Dễ rụng tóc và những dấu hiệu thiếu kẽm cần chú ý

Dễ rụng tóc và những dấu hiệu thiếu kẽm cần chú ý
Tình trạng thiếu hụt kẽm có thể được nhận biết bằng các biểu hiện trên cơ thể. Nhận biết sớm và bổ sung kẽm kịp thời cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng. Dễ rụng tóc, loét miệng, nổi mụn...là những dấu hiệu thiếu kẽm thường gặp.

Thiếu kẽm là vấn đề có thể xảy ra ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Dù là đối tượng nào thì tình trạng thiếu hụt kẽm cũng sẽ được biểu hiện bằng những dấu hiệu đặc trưng. Cùng điểm qua những dấu hiệu thiếu kẽm trong bài viết sau đây.

Dấu hiệu thiếu kẽm bạn nên chú ý:

1. Rụng tóc

Kẽm là khoáng chất có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ protein và phân chia tế bào. Cả 2 quá trình này đều có ảnh hưởng nhất định đến việc hình thành nên mái tóc khoẻ, đẹp. Do đó, một mái tóc kém chắc khoẻ và dễ đứt gãy có thể là dấu hiệu thiếu kẽm.

2. Móng giòn và có các đốm trắng

Bên cạnh tóc, móng tay cũng là một bộ phận thường chịu tác động khi cơ thể thiếu hụt kẽm. Bởi để phát triển, móng cần một lượng kẽm nhất định để bổ sung cho các mô ở đây.

Móng mọc chậm, giòn và dễ gãy hơn là biểu hiện thường gặp nhất nhất của tình trạng này. Ngoài ra, việc thiếu hụt kẽm cũng là nguyên nhân gây ra các đốm trắng ở móng tay. Các đốm trắng này được gọi là vạch Beau, là dấu hiệu thiếu kẽm nghiêm trọng.

3. Ảnh hưởng đến sức khoẻ răng miệng

Kẽm là một thành phần tự nhiên có trong nước bọt, mảng bám và men răng. Do đó, khi thiếu hụt kẽm, răng miệng sẽ trở nên kém khoẻ mạnh hơn. Thậm chí, nó còn khiến răng dễ bị tổn thương và sứt mẻ hơn. Ngoài ra, thiếu hụt kẽm cũng là tác nhân gây ra các tình trạng như rêu lưỡi trắng, viêm nướu…

4. Loét miệng

Lở loét ở miệng có thể là một dấu hiệu thiếu kẽm khá phổ biến ở người lớn lẫn trẻ nhỏ. Đồng thời, tình trạng này cũng sẽ tiếp tục tái diễn nếu cơ thể không được bổ sung kẽm kịp thời. Đây là những vấn đề đã được công bố trên tạp chí The Journal of Laryngology & Otology năm 2014.

5. Mụn trứng cá và một số vấn đề khác trên da

Thiếu hụt kẽm là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mụn trứng cá. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 54% số người bị mụn trứng cá có hàm lượng kẽm thấp. Do đó, một số loại thuốc điều trị mụn trứng cá thường được bổ sung loại khoáng chất này.

Ngoài ra, việc cơ thể thiếu hụt kẽm cũng là nguyên nhân gây ra một số vấn đề về da. Bởi kẽm có vai trò bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và giúp vết thương nhanh lành. Do đó, khi thiếu hụt kẽm, làn da có thể gặp phải các vấn đề như nám, bong tróc, dày sừng, nứt gót da hai bên…

6. Xương trở nên yếu hơn

Bên cạnh canxi, kẽm cũng là khoáng chất cần cho sự hình thành và phát triển của xương. Đồng thời, kẽm còn có tác dụng thay mới collagen để xương chắc khoẻ hơn. Do đó, xương trở nên yếu hơn có thể là dấu hiệu thiếu kẽm.

Người ăn chay, trẻ em trong độ tuổi phát triển là những đối tượng thường gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, để chắc chắn bác sĩ sẽ yêu cầu một số xét nghiệm để xác định tình trạng kẽm. Đó có thể là xét nghiệm hàm lượng kẽm trong máu hoặc chụp DEXA để đo mật độ xương.

7. Chán ăn

Chán ăn cũng là dấu hiệu thiếu kẽm, phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Kẽm có vai trò mật thiết với các cơ quan như khứu giác và vị giác. Do đó, khi cơ thể thiếu hụt kẽm, chức năng các cơ quan này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do khiến bạn có cảm giác không ngon miệng và biếng ăn. Ngoài ra, hiện tượng loét miệng do thiếu kẽm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

8. Thiếu hụt kẽm gây suy giảm trí nhớ

Tương tự vitamin B6, kẽm có vai trò quan trọng trong hoạt động dẫn truyền thần kinh. Do đó, có thể thiếu hụt kẽm sẽ gây tổn thương cho hệ thống thần kinh và nhận thức. Biểu hiện cụ thể nhất của tình trạng này là hay quên, suy giảm trí nhớ hoặc khó đọc.

Thiếu hụt kẽm không được phát hiện kịp thời có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, đừng chủ quan với những dấu hiệu thiếu kẽm của cơ thể.


Tác giả: Thùy Dung