Đau ngực khi nuốt là triệu chứng có thể nhiều người đã gặp phải. Tình trạng này xảy ra đôi khi đơn giản là do bạn ăn thứ gì đó quá to, nóng hoặc cay. Nhưng nếu triệu chứng này diễn ngay cả khi bạn nuốt nước bọt, dai dẳng, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý.
Đau ngực khi nuốt là cảm giác như nào?
Đau ngực khi nuốt khiến bạn có cảm giác khó chịu nghiêm trọng giống như đau tim. Loại đau này xảy ra như cảm giác bị chèn ép hoặc cảm giác áp lực phía sau xương ức. Đau ngực khi nuốt có thể kéo dài hàng giờ. Giống như cơn đau tim, loại đau này có thể di chuyển xuống cánh tay và lưng.
Đau ngực khi nuốt có thể đi kèm với một loạt các triệu chứng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Chẳng hạn như trào ngược axit, ợ nóng, khó nuốt hoặc cảm giác có vật gì đó mắc kẹt trong cổ họng.
Một số tình trạng sức khỏe có thể gây đau ngực khi nuốt, bao gồm:
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi axit dạ dày, thức ăn và các chất khác thường xuyên chảy ngược vào thực quản (ống nối miệng và dạ dày), thường lên đến cổ họng và miệng.
Loại trào ngược này có thể gây nóng rát ở giữa ngực hoặc cổ, nuốt nghẹn ở ngực và các triệu chứng khác như:
+ Đau họng hoặc ho dai dẳng
+ Tức ngực nuốt nghẹn
+ Cảm giác như thức ăn đang quay trở lại miệng, gây ra vị đắng
+ Khàn giọng
+ Buồn nôn hoặc nôn mửa
Để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, bạn có thể kết hợp việc sử dụng thuốc cùng với những thay đổi về mặt lối sống chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, tránh căng thẳng, tập thể dục thường xuyên, ngủ kê cao đầu.
Ợ nóng do trào ngược dạ dày thực quản có thể gây khó nuốt và đau ngực (Ảnh:ST)
Đọc thêm:
+ Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?
+ Đau tức ngực khi ho khi nào thì nguy hiểm?
Đau ngực khi nuốt có thể do viêm thực quản. Bất kỳ tình trạng nào gây viêm, sưng hoặc kích ứng thực quản thì được gọi là viêm thực quản. Thực quản đưa thức ăn qua ngực, từ miệng đến dạ dày. Axit từ những chất này có thể gây kích ứng ống dẫn thức ăn và làm tăng nguy cơ loét thực quản.
Các triệu chứng của viêm thực quản:
+ Loét miệng
+ Khó nuốt
+ Ợ nóng
+ Buồn nôn hoặc nôn
+ Cảm giác có vật gì đó mắc kẹt trong cổ họng
+ Đau họng
Điều trị viêm thực quản bao gồm sử dụng thuốc, thay đổi lối sống như tránh hoặc thay thế các loại thực phẩm hoặc chất gây kích ứng gây ra viêm thực quản, giảm cân, ăn chậm. Những trường hợp bị nặng có thể cần phẫu thuật hoặc làm giãn thực quản.
Thoát vị hoành xảy ra khi phần trên của dạ dày đẩy qua khe hoành (một lỗ nhỏ trên cơ hoành). Cơ hoành là lớp cơ ngăn cách bụng và ngực.
Thoát vị hoành đôi khi không gây ra triệu chứng. Khi các triệu chứng xảy ra, chúng có thể bao gồm:
+ Trào ngược axit
+ Thiếu máu mà không rõ nguyên nhân
+ Đau ngực
+ Ho mãn tính
+ Khó thở
+ Cảm thấy no nhanh hoặc đau sau khi ăn
+ Ợ nóng
+ Khó nuốt
Nếu thoát vị hoành không gây ra triệu chứng, bạn có thể không cần điều trị. Nhưng nếu bạn gặp các triệu chứng của thoát bị hoành, bạn cần sử dụng thuốc và thay đổi lối sống để điều trị và giảm triệu chứng.
Thoát vị hoành không gây ra triệu chứng có thể không cần điều trị (Ảnh: ST)
Hẹp thực quản có thể dẫn tới các vấn đề về nuốt như đau ngực khi nuốt, nuốt nghẹn ở ngực, ... Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra các triệu chứng khác như:
+ Ợ nóng
+ Nôn trớ hoặc thức ăn trào ngược lên.
+ Cảm giác có vật gì đó mắc kẹt trong ngực sau khi ăn
+ Giảm cân không mong muốn do giảm lượng thức ăn nạp vào
Về phương pháp điều trị, mục tiêu của việc điều trị hẹp thực quản là mở rộng lại lỗ mở để bạn có thể nuốt thoải mái và dễ dàng. Đối với hầu hết các trường hợp hẹp, phương pháp điều trị sẽ bao gồm giãn thực quản.
Nếu hẹp thực quản do những nguyên nhân phức tạp hơn, chẳng hạn do ung thư, chấn thương, phương pháp điều trị sẽ bao gồm sử dụng thuốc, đặt stent, phẫu thuật.
