Đa phần các trường hợp bị sỏi đường tiết niệu là do sự lắng đọng các khoáng chất (oxalat, canxi, vitamin C, acid uric, photpho...), trong khi lượng nước đào thải qua thận ít hoặc rất ít sẽ làm lắng đọng các khoáng chất gây nên cặn thận, sỏi thận.
Trong các loại sỏi thận, sỏi canxi là loại sỏi thường gặp, chiếm khoảng 80-90% các ca mắc bệnh. Nếu canxi không được đưa ra ngoài hoặc liều lượng quá nhiều không thể hòa tan trong nước sẽ lắng đọng và kết thành sỏi. Sỏi canxi thường xuất hiện ở những người có lượng vitamin D, bổ sung canxi sai cách, cường giáp, người bị suy thận cũng có khả năng bị sỏi canxi.
Mặc dù là căn bệnh thường gặp tuy nhiên sỏi thận lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Bệnh sỏi thận ban đầu có thể không gây đau đớn nhưng với đặc điểm diễn biến âm thầm và bệnh nhân thường phát hiện khi viên sỏi đã to, gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua những cơn đau vùng bụng hoặc vùng thắt lưng.
Sỏi thận nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, một trong số đó là biến chứng suy thận. Tất cả các loại sỏi đường tiết niệu đều có thể làm ảnh hưởng đến thận do gây cản trở dòng chảy nước tiểu, làm ứ đọng nước tiểu gây viêm nhiễm đường tiết niệu và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn thận gây hậu quả là suy thận.
Sỏi thận có thể gây ra suy thận cấp do tình trạng tắc nghẽn cả hai bên niệu quản hoặc có thể xảy ra ở bệnh nhân chỉ có sỏi niệu quản ở một bên nhưng gây ra phản xạ co mạch ở hai bên niệu quản với biểu hiện lâm sàng là vô niệu, ure, creatinin, K+ máu tăng, toan máu chuyển hóa. Hậu quả nặng nề nhất do sỏi thận gây ra đó là gây viêm bể thận mạn, làm thận xơ hóa dần và không có khả năng hồi phục dẫn đến suy thận mạn.
Một loại sỏi khác cũng thường gặp ở phụ nữ đó là sỏi khuẩn (xảy ra khi đường tiết niệu bị viêm). Loại sỏi này thường có nhiều góc cạnh nhọn, phân nhánh thành sừng và có thể làm tổn thương đến thận.
Khác với nữ giới, nam giới có thể bị sỏi tiết niệu loại do acid uric gây ra. Sỏi acid uric thường gặp ở người có tiền sử bệnh gút. Tất cả các loại bệnh sỏi thận đều có thể gây ra biến chứng suy thận hoặc bể thận, do vậy nếu phát hiện trong thận có sỏi, bệnh nhân cần điều trị dứt điểm, tránh tái phát.
Khi mắc bệnh sỏi thận, bạn nên chú ý đến một số biểu hiện sau đây, nếu có hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời vì rất có thể bệnh sỏi thận đã gây ra biến chứng suy thận.
- Buồn nôn, nôn
- Chán ăn
- Mệt mỏi, cơ thể yếu
- Rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi lượng nước tiểu, tiểu són, tiểu gấp
- Co giật cơ bắp và chuột rút
- Nấc
- Sưng bàn chân và mắt cá chân
- Đau ngực, tràn dịch màng tim
- Khó thở, cao huyết áp khó kiểm soát
Các dấu hiệu thường không đặc hiệu, có nghĩa là chúng cũng có thể được gây ra bởi các bệnh khác. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh sỏi thận mặc dù là căn bệnh thường gặp, tuy nhiên chúng lại có thể tiến triển một cách nhanh chóng khiến cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Biến chứng suy thận do sỏi thận gây ra có thể lấy đi tính mạng của người bệnh bất kỳ lúc nào nếu như không điều trị và phát hiện kịp thời. Do vậy để phòng tránh bệnh sỏi thận, bạn cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt điều độ, tránh các loại thực phẩm có khả năng gây sỏi thận.
Ngoài ra, đối với bệnh nhân đang mắc bệnh sỏi thận, hãy chú ý điều trị dứt điểm và tuân thủ chế độ chăm sóc, ăn uống nghiêm ngặt của các bác sĩ. Đặc biện đề phòng biến chứng suy thận bệnh nhân cần phải uống nhiều nước để đảm bảo lượng nước tiểu ít nhất là từ 2,5 lít/1 ngày trở lên, chữa các đợt nhiễm khuẩn tiết niệu, ứ nước, ứ mủ bể thận, viêm thận bể thận tránh trường hợp bệnh tái phát nhiều lần làm suy giảm chức năng thận.