Dậy thì sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị
Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ cả về mặt thể chất lẫn tâm sinh lý.

Những năm gần đây, chỉ tính riêng Khoa Nội tiết- Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung Ương đã tiếp nhận khoảng 350 lượt trẻ em mỗi năm đến khám và điều trị dậy thì sớm. TS. BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa cho biết con số này đã gấp hàng chục lần so với khoảng 10 năm về trước.

Độ tuổi dậy thì ở cả nam và nữ đang trong xu hướng giảm. So với thời điểm 100 năm trước, nữ giới thường xuất hiện kinh nguyệt vào năm 15-16 tuổi. Thì đến nay, tuổi dậy thì của bé gái chỉ còn khoảng 8-13, bé trai là từ 9-14 tuổi.

Dậy thì sớm, trước 8 tuổi ở bé gái và 9 tuổi ở bé trai, có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ cả về mặt thể chất lẫn tâm sinh lý. Vậy tại sao dậy thì sớm lại nguy hiểm? Các bậc cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu dậy thì sớm nào ở con cái mình? Và dậy thì sớm có thể điều trị được không?

Hãy cùng tìm hiểu:

1. Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị - Ảnh 2.

Dậy thì sớm là một rối loạn khiến cơ thể trẻ bắt đầu thay đổi thành người trưởng hành quá sớm. Quá trình thay đổi này bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương, cơ bắp, sự hay đổi hình dạng, kích thước cơ thể, và sự phát triển khả năng sinh sản.

Khi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và 9 tuổi ở bé trai, nó được coi là dậy thì sớm. Nhưng rối loạn này được chia thành 2 loại:

- Dậy thì sớm trung ương (dậy thì thật): Đây là quá trình dậy thì giống hệt dậy thì bình thường, nhưng xảy ra sớm. Quá trình bắt đầu ở tuyến yên, nơi sản sinh ra hooc-môn gonadotropin. Hooc-môn này kích thích tinh hoàn hoặc buồng trứng tạo ra các hooc-môn giới tính khác như testosterone hoặc estrogen. Các hooc-môn này sau đó tiếp tục gây ra những thay đổi của tuổi dậy thì, như phát triển vú ở các bé gái.

- Dậy thì sớm ngoại biên (dậy thì giả): Hiếm khi xảy ra hơn, nhưng quá trình này bắt đầu từ giữa. Các hooc-môn estrogen và testosterone kích hoạt triệu chứng dậy thì sớm. Nhưng não bộ và tuyến yên không liên quan. Dậy thì sớm dạng này thường bắt nguồn từ một vấn đề cục bộ ở buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận hoặc tuyến giáp.

Ngoài ra, có một số tình trạng khác trông giống như dậy thì sớm. Các bậc cha mẹ thậm chí cả các bác sĩ cũng hay nhầm đó với dậy thì sớm. Nhưng thực sự thì không phải:

- Phát triển vú sớm (Premature thelarche): Thường xuất hiện rất sớm ở bé gái có thể ngay từ khi 2 tuổi. Tuy nhiên, phát triển vú sớm không thực sự là dậy thì sớm. Nó chỉ được coi là một biến thể dậy thì lành tính. Phát triển vú sớm không khiến trẻ có các triệu chứng dậy thì sớm khác như phát triển buồng trứng, gia tăng tuổi xương…

- Phát triển lông mu sớm (Premature pubarche): Là sự phát triển sớm của lông mu hoặc lông nách khi còn nhỏ. Nó có thể bắt nguồn từ sự trưởng thành sớm của tuyến thượng thận, khiến nó bắt đầu tiết ra hooc-môn quá sớm.

2. Các dấu hiệu của dậy thì sớm

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị - Ảnh 3.

