Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do một số loại virus đường tiêu hóa gây ra, khá phổ biến tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thực tế, nước ta đã ghi nhận nhiều đợt dịch qua các năm. Dịch chân tay miệng thường bùng phát vào thời điểm tháng 3 đến tháng 5 hoặc từ tháng 9 đến tháng 12.
Tác nhân gây bệnh chủ yếu được biết đến nhiều nhất là virus Coxsackie lành tính, có khả năng sinh sôi và phát triển trong đường tiêu hóa. Các chủng virus Coxsackie thường gặp là virus Coxsackie A (thường gặp A16), Coxsackie B, Echovirus. Tuy nhiên, đây hầu hết là các chủng virus lành tính, người mắc các loại virus này có thể tự khỏi bệnh sau 3-7 ngày.
Vị trí các nốt mụn nước của bệnh tay chân miệng thường gặp (Ảnh: Internet)
Biểu hiện thông thường của người mắc tay chân miệng thể nhẹ do virus Coxsackie gây ra là: sốt nhẹ, đau đầu, xuất hiện các mụn nước nhỏ (đường kính từ 2-10mm) ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối,... Các mụn nước trên cơ thể thường không gây đau và có thể tự xẹp sau khoảng 5-7 ngày.
Ngoài ra, một dấu hiệu bệnh tay chân miệng thông thường khác là các nốt bóng nước gây viêm loét trong niêm mạc miệng, má, lưỡi, lợi. Các nốt viêm loét này thường gây ra đau đớn, khiến trẻ chán ăn, khó nuốt, chảy nhiều nước bọt, tiêu chảy, nôn ói.
Lúc này, gia đình chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là bệnh có thể khỏi hẳn sau khoảng 1 tuần. Các món ăn cho trẻ bị tay chân miệng nên được chế biến ở dạng lỏng để dễ nuốt, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với khẩu vị của bé.
Biến chứng bệnh tay chân miệng xuất hiện khi người bệnh nhiễm phải loại tác nhân gây bệnh nguy hiểm hơn là Enterovirus E71 (EV71). Khi bị nhiễm loại tác nhân virus này, các biến chứng bệnh tay chân miệng có thể xảy ra ở hệ tim mạch và hệ thần kinh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Các biến chứng bệnh tay chân miệng có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, tim mạch,... (Ảnh: Internet)
Nguy hiểm hơn, các biểu hiện của biến chứng bệnh tay chân miệng thường rất khó để phát hiện sớm và thường ít được gia đình chú ý. Đặc biệt, các biến chứng bệnh tay chân miệng xảy ra ở não thường không gây hôn mệ sâu mà chỉ khiến trẻ khó ngủ, quấy khóc, giật mình liên tục, hoảng hốt, chới với, mạch nhanh, chân tay yếu, thậm chí là liệt chi,...
Để phát hiện sớm các biến chứng bệnh tay chân miệng, cần căn cứ vào một số biểu hiện bất thường như: sốt cao trên 39 độ liên tục quá 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ quấy khóc, nôn ói liên tục, nổi nhiều mụn nước... Khi có các dấu hiệu này, cần đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra, đề phòng nguy cơ xảy ra biến chứng bệnh tay chân miệng.
Khi trẻ có các biểu hiện lạ, cần đưa tới cơ sở y tế để kiểm tra, đề phòng biến chứng tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Khi bắt đầu xảy ra biến chứng bệnh tay chân miệng, trẻ thường có các biểu hiện như: giật mình, chới với khi chuẩn bị vào giấc ngủ, ngủ li bì trong nhiều giờ, đi đứng không vững, tay chân run, yếu, loạng choạng,... Khi có các biểu hiện trên, trẻ bị tay chân miệng cần được nhập viện càng sớm càng tốt để tiến hành điều trị kịp thời.
Các biến chứng bệnh tay chân miệng trở nên nghiêm trọng hơn khi bé có các biểu hiện như: khó thở, thở dốc, khóc khan, mạch đập nhanh, huyết áp tăng cao, da nổi bông, chân tay lạnh. Đây là lúc trẻ bị tay chân miệng cần nhập viện ngay để được cấp cứu và theo dõi kịp thời.
Phát hiện sớm các biến chứng bệnh tay chân miệng để có biện pháp điều trị kịp thời (Ảnh: Internet)
Việc phát hiện sớm các biến chứng bệnh tay chân miệng là rất quan trọng bởi một khi đã xảy ra, các biến chứng này có thể để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Do đó, trong suốt quá trình điều trị tại nhà, cha mẹ cần lưu ý tới các biểu hiện bất thường của trẻ để hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng bệnh tay chân miệng.