Dâu tây có màu đỏ tươi, mọng nước và ngọt hoặc hơi chua. Loại quả này là nguồn cung cấp vitamin C và mangan tuyệt vời, đồng thời chứa một lượng folate (vitamin B9) và kali khá lớn. Dâu tây cũng rất giàu chất chống oxy hóa và hợp chất thực vật đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
Tuy nhiên, khi ăn dâu tây có 4 vấn đề mọi người nên lưu ý để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ: ăn nhiều dâu tây có tốt không?, ăn dâu tây bị mốc có sao không?, ăn dâu tây có bị dị ứng không? rửa dâu tây đúng cách như thế nào?
Dâu tây là loại quả siêu dinh dưỡng với nhiều chất chống oxy hoá, vitamin,... Dâu tây nằm trong số 20 loại trái cây có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hàng đầu và là nguồn cung cấp mangan và kali tốt. Ăn dâu tây có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính và đem lại nhiều lợi ích khác.
- Tốt cho sức khoẻ tim mạch
Các loại quả mọng đã được chứng minh có tác dụng cải thiện sức khoẻ tim mạch. Với lợi thế giàu chất chống oxy hoá, dâu tây có thể cải thiện tình trạng chống oxy hóa trong máu, giảm căng thẳng oxy hóa, giảm viêm, cải thiện chức năng mạch máu, cải thiện chỉ số lipid, giảm quá trình oxy hóa có hại của cholesterol LDL (xấu). Tất cả những yếu tố này đều có lợi cho sức khoẻ tim mạch.
- Cải thiện độ nhạy insulin
Polyphenol trong dâu tây giúp cải thiện độ nhạy insulin ở người lớn không bị tiểu đường. Dâu tây không chỉ có hàm lượng đường thấp mà còn có thể giúp bạn chuyển hóa các dạng glucose khác. Lợi ích này có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường hoặc tốt cho những bệnh nhân bị tiểu đường.
Lợi ích sức khoẻ của dâu tây (Ảnh: ST)
Đọc thêm:
- Phòng ngừa ung thư
Chất chống oxy hoá trong dâu tây có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Axit ellagic và ellagitannin đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
- Bảo vệ sức khoẻ não bộ
Nghiên cứu dài hạn cho thấy những người ăn trái cây giàu chất chống oxy hóa như quả việt quất và dâu tây có tốc độ suy giảm tư duy và trí nhớ chậm hơn khi họ già đi. Họ cũng ít có khả năng mắc bệnh Alzheimer - một dạng mất trí phổ biến nhất. Các nhà khoa học cho rằng tác dụng chống viêm của loại trái cây này đóng vai trò lớn trong cách quả mọng bảo vệ não.
- Tốt cho sức khoẻ đường ruột
Dâu tây giống như một prebiotic, có thể nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột tốt. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh có thể giúp cơ thể bạn sử dụng chất chống oxy hóa tốt hơn, như anthocyanin có trong dâu tây.
Ăn nhiều dâu tây có tốt không? (ST)
Mặc dù có nhiều lợi ích sức khoẻ như vậy, nhưng ăn nhiều dâu tây có tốt không? Bất kể loại thực phẩm nào dù tốt cho sức khoẻ, nhưng việc ăn uống cân bằng là tốt nhất. Bạn chỉ nên ăn dâu tây với một lượng vừa đủ.
Các nghiên cứu cho thấy những người ăn khoảng 4 quả cỡ trung bình 3 lần mỗi tuần sẽ có lợi cho sức khỏe. Nhưng không có lượng cụ thể nào phù hợp với tất cả mọi người. Nhìn chung, bạn nên cân nhắc khẩu phần ăn hàng ngày, không nên ăn quá 8 quả dâu tây cỡ trung bình. Bạn nên kết hợp thêm các loại quả khác để đa dạng chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Ăn quá nhiều dâu tây có thể gây đau dạ dày, ợ nóng, tiêu chảy, trào ngược, đầy hơi,... Mặc dù các triệu chứng không nghiêm trọng nhưng có thể gây ra sự khó chịu.
Dâu tây dễ bị mốc vì chúng có độ ẩm cao và là loại quả mềm. Khi bảo quản, nếu không đúng cách, độ ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Ngoài ra, dâu tây còn chứa đường tự nhiên, là nguồn thức ăn lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc.
Nếu thấy dâu tây bị mốc, bạn nên vứt bỏ ngay vì ăn loại quả này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trái cây mốc cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn.
Nếu chẳng may ăn phải dâu tây bị mốc, bạn có thể không gặp vấn đề sức khoẻ nào cả nhưng cũng có thể có một số dấu hiệu đau bụng tương tự như ngộ độc thực phẩm nhẹ, nhưng tình trạng này thường sẽ tự khỏi và không độc hại mà chỉ gây khó chịu.
