường xuyên xảy ra thì thức dậy cùng một thời điểm trong đêm có thể đang là một dấu hiệu mà cơ thể đang cố gắng gửi đến bạn.

Theo Bright side, thức dậy trong đêm khoảng 6 lần ở người khỏe mạnh được coi là bình thường và bạn vẫn dễ dàng ngủ lại ngay sau đó. Nhưng nếu bạn không ngủ lại ngay được và thậm chí là tỉnh ngủ luôn (thức tới sáng) thì một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào khác có thể là nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến một người tỉnh giấc cùng một giờ trong đêm và cách đối phó cũng như dấu hiệu cần thăm khám bác sĩ sớm.

1. Thời gian ngủ

Nếu bạn bị tỉnh giấc vào cùng một thời điểm vào nửa đêm hoặc sáng sớm thì có thể là do thời điểm mà bạn đi ngủ trước đó. Chẳng hạn, nếu bạn có xu hướng tỉnh sau 6 tiếng ngủ và luôn đi ngủ vào 10 giờ tối thì bạn có thể sẽ thức dậy vào lúc 4 giờ sáng hôm sau, gần như mọi ngày.

Nhiều người thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi đêm mà không nhận ra điều này nếu không xem đồng hồ bởi trong khoảng thời gian tỉnh lại này, bạn dễ dàng ngủ lại với thôi thúc muốn ngủ ngay lập tức. Nhưng số khác thì lăn qua lăn lại và khó để ngủ tiếp.

Đêm nào cũng tỉnh giấc cùng một giờ, cơ thể đang "kêu cứu" gì? - Ảnh 1.

Nhiều người thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi đêm mà không nhận ra điều này nếu không xem đồng hồ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- Cách để giảm nhanh cơn đau cổ do ngủ sai tư thế

- Đầy hơi chướng bụng khi ngủ dậy là bị gì? Có nguy hiểm không?

Nói cách khác, việc duy trì một thói quen đi ngủ cố định đôi khi có thể khiến cơ thể bạn tự động thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, như là phản ứng tự nhiên của "đồng hồ sinh học" bên trong cơ thể. Điều này có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và sự tỉnh táo vào ban ngày. Tuy nhiên, nếu việc thức giấc này kèm theo cảm giác mệt mỏi hoặc tỉnh đêm quá sớm, bạn có thể cần xem xét lại lịch trình ngủ hoặc các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

2. Nhịp sinh học

Nhịp sinh học, còn được gọi là đồng hồ sinh học, có tác dụng quan trọng trong việc điều chỉnh các chu kỳ ngủ thức và nhiều chức năng sinh lý khác của cơ thể.

Cụ thể, nhịp sinh học giúp cơ thể duy trì sự cân bằng và hòa nhập với môi trường xung quanh theo chu kỳ 24 giờ. Nhịp sinh học đảm bảo rằng các hoạt động như tiết hormone tăng trưởng, nhiệt độ cơ thể, chu kỳ ngủ, cảm giác đói và năng lượng được tối ưu hóa cho các thời điểm khác nhau trong ngày. Sự phối hợp này giúp tăng cường hiệu suất và khả năng phục hồi của cơ thể, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của chúng ta.

Nhịp sinh học của cơ thể ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ ngủ thức của chúng ta. Nếu bạn thức dậy vào cùng một giờ mỗi đêm, đó có thể là dấu hiệu cho thấy đồng hồ sinh học của bạn đang cố gắng điều chỉnh lại hoặc có thể chỉ ra rằng có sự cố nào đó với chu kỳ ngủ tự nhiên của bạn. Chu kỳ ngủ bị gián đoạn có thể là do stress, lo âu, hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây ra việc thức giấc để có thể điều chỉnh lịch trình ngủ hoặc áp dụng biện pháp cần thiết nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ.

3. Chu kì giấc ngủ

Chu kỳ và giai đoạn giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thời điểm bạn tỉnh giấc. Giấc ngủ của con người được chia thành nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 đến 120 phút và bao gồm các giai đoạn khác nhau từ nhẹ đến sâu và cuối cùng là giai đoạn mơ (REM sleep).

Nếu bạn thường xuyên thức giấc vào cùng một thời điểm trong đêm, có thể cơ thể bạn đã học được việc tỉnh dậy sau một hoặc vài chu kỳ giấc ngủ. Sự tỉnh giấc này có thể do bạn đã hoàn thành một chu kỳ ngủ và cơ thể bạn đang ở trong giai đoạn ngủ nhẹ hơn, khiến bạn dễ bị đánh thức hơn. Điều này cũng có thể liên quan đến việc cơ thể bạn đang cố gắng giải quyết một số nhu cầu sinh lý hoặc môi trường xung quanh như tiếng ồn, nhiệt độ phòng, hoặc ánh sáng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ của bạn.

Đêm nào cũng tỉnh giấc cùng một giờ, cơ thể đang "kêu cứu" gì? - Ảnh 2.