Dấu hiệu dậy thì sớm thường giống với dậy thì bình thường. Chỉ có thời gian xuất hiện của chúng là khác nhau. Các dấu hiệu ở bé gái bao gồm:

- Phát triển vú (thường là dấu hiệu đầu tiên)

- Hành kinh (thường xảy ra muộn hơn 2-3 năm sau dấu hiệu ban đầu)

Các dấu hiệu ở bé trai bao gồm:

- Phát triển tinh hoàn, dương vật và bìu

- Vỡ giọng (thường là dấu hiệu muộn)

Ngoài ra, cả các bé trai và bé gái có thể chia sẻ các dấu hiệu như:

- Lớn phổng

- Xuất hiện mông mu, lông nách

- Nổi mụn

- Có mùi cơ thể người lớn

3. Nguyên nhân của dậy thì sớm

Như đã nói, dậy thì sớm khởi phát từ tuyến yên, một tuyến nội tiết có kích thước chỉ bằng hạt đậu trong đáy não của bạn. Tuyến yên tiết ra gonadotropin, kích hoạt sản xuất estrogen ở bé gái và testosterone ở bé trai để thúc đẩy quá trình dậy thì, trưởng thành về mặt tính dục.

Tại sao quá trình này diễn ra phụ thuộc vào các dạng dậy thì sớm trung tâm hoặc ngoại vi.

3.1. Dậy thì sớm trung tâm

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị - Ảnh 4.

Nguyên nhân của loại dậy thì sớm này thường không thể xác định. Quá trình dậy thì sớm dạng trung tâm diễn ra như dậy thì bình thường, chỉ khác là độ tuổi sớm hơn. Các trẻ dậy thì sớm trung tâm không có vấn đề y tế tiềm ẩn, do đó, không xác định được lý do dậy thì sớm.

Trong một số ít trường hợp, dậy thì sớm trung ương có thể được gây ra bởi:

- Một khối u trong não hoặc tủy sống (hệ thống thần kinh trung ương)

- Một khiếm khuyết trong não từ khi sinh, chẳng hạn như tích tụ chất lỏng dư thừa (tràn dịch não) hoặc một khối u không ung thư (hamartoma)

- Ảnh hưởng của bức xạ đến não hoặc tủy sống

- Tổn thương não hoặc tủy sống

- Hội chứng McCune-Albright - một bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến xương màu da và gây ra các vấn đề về nội tiết tố

- Tăng sản thượng thận bẩm sinh - một nhóm các rối loạn di truyền liên quan đến sản xuất hooc-môn bất thường của tuyến thượng thận

- Suy giáp - một tình trạng mà tuyến giáp không sản xuất đủ hormone

3.2. Dậy thì sớm ngoại biên

Loại dậy thì sớm này bắt nguồn từ rối loạn estrogen hoặc testosterone trong cơ thể trẻ. Nguyên nhân của nó thường là một vấn đề cục bộ ở buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận hoặc tuyến yên.

Ở cả bé gái và bé trai, những điều sau đây có thể dẫn đến dậy thì sớm ngoại biên

- Một khối u ở tuyến thượng thận hoặc trong tuyến yên tiết ra estrogen hoặc testosterone

- Hội chứng McCune-Albright, một rối loạn di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến màu da, xương và gây ra các vấn đề về nội tiết tố

- Tiếp xúc với các nguồn estrogen hoặc testosterone bên ngoài, chẳng hạn như kem hoặc thuốc mỡ

Ở bé gái, dậy thì sớm ngoại biên cũng có thể liên quan đến:

- U nang buồng trứng

- Khối u buồng trứng

Ở bé trai, dậy thì sớm ngoại biên cũng có thể gây ra bởi:

- Một khối u trong các tế bào tạo ra tinh trùng (tế bào mầm) hoặc trong các tế bào tạo ra testosterone (tế bào Leydig).

- Một khiếm khuyết trong gen dẫn đến việc sản xuất sớm testosterone sớm ngay từ năm 1-4 tuổi.

4. Tác hại của dậy thì sớm

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị - Ảnh 5.

