Đau nhức vùng cổ và những dấu hiệu gai cột sống cổ cần được chú ý

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Đau nhức vùng cổ và những dấu hiệu gai cột sống cổ cần được chú ý
Thông thường khi bị gai cột sống cổ, người bệnh thường phải chịu những cơn đau âm ỉ, tái phát khi thay đổi thời tiết, thi thoảng xuất hiện cơn đau nặng khiến người bệnh mất ngủ.

Gai cột sống cổ là hiện tượng các khớp bị nhô ra ở các mỏm xương hoặc điểm lồi ở cổ. Bệnh này hình thành nên do sự tổn thương của bề mặt khớp, gây cản trở sự hoạt động của xương và gây ra những cơn đau nhức tùy mức độ.

Nguyên nhân gai cột sống cổ thường do:

– Gai cột sống cổ bẩm sinh.

– Do chấn thương, tai nạn.

– Do sự dư thừa và lắng đọng canxi.

– Do thói quen lao động, sinh hoạt không hợp lý.

– Loãng xương và thoái hóa cột sống tự nhiên.

Việc phát hiện nguyên nhân gai cột sống cổ có vai trò quan trọng trong phòng và điều trị bệnh.

1. Triệu chứng của bệnh gai cột sống cổ

Thông thường khi bị gai cột sống cổ, người bệnh thường phải chịu những cơn đau âm ỉ, tái phát khi thay đổi thời tiết, thi thoảng xuất hiện cơn đau nặng khiến người bệnh mất ngủ. Những triệu chứng của bệnh bao gồm:

- Đau nhức vùng cổ: Khi bị gai đốt sống cổ sẽ xuất hiện những cơn đau bất chợt hoặc thường xuyên vùng gáy, vùng giữa 2 bờ xương bả vai, thái dương hoặc sau hốc mắt. Các cơn đau này sẽ lan từ gáy xuống cánh tay và các ngón tay.

-  Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, thậm chí lan xuống các ngón tay.

-  Đau nửa đầu, đau buốt lên đỉnh đầu.

- Khó khăn khi vận động: Những người bị bệnh này thường sẽ khó khăn, nhất là khi cầm nắm đồ vật, nặng hơn sẽ bị teo cơ chi trên nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

- Hạn chế vận động ở cổ, cứng cổ mỗi khi thức dậy, không quay đầu sang trái hoặc sang phải được mà phải xoay cả người.

- Ngoài ra còn một số dấu hiệu bị gai cột sống cổ khác như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ù tai. 

Các dấu hiệu gai đốt sống cổ có thể trở nên nghiêm trọng bao gồm:

- Khó khăn khi đi lại.

- Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, đi tiểu không tự chủ…

- Tay, chân trở nên yếu ớt và vụng về.

-  Một số người có thể bị khó nuốt nếu xương ép vào thực quản.

Bệnh sẽ không gây nguy hiểm gì sức khỏe của bệnh nhân nếu phát hiện kịp thời ở giai đoạn đầu và điều trị đúng cách. Các biến chứng do gai cột sống cổ gây ra nhẹ là hội chứng thần kinh gây đau mỏi vai gáy, yếu và tê bì chân tay. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có khả năng bị teo cơ, bại liệt tứ chi, thậm chí là tàn phế,…

2. Phòng ngừa các triệu chứng gai đốt sống cổ

Hiện nay, không có cách nào có thể phòng ngừa được bệnh gai đốt sống cổ. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể ngăn chặn các biến chứng bằng cách phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, có rất nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng của bệnh gai cột sống cổ. ĐIển hình trong số đó là:

- Thực hiện theo đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ và lịch trình tập vật lý trị liệu.

- Ngồi, đứng, làm việc đúng tư thế.

- Học cách nâng đồ vật nặng đúng cách.

- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn.

- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với ít chất béo, giàu trái cây và rau củ.

- Nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc quá sức.

- Tránh các chấn thương không đáng có cho cột sống trong hoạt động thường ngày hoặc khi chơi thể thao.

-  Không hút thuốc lá.

-  Hạn chế hoặc bỏ rượu.  

Thông thường, chụp X-quang có thể phát hiện bệnh lý gai cột sống. Tuy nhiên, một số xét nghiệm chuyên sâu khác như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), …giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Chính vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bệnh trên, bệnh nhân cần nhanh chóng tới cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không may xảy ra.


Tác giả: Thúy Nga