Đau mắt đỏ: Những biện pháp phòng tránh lây nhiễm từ người bệnh

Đau mắt đỏ: Những biện pháp phòng tránh lây nhiễm từ người bệnh
Đau mắt đỏ là căn bệnh rất phổ biến, thường lây lan rất nhanh, đặc biệt là khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Đau mắt đỏ tuy không quá nguy hiểm nhưng đôi khi bệnh có thể gây biến chứng viêm giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực. Vậy những biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh là gì?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng mọi đối tượng đều có thể bị lây nhiễm đau mắt đỏ nhưng học sinh, sinh viên, giáo viên và đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất do tiếp xúc với rất nhiều người, đặc biệt là khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Tuy không nguy hại tới tính mạng nhưng đau mắt đỏ lại gây cho người bệnh những phiền toái không nhỏ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh tốt nhất là gì? Hãy cùng giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.

1. Đường lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là một trong những căn bệnh lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Virus gây bệnh đau mắt đỏ có thể hiện diện trong chất tiết ở mắt và mũi người bệnh. Theo đó, chúng ta có thể bị lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ theo các cách sau:

- Lây qua đường hô hấp: Bệnh lây lan khi người bệnh nói chuyên, ho hoặc hắt hơi, virus theo tia nước bọt bắn ra ngoài.

- Lây qua vật dụng sinh hoạt: Theo đó, bệnh đau mắt đỏ lây lan khi:

+ Dùng chung khăn hoặc chậu rửa mặt

Đau mắt đỏ: Những biện pháp phòng tránh lây nhiễm từ người bệnh  - Ảnh 2.

Lấy tay dụi mắt sau đó dùng chung đồ vật với người khác làm tăng nguy cơ lây lan đau mắt đỏ - Ảnh Internet

+ Lấy tay dụi mắt sau đó dùng chung đồ vật với người khác. Trường hợp này hay gặp ở gia đình hay trong các trường học.

+ Lây qua môi trường bể bơi.

+Lây qua vật trung gian là ruồi, nhặng.

2. Những biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh

2.1. Phòng tránh lây nhiễm khi gần người bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ do vi rus hay vi khuẩn đều có khả năng lây lan rất nhanh và thành dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng sẽ giảm đáng kể nếu nắm chắc các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh.

Theo đó, nếu đang ở gần người nhiễm đau mắt đỏ, cần thực hiện các biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay các dung dịch sát khuẩn.

- Cần rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh hay các vật dụng mà người dó dùng. Ví dụ như rửa tay sau khi nhỏ thuốc mắt hay tra thuốc mỡ cho người đau mắt đỏ, rủa tay sau khi đưa đồ trải giường của họ đi giặt...

- Tuyệt đối không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Không dùng chung các vật dụng với những người bị đau mắt đỏ như gối, khăn mặt, khăn lau tay, đồ trang điểm, kính vì hành động này có nguy cao lây nhiễm bệnh từ người bệnh.

Đau mắt đỏ: Những biện pháp phòng tránh lây nhiễm từ người bệnh  - Ảnh 3.

Không dùng chung các vật dụng với những người bị đau mắt đỏ như gối, khăn mặt, khăn lau tay - Ảnh Internet

2.2. Phòng tránh lây nhiễm bệnh tại nơi cơ quan, trường học

Phòng tránh lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ tại trường học:

Nếu trong trường xuất hiện học sinh mắc đau mắt đỏ, nhà trường cần thực hiện ngay các biện pháp sau:

- Liên hê ngay với gia đình học sinh để đưa học sinh đi khám bệnh.

- Cần theo dõi các học sinh khác để biết có mắc đau mắt đỏ hay không.

- Loại bỏ các đồ dùng mà trẻ mắc đau mắt đỏ dùng

- Khử trùng các đồ vật, dụng cụ đã nhiễm khuẩn từ người bệnh.

- Các nhân viên, cán bộ trong trường cần tiến hành vệ sinh tay sạch sẽ, đúng cách.

- Yêu cầu gia đình trẻ mắc đau mắt đỏ giữ trẻ ở nhà cho tới khi trẻ khỏi hẳn.

Phòng tránh lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ tại các cơ quan:

Theo đó, nếu xuất hiện người bị đau mắt đỏ tại cơ quan, cần làm ngay những điều sau để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm:

- Nhắc nhở nhân viên tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cần thiết, đặc biệt là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vứt giấy lau mũi vào thùng rác, không đưa tay lên mắt hoặc dụi mắt.

- Tiến hành khử trùng những vật dụng đã được người bệnh sử dụng chung với nhân viên khác (như bàn phím máy tính, điện thoại, tay nắm cửa, nút bấm thang máy…).

- Loại bỏ các đồ vật đã dùng chung với người bệnh đau mắt đỏ như khăn lau tay, mỹ phẩm, đồ trang điểm,...

Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Do đó, mọi người cần chủ động để phòng ngừa khỏi nguy cơ mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe mắt của mình.


Tác giả: Ngọc Điệp