Đối với trẻ em, dậy thì sớm có thể gây ra các vấn đề cả về mặt thể chất lẫn tâm sinh lý, bao gồm:

- Tầm vóc thấp bé: Trong khi những đứa trẻ bị dậy thì sớm thường cao sớm hơn so với tuổi của chúng, một số lại trở nên thấp bé khi trưởng thành. Tại sao? Khi tuổi dậy thì kết thúc, sự tăng trưởng dừng lại. Dậy thì sớm thường kéo dài ngắn hơn bình thường, do đó, tầm vóc của trẻ chưa kịp tăng trưởng tối đa đã dừng lại.

- Vấn đề hành vi: Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa dậy thì sớm và các vấn đề hành vi, đặc biệt là ở trẻ chậm phát triển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bằng chứng này còn yếu.

- Quan hệ tình dục sớm: Mặc dù các bậc cha mẹ có thể lo lắng, nhưng không có bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy trẻ em dậy thì sớm có khả năng hoạt động tình dục ở độ tuổi trẻ hơn.

- Căng thẳng: Tuổi dậy thì sẽ đem lại căng thẳng, bởi nó là một giai đoạn khó hiểu đối với trẻ. Những đứa trẻ thậm chí có thể căng thẳng hơn nữa nếu bị dậy thì sớm. Chúng có thể cảm thấy lúng túng vì trông khác với bạn bè đồng trang lứa. Kinh nguyệt sớm cũng có thể gây khó chịu cho những bé gái từ 9 tuổi trở xuống.

- Những rủi ro khác: Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa dậy thì sớm ở những bé gái và tăng nguy cơ ung thư vú sau này trong đời. Tuy nhiên, bằng chứng cho mối liên kết này còn chưa rõ ràng, cần phải được nghiên cứu thêm.

5. Phòng ngừa dậy thì sớm

Đa phần các trường hợp dậy thì sớm không có nguyên nhân cụ thể và không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dậy thì sớm có thể quản lý được. Chẳng hạn như phòng ngừa béo phì, nghiên cứu cho thấy trẻ thừa cân dễ dậy thì sớm hơn.

Không cho trẻ tiếp xúc với các hooc-môn giới tính như estrogen và testosterone, thường có trong các loại thuốc mỡ hoặc thực phẩm chức năng của người lớn. Trong một số trường hợp, tiếp xúc với bức xạ lên hệ thống thần kinh trung ương cũng làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.

Một số điều kiện y tế như hội chứng McCune-Albright, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hoặc suy giáp có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.

6. Cha mẹ nên làm gì nếu nghi ngờ con mình dậy thì sớm?

Dậy thì sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và điều trị - Ảnh 6.

Bạn cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm nếu thấy các biểu hiện của nó. Thông thường, các bác sĩ sẽ cần kiểm tra thể chất và tiền sử bệnh của trẻ. Trẻ có thể được chỉ định chụp X-quang bàn tay để kiểm tra tuổi xương.

Các bác sĩ cũng có thể cần xét nghiệm máu để đo nồng độ hooc-môn của trẻ. Nếu cần thiết, chỉ định chụp cộng hưởng từ não sẽ được đưa ra. Xét nghiệm này được dùng để loại trừ các bất thường, ví dụ như một khối u trong não có thể khiến trẻ dậy thì sớm.

Siêu âm vùng chậu có thể được sử dụng để tìm kiếm các u nang hoặc khối u buồng trứng, một nguyên nhân tương tự có thể khiến trẻ dậy thì sớm hơn bình thường.

Nếu trẻ được chẩn đoán chỉ phát triển vú sớm hoặc mọc lông mu sớm mà không phải dậy thì sẽ không cần can thiệp điều trị. Nếu trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm, có một số loại thuốc và hooc-môn tổng hợp có thể giúp trì hoãn quá trình dậy thì.

Một số trẻ sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc tác nhân gây ra dậy thì sớm nếu có. Mặc dù vậy, các phương pháp điều trị dậy thì sớm hiện nay khá hiệu quả. Do đó, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng và coi dậy thì sớm là một chẩn đoán y khoa đáng sợ.

Tác giả: zknight