Tuy nhiên, ăn dâu tây mốc có thể gây nguy hiểm cho những người bị dị ứng với nấm mốc, phụ nữ mang thai, người cao tuổi hoặc người có hệ thống miễn dịch suy giảm.
Dâu tây bị mốc một phần hay cả quả thì nên vứt bỏ ngay (Ảnh: ST)
Quả dâu tây mốc một phần cắt bỏ ăn được không? Nếu dâu tây chỉ bị mốc một phần bạn cũng không nên ăn chúng vì bào tử nấm mốc có thể đã lây lan ra cả quả nhưng chưa biểu hiện ra bên ngoài. Nếu thấy dâu tây có vị chua lạ như có tính axit, bạn nên vứt bỏ ngay.
Tuy nhiên, nếu trong một thùng dâu tây, có 1,2 quả bị mốc bạn chỉ cần vứt bỏ những quả này. Đem tất cả phần dâu tây còn tươi ngon đem rửa sạch và để ráo nước. Nếu không ăn hết bạn nên bảo quản cẩn thận.
Cách bảo quản dâu tây tránh bị nấm mốc
Nếu ăn trong 2-3 ngày, bạn có thể bảo quản trong hộp nhựa có các lỗ thông khí và bảo quản trong tủ lạnh.
Nếu bạn muốn để khoảng đến 5-7 ngày, bạn có thể khuấy một cốc giấm trắng vào hai cốc nước. Sau đó, cho dâu tây vào hỗn hợp và nhẹ nhàng đảo đều trong khoảng 1 phút. Tiếp tục, rửa sạch dâu tây dưới vòi nước sạch và để cho dâu khô hoàn toàn. Cuối cùng cho dâu tây vào hộp quả bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, với phương pháp này, sau 1 tuần dâu tây không có dấu hiệu nấm mốc nhưng dâu trông héo và tối màu, ảnh hưởng đến hương vị của dâu.
Nếu bạn muốn để khoảng vài tháng, bạn rửa sạch và lau khô toàn bộ dâu tây, sau đó dùng dao hoặc dụng cụ tách cuống để loại bỏ cuống và lá. Sau đó, đặt dâu tây vào túi đông lạnh có thể đóng lại, ép hết không khí ra ngoài và cất vào tủ đông.
Để rửa dâu tây đúng cách, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Loại bỏ các quả bị dập, mốc, lá và cuống: Trước tiên, bạn nên lọc để vứt bỏ hết các quả bị mốc, dập và hãy tách lá và phần cuống của dâu tây nếu bạn không muốn giữ chúng khi ăn.
- Ngâm nhẹ trong nước: Đặt dâu tây vào một tô nước lạnh và ngâm nhẹ trong vài phút. Nước sẽ giúp loại bỏ phần lớn bụi bẩn và cặn bám.
- Rửa dưới vòi nước: Sau đó, bạn hãy nhẹ nhàng xối nước lạnh qua từng quả dâu tây để rửa sạch các tạp chất còn lại.
- Sử dụng giấm hoặc muối để làm sạch hoàn toàn: Nếu muốn, bạn có thể pha nước với một chút giấm hoặc muối và ngâm chúng trong khoảng 5 phút.
- Để dâu ráo nước khô hoàn toàn: Nếu bạn ăn ngày thì chỉ cần để dâu ráo nước, nhưng nếu ăn không hết và tiếp tục bảo quản, bạn cần để dâu khô hoàn toàn.
Rửa dâu tây đúng cách (Ảnh: ST)
Dâu tây an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng bạn vẫn có thể bị dị ứng với một số hợp chất hóa học có trong loại quả này và các loại quả mọng khác.
Những người bị dị ứng với phấn hoa bạch dương có nhiều khả năng bị phản ứng dị ứng khi họ ăn dâu tây hoặc các loại trái cây khác. Bạn có thể nghe nói đến hội chứng dị ứng đường miệng hoặc hội chứng dị ứng phấn hoa-thực phẩm. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với protein trong dâu tây theo cùng cách mà nó phản ứng với chất gây dị ứng phấn hoa.
Phản ứng dị ứng với dâu tây thường gây ra các triệu chứng như ngứa ran hoặc sưng môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng hay buồn nôn. Hiếm khi dâu tây gây ra sốc phản vệ.
Nhìn chung, dâu tây có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Khi dâu đang vào mùa, bạn nên tận dụng kết hợp loại quả này vào chế độ ăn uống một cách phù hợp. Bạn nên chọn dâu có nguồn gốc rõ ràng để tránh chọn loại dâu có chứa nhiều thuốc trừ sâu và rửa sạch để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nguồn tham khảo:
1. Health Benefits of Strawberries
2. Is It Safe to Eat Strawberries If Some Have Mold on Them?
3. How to Store Strawberries: 6 Simple Methods