Sỏi mật là những mảnh mật cô đặc, cứng hình thành trong túi mật hoặc ống mật. Nếu sỏi nhỏ thì chúng thường không gây ra vấn đề gì. Khi sỏi phát triển lớn hơn, chúng có thể làm tắc ống dẫn mật. Khi túi mật co lại để giải phóng mật vào hệ thống, sỏi gây đau vì chúng làm tắc ống dẫn. Vậy đau sỏi mật ở vị trí nào?
Sỏi mật thường không gây ra triệu chứng trừ khi chúng bị kẹt và tắc nghẽn ở ống dẫn mật. Sự tắc nghẽn này gây ra các triệu chứng, phổ biến nhất là đau bụng trên và buồn nôn. Những triệu chứng này có thể xuất hiện rồi biến mất hoặc không biến mất. Bạn có thể phát triển các triệu chứng khác nếu tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hoặc kéo dài, chẳng hạn như:
- Đổ mồ hôi
- Sốt
- Nhịp tim nhanh
- Bụng sưng và đau
- Da và mắt có màu vàng
- Nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu
Đọc thêm:
- Đừng xem thường biến chứng xơ gan do sỏi mật
- Hỗ trợ điều trị sỏi mật bằng quả dứa được không?
Hệ thống mật của bạn nằm ở góc hạ sườn phải (góc phần tư trên bên phải của bụng, nằm dưới lồng ngực phải). Hầu hết mọi người đều cảm thấy đau sỏi mật ở vùng này. Nhưng đôi khi, đau do sỏi mật có thể lan sang các vùng khác. Một số người cảm thấy đau ở cánh tay phải hoặc vai hoặc ở lưng giữa hai bả vai.
Một số người cảm thấy đau do sỏi mật ở giữa bụng hoặc ngực. Điều này có thể gây nhầm lẫn vì cảm giác có thể giống với các tình trạng khác. Một số người nhầm lẫn cơn đau do sỏi mật với chứng ợ nóng hoặc chứng khó tiêu. Những người khác có thể cảm thấy như họ đang bị đau tim, trong trường hợp này nên thận trọng vì đó có thể là cơn đau tim.
Cơn đau sỏi mật điển hình là đột ngột và dữ dội và có thể khiến bạn buồn nôn. Bạn có thể cảm thấy đau dữ dội nhất sau khi ăn, khi túi mật co lại, tạo ra nhiều áp lực hơn trong hệ thống mật. Cơn đau này cũng có thể đánh thức bạn dậy khỏi giấc ngủ.
Cơn đau do sỏi mật tăng dần lên đến đỉnh điểm rồi từ từ giảm dần được gọi là đau quặn mật. Cơn đau xuất hiện theo từng đợt có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Cơn đau sẽ kết thúc khi và nếu sỏi di chuyển hoặc áp lực giảm bớt. Mọi người mô tả cơn đau sỏi mật diễn ra dữ dội, cảm giác như có gì đó đâm vào vùng này, co thắt hoặc bóp nghẹt. Bạn có thể không thể ngồi yên.
Như đã đề cập, sỏi mật nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, khi có cảm giác đau do sỏi mật, điều này có nghĩa là sỏi mật đã mắc kẹt trong đường mật của bạn và gây tắc nghẽn. Nếu đó là tắc nghẽn lớn, bạn có thể cảm thấy ngay lập tức. Nếu đó chỉ là tắc nghẽn một phần, bạn có thể không nhận thấy cho đến khi túi mật co lại, tạo ra nhiều áp lực hơn trong hệ thống.
Ăn uống sẽ kích hoạt sự co thắt ở túi mật. Đặc biệt, nếu bữa ăn giàu chất béo sẽ kích thích sự co bóp túi mật lớn hơn. Đó là vì ruột non của bạn phát hiện hàm lượng chất béo trong bữa ăn và cho túi mật biết cần bao nhiêu mật để giúp phân hủy chất béo. Túi mật của bạn phản ứng bằng cách ép mật cần thiết vào ống dẫn mật. Do vậy, bạn thường có cảm giác đau túi mật sau khi ăn.
