Dậy thì sớm gây nhiều ảnh hưởng lên sự phát triển thể chất của trẻ trong tương lai. Theo thống kê, những người bị dậy thì sớm có xu hương thấp hơn so với người bình thường khoảng 12-20cm, tùy theo giới. Chính vì vậy, vấn đề trẻ dậy thì sớm có cao được nữa không khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng.
Trước khi tìm hiểu vấn đề trẻ dậy thì sớm có cao được nữa không, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ quá trình phát triển xương ở trẻ qua các giai đoạn và hậu quả của dậy thì sớm lên sự phát triển chiều cao của trẻ.
Điểm khác biệt lớn nhất của xương ở trẻ em so với người lớn chính là khả năng phát triển về chiều dài, xương ở trẻ em có khả năng dài ra còn xương ở người lớn thì không. Điều này là nhờ vào một cấu trúc đặc biệt ở gần hai đầu xương của trẻ gọi là sụn tiếp hợp. Chính sự phát triển của sụn tiếp hợp là cơ sở để xương của trẻ có thể phát triển về hai đầu và trở nên dài hơn theo thời gian.
Khi bước vào giai đoạn dậy thì, dưới sự biến động mạnh về nồng độ các loại hormone sinh dục, hormone tăng trưởng,... nên xương của trẻ sẽ dài ra một cách nhanh chóng. Vì vậy khiến trẻ có thể tăng chiều cao rất nhanh trong lứa tuổi này, thậm chí có thể lên đến 10-15cm/năm.
Nhưng giai đoạn dậy thì của một đứa trẻ thường sẽ chỉ kéo dài trong vòng vài năm. Càng về đến cuối lứa tuổi dậy thì, sụn tiếp hợp ở hai đầu xương sẽ càng bị cốt hóa nhiều hơn và xương cũng sẽ chậm dài ra hơn. Cho đến khi khi sụn tiếp hợp bị cốt hóa gần như hoàn toàn thì xương sẽ ngừng phát triển.
Vì vậy, với một đứa trẻ bị dậy thì sớm thì cơ hội tăng trưởng chiều cao sau khi đã kết thúc giai đoạn dậy thì là tương đối khó khăn. Chiều cao của trẻ sẽ gần như là ổn định và ít thay đổi khi trẻ trưởng thành trong tương lai. Các biện pháp tăng chiều cao cho trẻ dậy thì sớm chỉ có giá trị lớn nhất khi trẻ chưa kết thúc giai đoạn dậy thì và các sụn tiếp hợp chưa bị cốt hóa hoàn toàn.
Đọc thêm:
+ Mụn ở tuổi dậy thì có hết không? Cách xử lý mụn ở tuổi dậy thì
+ Tuổi dậy thì không nên ăn gì?
Liệu pháp ức chế dậy thì là liệu pháp sử dụng đồng vận của hormone GnRH để ức chế dậy thì ở những đứa trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm. Dưới tác dụng của liệu pháp sẽ khiến giai đoạn dậy thì của trẻ bị ức chế. Do đó làm chậm lại quá trình cốt hóa xương ở trẻ và kéo dài thời gian tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Nếu được can thiệp sớm ngay khi có những biểu hiện đầu tiên của tình trạng dậy thì sớm, chiều cao của trẻ có thể được cải thiện lên đến 10cm so với những trẻ dậy thì sớm những không được can thiệp.
Bên cạnh vấn đề điều trị hormone để ức chế quá trình dậy thì ở trẻ, những biện pháp không sử dụng thuốc cũng cho thấy hiệu quả cao trong việc tăng chiều cao ở trẻ dậy thì sớm.
- Chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống của trẻ cần có sự đa dạng và cân đối các nhóm dinh dưỡng bao gồm chất đạm, đường bột, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất,... để đảm bảo đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến những dưỡng chất có ích cho sự phát triển của hệ xương khớp như canxi, vitamin D3 và MK7 (vitamin K2),...
- Sử dụng các thực phẩm bổ sung
Chế độ ăn uống đôi khi có thể là không đủ để đảm bảo cho nhu cầu về một số dưỡng chất, khoáng chất cần thiết đối với quá trình phát triển hệ xương khớp. Khi này, trẻ có thể được sử dụng thêm các loại thực phẩm bổ sung như canxi, vitamin D3, chondroitin,... Tuy nhiên, việc sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung cho trẻ cần hết sức thận trọng và nên diễn ra dưới sự theo dõi của bác sĩ.
- Ngủ đủ giấc
Thời gian ngủ là khoảng thời gian mà cơ thể trẻ tiết ra nhiều hormone tăng trưởng nhất. Do vậy, nên đảm bảo rằng những đứa trẻ dậy thì sớm luôn được ngủ đủ giấc mỗi ngày. Điều này giúp cải thiện chiều cao của trẻ một cách đáng kể.
- Tăng cường tập luyện thể thao
Tập luyện thể thao không chỉ làm tăng sức chịu đựng của hệ cơ bắp và xương khớp mà nó còn có thể giúp trẻ cao lên nhanh chóng. Bởi trong quá trình trẻ luyện tập, lượng hormone tăng trưởng sẽ được bài tiết nhiều hơn và lưu lượng máu đến nuôi hệ xương khớp nhiều hơn. Do đó, tập luyện thường xuyên vừa khiến xương của trẻ rắn chắc, vừa giúp cho trẻ cao lên.
Có thể thấy rằng, trẻ dậy thì sớm có cao được nữa không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm mà trẻ được can thiệp và các biện pháp tiến hành can thiệp. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần theo dõi sự phát triển của trẻ để nhận biết dậy thì sớm để có hướng xử trí kịp thời.