Hiện tượng rối loạn dậy thì ở thanh thiếu niên không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên, mọi người dường như dành sự quan tâm nhiều hơn đến tình trạng dậy thì sớm mà ít chú ý đến vấn đề trẻ bị dậy thì muộn. Vậy dậy thì muộn có ảnh hưởng gì không và tác động như thế nào đến trẻ trong tương lai?
Dậy thì muộn là một dạng của rối loạn dậy thì. Khi một đứa trẻ đã bước qua lứa tuổi dậy thì trung bình của dân số nhưng vẫn không có các biểu hiện của tình trạng dậy thì sẽ được gọi là bị dậy thì muộn. Thông thường, độ tuổi được sử dụng để làm mốc bắt dầu nghi ngờ, kiểm tra và chẩn đoán dậy thì muộn là 14 tuổi.
Dậy thì muộn có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau và có sự khác biệt nhất định giữa hai giới. Nếu như ở trẻ nữ, dậy thì muộn có thể là vấn đề do thể chất, do di truyền hoặc do các vấn đề ở buồng trứng,... Thì trong khi đó, bé nam có thể bị dậy thì muộn do các nguyên nhân như do các bệnh lý mãn tính, sự thiếu hụt hormone, bất thường ở tinh hoàn,...
Khi một đứa trẻ được chẩn đoán bị dậy thì muộn, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này mà sẽ có những phương pháp can thiệp khác nhau. Tuy nhiên, đóng vai trò quan trọng nhất trong can thiệp điều trị dậy thì muộn ở trẻ hiện nay là hormone liệu pháp và quá trình trị liệu tâm lý.
Không hề nói quá khi cho rằng tuổi dậy thì là một trong các bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời con người. Do đó việc các vị phụ huynh và chính bản thân của trẻ lo lắng về việc dậy thì muộn có ảnh hưởng gì không cũng là điều hết sức dễ hiểu.
Đọc thêm:
+ Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến thời điểm dậy thì của trẻ
+ Chưa dậy thì quan hệ có thai không?
Một trong các ảnh hưởng dễ thấy nhất do dậy thì muộn gây nên chính là các ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Trong khi các bạn bè cùng trang lứa có cơ thể lớn lên nhanh chóng, phổng phao và có các đặc điểm sinh dục thứ phát xuất hiện,... thì cơ thể trẻ bị dậy thì muộn dường như vẫn không thay đổi nào đáng kể. Chính sự khác biệt giữa bản thân trẻ với những người xung quanh khiến trẻ trở nên tự ti, ngại giao tiếp và khó hòa nhập hơn.
Những tâm lý tiêu cực của trẻ khi không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời rất dễ ảnh hưởng tiêu cực đến sự trưởng thành tính cách của trẻ trong tương lai.
Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, dậy thì muộn còn gây ảnh hưởng nhiều đến thể chất của trẻ. Bởi chúng ta đều biết rằng, tuổi dậy thì là giai đoạn chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về thế chất của trẻ, đặc biệt là về sự phát triển khung xương và chiều cao.
Nhưng đối với những đứa trẻ dậy thì muộn, thời gian trẻ bắt đầu giai đoạn phát triển nhảy vọt cũng sẽ diễn ra chậm hơn. Mà khi thời điểm này diễn ra càng muộn cũng sẽ đồng nghĩa với việc xương của trẻ bị cốt hóa càng nhiều và càng khó để dài ra hơn. Chính vì vậy quá trình phát triển nhảy vọt về tầm vóc của trẻ trong giai đoạn dậy thì sẽ kém hơn so với những trẻ khác, nên dễ khiến trẻ bị lùn trong tương lai.
Mặc dù nghe có vẻ ít liên quan, nhưng một số nghiên cứu đã chứng minh rằng dậy thì muộn có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, hoặc các bệnh lý chuyển hóa trong tương lai. Do đó, những người có tiền sử bị dậy thì muộn cần phải được tầm soát những vấn đề trên một cách thường xuyên hơn so với những người bình thường.
Tuổi dậy thì đánh dấu sự hoàn thiện của hệ thống sinh dục và cho thấy một cá thể đã bắt dầu sẵn sàng để thực hiện chức năng sinh sản. Do đó, với việc là một dạng rối loạn dậy thì thì lẽ dĩ nhiên dậy thì muộn có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên sự ảnh hưởng của dậy thì muộn lên chức năng sinh sản ở hai giới có sự khác biệt tương đối lớn so với nhau. Chức năng sinh sản của trẻ nữ (khả năng thụ thai, mang thai,...) dường như ít bị ảnh hưởng bởi dậy thì muộn.
Nhưng đối với các trẻ nam, sự ảnh hưởng của dậy thì muộn lại lớn hơn rất nhiều. Dậy thì muộn khiến tinh hoàn chậm phát triển, dương vật có kích thước nhỏ. Điều này làm cản trở khả năng quan hệ tình dục của nam giới khi trưởng thành, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng vô sinh.
Trên đây là giải đáp sơ lược cho câu hỏi dậy thì muộn có ảnh hưởng gì không và những hậu quả nguy hiểm mà dậy thì muộn có thể gây ra. Nếu có thêm những thắc mắc liên quan đến tình trạng này, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ hơn.
Nguồn dịch tham khảo: Adult Consequences of Self-Limited Delayed Puberty