Cơn đau sỏi mật có thể dễ nhầm lẫn với một số bệnh liên quan đến dạ dày như viêm dạ dày ruột, trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày. Vậy làm thế nào để phân biệt đâu là cơn đau do sỏi mật?
+ Đau sỏi mật: đau ở góc phần tư bụng bên phải, dưới lồng ngực bên phải
+ Đau dạ dày: đau ở giữa bụng, trên rốn và dưới xương sườn. Cơn đau có thể lan lên ngực và cả sau lưng.
+ Đau sỏi mật: Đau đột ngột và dữ dội kèm theo buồn nôn
+ Đau dạ dày: Đau rát hoặc đau nhói âm ỉ
+ Đau sỏi mật: Sỏi nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Nếu sỏi gây tắc nghẽn ống dẫn mật có thể gây sốt, đổ mồ hôi, bụng sưng và đau, da và mắt vàng, phân nhạt màu
+ Đau dạ dày: Trào ngược axit, buồn nôn, đầy hơi và ợ hơi, chán ăn
Nếu sỏi mật của bạn không gây ra triệu chứng, bạn sẽ không cần điều trị. Nhưng nếu sỏi mật gây tắc nghẽn đường mật, bác sĩ có thể loại bỏ chúng.
Hầu hết những người cần điều trị sỏi mật sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ chúng. Phẫu thuật là cách duy nhất để đảm bảo sỏi mật sẽ không gây ra vấn đề cho bạn nữa. Nhưng nếu bạn không thể hoặc không muốn phẫu thuật, có một số phương pháp điều trị thay thế để thử, bao gồm thuốc men và các thủ thuật khác.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc để loại bỏ sỏi thường dành cho sỏi nhỏ và thường mất nhiều thời gian, đặc biệt sỏi có thể tái phát.
Bạn không thể thải sỏi mật qua nước tiểu, vì sỏi mật không thể đi vào đường tiết niệu. Sỏi trong đường tiết niệu là sỏi thận. Sỏi mật và sỏi thận tương tự nhau, nhưng chúng di chuyển qua các đường ống khác nhau. Đau khi đi tiểu là triệu chứng của sỏi thận chứ không phải sỏi mật.
Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn sỏi mật hình thành, nhưng bạn có thể làm giảm các nguy cơ gây ra sỏi mật. Ví dụ, bạn có thể giảm nguy cơ sỏi cholesterol, loại sỏi phổ biến nhất, bằng cách giảm cholesterol trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn ngừa sỏi sắc tố. Hoặc nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể làm giảm nguy cơ sỏi cholesterol.
Một số biện pháp chung có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị sỏi mật:
- Tập thể dục: Nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc sỏi mật.
- Kiểm tra thuốc đang sử dụng: Một số loại thuốc, chẳng hạn như hormone sau mãn kinh, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi mật.
- Bổ sung các thực phẩm giàu magie: Nghiên cứu cho thấy magia có thể có mối quan hệ nghịch đảo với sự phát triển của sỏi mật. Những thực phẩm giàu magie như hạt bí, chuối, bơ, đậu nành, đậu đen, hạnh nhân, rau bina,...
Nếu bạn đột nhiên bị đau nhói ở bụng trên bên phải hoặc vai, đặc biệt là sau khi ăn, bạn có thể bị đau túi mật do sỏi. Bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân.
Sỏi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khi sỏi bị tắc nghẽn. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn phát triển các triệu chứng:
- Đau bụng nặng
- Vàng hoặc đổi màu da hoặc lòng trắng mắt
- Sốt cao kèm theo ớn lạnh
Nguồn tham khảo:
1. Gallstones
2. What Does Gallbladder Pain Feel Like?