Chu kỳ và giai đoạn giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thời điểm bạn tỉnh giấc (Ảnh: Internet)

4. Tình trạng sức khỏe

Một số tình trạng sức khỏe có thể là nguyên nhân khiến bạn thức dậy vào cùng một thời điểm trong đêm, cụ thể:

4.1. Căng thẳng

Căng thẳng là yếu tố chính góp phần gây ra chứng mất ngủ và có thể gây ra tình trạng thức giấc vào ban đêm tái diễn một phần do huyết áp tăng cao. Điều này đặc biệt đúng nếu một người mắc chứng rối loạn lo âu, trong đó mức độ căng thẳng có thể luôn ở mức cao.

Huyết áp tăng vọt khi ngủ, được gọi là tăng huyết áp nội tiết tố, có thể gây ra một loạt các triệu chứng cản trở giấc ngủ, bao gồm nhịp tim nhanh, buồn tiểu đột ngột và ngưng thở khi ngủ.

4.2. Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ có thể gây ra sự không ổn định trong chu kỳ ngủ thức, dẫn đến việc thức dậy cùng một giờ trong đêm. Các vấn đề như chứng ngưng thở khi ngủ, mất ngủ hoặc hội chứng chân không yên có thể gây gián đoạn cho giấc ngủ và làm thay đổi nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, khiến bạn thức dậy thường xuyên vào một thời điểm cụ thể.

Ngoài ra, theo Health, bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác trong thời gian ngắn, xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc thức dậy với cảm giác như bị liệt toàn thân, tỉnh táo mà không thể cử động được chân tay. Cảm giác này có thể đáng sợ đến nỗi khiến một người đang ngủ giật mình tỉnh giấc vào giữa đêm.

Việc tỉnh giấc đột ngột và liên tục cũng có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi kéo dài, giảm khả năng tập trung và năng suất làm việc trong ngày. Để cải thiện tình trạng này, cần có sự can thiệp y tế và điều chỉnh lối sống phù hợp.

4.3. Tiểu đêm

Tiểu đêm là thuật ngữ dùng để mô tả nhu cầu đi tiểu vào ban đêm và đôi khi nhu cầu này có thể xảy ra nhiều lần trong một đêm. Có nhiều tình trạng sức khỏe có thể gây nhu cầu tiểu đêm tăng lên, bao gồm:

- Bệnh tiểu đường

- Bệnh phì đại tuyến tiền liệt

- Bàng quang tăng hoạt

- Huyết áp cao

- Chứng ngưng thở khi ngủ

- Suy tim.

Uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ cũng có thể khiến bạn tỉnh lại trong đêm để đi tiểu.

Đêm nào cũng tỉnh giấc cùng một giờ, cơ thể đang "kêu cứu" gì? - Ảnh 3.

Tùy theo tình trạng khiến bạn tỉnh ngủ trong đêm nhiều lần là gì mà cách điều trị sẽ có sự khác biệt (Ảnh: Internet)

4.4. Các vấn đề tiêu hóa

Các tình trạng như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), thoát vị gián đoạn và viêm dạ dày có thể gây ra tình trạng thức giấc thường xuyên vào ban đêm vì vị trí của cơ thể và đầu có thể khiến các triệu chứng bùng phát.

Chẳng hạn với bệnh trào ngược dạ dày thực quản và viêm dạ dày, nằm ngửa có thể khiến axit dạ dày trào vào thực quản và gây ợ chua khó chịu và bạn có thể bị tỉnh dậy trong đêm.

4.5. Thay đổi nội tiết tố

Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh có thể khiến bạn bị bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Mất ngủ là một biểu hiện phổ biến của thời kỳ mãn kinh do suy giảm estrogen, ảnh hưởng đến khả năng có được giấc ngủ sâu của nữ giới.

Ngoài mãn kinh thì phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là ở tam cá nguyệt thứ ba có thể gặp các rối loạn liên quan tới giấc ngủ, đau lưng, tiểu đêm, chuột rút khi đang ngủ, ợ nóng và cử động của thai nhi khiến họ thường xuyên bị tỉnh dậy nhiều lần trong một đêm.

4.6. Lão hóa

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ cao hơn người trẻ bao gồm mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên và rối loạn nhịp sinh học. Có tới 50% người cao tuổi đều phàn nàn về vấn đề giấc ngủ.

Nguyên nhân được giải thích một phần là do quá trình lão hóa xảy ra khiến độ nhạy cảm của nhân trên chéo (suprachiasmatic nucleus, một nhóm các tế bào não vùng dưới đồi có nhiệm vụ phản ứng với các tín hiệu sáng - tối) bị giảm.

Bên cạnh đó, người cao tuổi có nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường,.. đều có thể góp phần gây rối loạn giấc ngủ vào ban đêm.

5. Tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc, cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn, có thể cản trở giấc ngủ và dẫn đến tình trạng thức giấc vào ban đêm, chẳng hạn:

- Thuốc chẹn beta: Chủ yếu được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ bằng cách ức chế melatonin sản xuất trong cơ thể. Vì melatonin thúc đẩy giấc ngủ nên sự ức chế này có thể khiến bạn khó ngủ. Nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung melatonin có thể chống lại tác dụng của thuốc chẹn beta đối với giấc ngủ

- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu giúp hạ huyết áp bằng cách giảm lượng nước trong cơ thể bạn. Tuy nhiên, bạn có thể thấy rằng mình đi tiểu thường xuyên hơn khi dùng chúng. Thức dậy thường xuyên vào ban đêm để đi vệ sinh có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của bạn và khiến bạn khó ngủ lại

- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm giúp điều trị trầm cảm cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Tuy nhiên, khó ngủ là tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm.

Ngoài các thuốc kể trên thì một số nhóm thuốc giãn phế quản, thuốc cortisteroid, thuốc thông mũi cũng có thể có tác dụng phụ khiến bạn dễ tỉnh giấc hơn vào ban đêm. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được điều chỉnh đơn thuốc hoặc hướng dẫn cách đối phó với tác dụng phụ này.

6. Bạn cần làm gì?

Như đã nói ở trên thì hầu hết mọi người đều thức dậy ít nhất một lần mỗi đêm nhưng có thể quay lại giấc ngủ nhanh chóng mà không cần nỗ lực nhiều. Bạn nên thay đổi lối sống lành mạnh hơn, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, tập thể dục hàng ngày, đặt giờ đi ngủ cố định và không tiêu thụ đồ uống chứa caffeine và cồn vào cuối ngày để cải thiện tình trạng tỉnh dậy nhiều lần vào ban đêm.

Đêm nào cũng tỉnh giấc cùng một giờ, cơ thể đang "kêu cứu" gì? - Ảnh 4.

Nói chuyện với bác sĩ nếu việc thay đổi lối sống không khiến bạn ngủ ngon hơn (Ảnh: Internet)

Nếu những thay đổi này không đem lại những cải thiện cho tình trạng thức dậy cùng một thời điểm trong đêm thì có lẽ bạn cần tới sự trợ giúp từ bác sĩ để tìm ra chính xác nguyên nhân là gì và có biện pháp điều trị phù hợp.

Nếu bạn tỉnh dậy trong thời gian dài ít nhất ba đêm một tuần và tình trạng này kéo dài ít nhất ba tháng và khiến bạn không thể sinh hoạt bình thường vào ngày hôm sau thì đây được gọi là chứng mất ngủ mãn tính. Bạn nên ghi chép lại nhật kí giấc ngủ bao gồm thời gian ngủ, thời điểm đi ngủ,... để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán hơn.

Một số thời điểm thức dậy vào ban đêm cảnh báo các cơ quan trong cơ thể đang gặp vấn đề

- Tỉnh dậy vào 1 - 3 giờ sáng: Cảnh báo gan đang bị suy giảm chức năng

Là cơ quan quan trọng trong việc giải độc, gan sẽ giải độc một cách tự nhiên khi bạn ở trong chu kỳ giấc ngủ non-REM, thường diễn ra vào khoảng 1-3 giờ sáng. Một khi cơ quan này phải chịu áp lực và bị tăng gánh nặng thải độc do lối sống kém lành mạnh thì cơ thể sẽ phải tập trung năng lượng nhiều hơn để hỗ trợ lá gan hoạt động hiệu quả - chính điều này sẽ khiến hệ thần kinh bị bị kích hoạt và bạn có thể bị tỉnh giấc trong đêm.

Điều này cũng có thể phổ biến hơn ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính.

- Tỉnh dậy vào 3 - 5 giờ sáng: Cảnh báo chức năng phổi kém

Một người thường thức dậy vào 3 - 5 giờ sáng có thể có một lá phổi chứa nhiều độc tố nếu kèm theo các triệu chứng như ho, nghẹt mũi, hắt hơi.

7. Làm sao để có một giấc ngủ ngon?

Để có một giấc ngủ ngon trong đêm, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

- Tạo một môi trường ngủ yên tĩnh, tối và mát mẻ

- Tuân thủ một lịch trình ngủ đều đặn, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần

- Tránh sử dụng các thiết bị điện tử có màn hình phát sáng trước khi đi ngủ ít nhất một tiếng (tốt nhất là hai tiếng) vì ánh sáng xanh từ màn hình có thể ức chế quá trình sản xuất melatonin gây khó ngủ

- Hạn chế việc tiêu thụ caffein và rượu buổi tối vì chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ

- Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ, như tắm nước ấm, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ

- Tập thể dục đều đặn, nhưng tránh tập luyện gần giờ đi ngủ vì nó có thể làm tăng cường độ năng lượng của bạn

- Nếu bạn không thể ngủ, đừng nằm trên giường thức. Hãy đứng dậy làm một hoạt động nhẹ nhàng cho đến khi cảm thấy buồn ngủ

- Đảm bảo giường ngủ và gối của bạn thoải mái và phù hợp với nhu cầu của bạn

Áp dụng những phương pháp trên có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp bạn ngủ ngon hơn trong đêm. Đồng thời cần quan sát những triệu chứng bất thường liên quan tới giấc ngủ để thăm khám bác sĩ sớm.

Nguồn dịch: Why Am I Waking up at the Same Time Every Night?


Tác giả: Allen