Thông thường, thực quản có chức năng co bóp để đẩy thức ăn đã ăn xuống dạ dày. Rối loạn vận động thực quản xảy ra khi những cơn co thắt này không đều hoặc không có. Vì các cơn co thắt không được phối hợp, PEMD có thể gây đau ngực khi nuốt. Trong một số trường hợp, cơn đau này thậm chí có thể bị nhầm là đau tim.
Các triệu chứng khác của rối loạn vận động thực quản nguyên phát bao gồm:
+ Đau ngực, tức ngực nuốt nghẹn
+ Khó nuốt
+ Ợ nóng
+ Suy dinh dưỡng và sụt cân do khó khăn trong việc ăn uống
+ Viêm phổi, có thể tái phát
+ Nôn trớ
+ Cảm giác có vật gì đó mắc kẹt ở cổ họng hoặc ngực
Đau ngực do rối loạn vận động thực quản nguyên phát có thể dễ nhầm lẫn với đau tim (Ảnh: ST)
Trong một số trường hợp, đau khi nuốt có thể do ung thư thực quản. Khó nuốt là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của loại ung thư này.
Các triệu chứng khác bao gồm:
+ Đau ngực
+ Giảm cân không rõ nguyên nhân
+ Khàn giọng
+ Ho mãn tính
+ Nôn mửa
+ Chảy máu trong thực quản, có thể làm phân có màu đen
Các triệu chứng của ung thư thực quản có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Nhưng phát hiện sớm sẽ cải thiện cơ hội điều trị thành công.
Điều trị ung thư thực quản khu trú có thể bao gồm phẫu thuật hoặc các thủ thuật nội soi để loại bỏ các khối u ung thư. Ung thư đã di căn đến nơi khác có thể cần hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch.
Đau ngực do bệnh tim có thể dễ nhầm lẫn với cơn ợ nóng do trào ngược hay rối loạn vận động thực quản. Tuy nhiên, đau tim có thể gây ra các triệu chứng khác ngoài cơn đau ngực. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, bạn nên đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời:
+ Đột nhiên bị bóp nghẹt, đè ép, thắt chặt hoặc áp lực ở ngực
+ Cơn đau lan đến hàm, cánh tay trái hoặc giữa hai bả vai
+ Chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi, tim đập nhanh hoặc khó thở
+ Cảm giác khó chịu ở ngực đột nhiên trở nên dữ dội
+ Đau ngực khi bạn đang nghỉ ngơi
+ Đau ngực đột ngột, dữ dội kèm theo khó thở, đặc biệt là sau một thời gian dài không vận động
+ Không có khả năng nuốt thức ăn, thở bình thường hoặc nuốt (có hoặc không có đau ngực)
Đau ngực đột ngột kèm chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi thì nên cẩn trọng với cơn đau tim (Ảnh: ST)
Để chẩn đoán lý do gây ra tình trạng đau ngực khi nuốt hay đau giữa ngực khi nuốt thức ăn, trước tiên bác sĩ sẽ lấy tiền sử bệnh án của bạn và tiến hành khám sức khỏe. Vì đau ngực có thể chỉ ra các tình trạng như đau tim, nên bác sĩ muốn thực hiện các xét nghiệm để loại trừ tình trạng tim.
Sau khi loại trừ tình trạng tim, bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau để giúp đưa ra chẩn đoán:
- Nội soi: Bác sĩ sử dụng một ống mềm nhỏ (ống nội soi) có gắn camera để quan sát thực quản và dạ dày.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể giúp bác sĩ hình dung vùng ngực và cổ họng của bạn để kiểm tra xem có tổn thương hoặc bất thường về cấu trúc không.
- Sinh thiết: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể muốn lấy một mẫu mô để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này có thể được thực hiện trong quá trình nội soi.
- Đo áp lực thực quản: Xét nghiệm này sử dụng một ống nhỏ để đo áp lực co thắt cơ thực quản khi bạn nuốt. Xét nghiệm này có thể kiểm tra nhiều vùng khác nhau của thực quản.
- Theo dõi độ pH thực quản: Xét nghiệm này đo độ pH trong thực quản của bạn trong khoảng thời gian từ 24 đến 48 giờ. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định xem axit dạ dày có chảy vào thực quản của bạn hay không.
Tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh mà các phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, khi gặp triệu chứng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng:
- Xác định các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng của bạn và loại chúng khỏi chế độ ăn uống của bạn.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có chứa caffeine và rượu
- Thay đổi thói quen ăn uống, chẳng hạn ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn và tránh ăn ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ.
- Đảm bảo không khom lưng hoặc nằm xuống ngay sau khi ăn.
- Nâng đầu giường lên khoảng 15cm nếu bạn bị ợ nóng vào ban đêm.
- Mặc quần áo rộng rãi để giảm áp lực lên bụng
- Giảm cân nếu cần thiết.
- Bỏ thuốc lá
Trên đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng đau ngực khi nuốt. Nếu triệu chứng này diễn ra dai dẳng và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo: Why You Have Pain in Chest When Swallowing