Khi phần lòng trắng của mắt bạn chuyển sang màu đỏ hoặc hồng và trở nên ngứa ngáy, bạn có thể mắc một chứng bệnh gọi là đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng màng trong suốt (kết mạc).
Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị viêm, chúng sẽ hiện rõ hơn. Đây là nguyên nhân làm cho lòng trắng của mắt bạn có màu đỏ hoặc hồng.
- Đau mắt đỏ thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus; phản ứng dị ứng hoặc do ống lệ mở chưa hoàn toàn ở trẻ sơ sinh.
- Đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus đều rất dễ lây lan.
- Đau mắt đỏ do dị ứng sẽ không lây.
Đọc thêm:
- Mắt bị nổi gân máu đỏ là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
- Tại sao lại bị đau ở đuôi mắt phải?
2. Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Nếu bạn chạm vào thứ gì đó có virus hoặc vi khuẩn trên đó, rồi chạm vào mắt, bạn có thể bị đau mắt đỏ. Hầu hết vi khuẩn có thể tồn tại trên bề mặt đến tám giờ, một số có thể sống trong vài ngày. Còn đối với virus thì có thể tồn tại trong vài ngày, một số tồn tại trong hai tháng trên bề mặt.
Nhiễm trùng cũng có thể lây sang người khác khi tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như bắt tay, ôm hoặc hôn. Ho và hắt hơi cũng có thể làm lây lan nhiễm trùng.
Bạn có nguy cơ bị đau mắt đỏ tăng lên nếu đeo kính áp tròng, đặc biệt nếu chúng là loại kính đeo dài. Đó là bởi vì vi khuẩn có thể sống và phát triển trên thấu kính. Hoặc sử dụng đồ trang điểm mắt cũ không sạch hay dùng chung đồ trang điểm đã bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi bị nhiễm bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng) đối với viêm kết mạc do virus hoặc vi khuẩn là khoảng 24 đến 72 giờ.
Bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây lan khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu con bạn bị đau mắt đỏ, tốt nhất bạn nên cho chúng nghỉ học cho đến khi các triệu chứng biến mất. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ thường hết trong vài ngày.
Nếu bạn bị đau mắt đỏ, bạn có thể trở lại làm việc bất cứ lúc nào, nhưng bạn cần phải có các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như rửa tay thật sạch sau khi chạm vào mắt.
Đau mắt đỏ không dễ lây như các bệnh nhiễm trùng thông thường khác, chẳng hạn như cảm lạnh, nhưng nó đòi hỏi nỗ lực để tránh lây lan hoặc lây nhiễm từ người khác.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh đau mắt đỏ là sự thay đổi màu sắc của phần lòng trắng của mắt, được gọi là màng cứng.
Thực tế viêm kết mạc có xu hướng có các triệu chứng khác, bao gồm: ngứa, tiết dịch nhầy có thể hình thành lớp vảy xung quanh mí mắt của bạn khi bạn ngủ, cảm giác như có bụi bẩn hoặc thứ gì đó làm cay mắt bạn, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng chói.
Đau mắt đỏ có thể hình thành ở một hoặc cả hai mắt. Nếu bạn đeo kính áp tròng trong thời gian bị bệnh bạn sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu. Nếu có thể, bạn nên tránh đeo kính áp tròng khi có các triệu chứng.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm kết mạc có thể gây sưng hạch bạch huyết gần tai. Nó giống như một cục u nhỏ. Các hạch bạch huyết giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Sau khi nhiễm virus hoặc vi khuẩn được loại bỏ, hạch bạch huyết sẽ thu nhỏ lại.
Mặc dù các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ có thể giống nhau, nhưng có một số dấu hiệu có thể xác định xem đau mắt đỏ là nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus. Đó là:
- Virus gây ra hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ ở người lớn và có màu cá hồi xuất hiện ở lòng trắng mắt.
- Vi khuẩn gây ra đau mắt đỏ cùng với nhiễm trùng tai ở trẻ em; chảy nhiều dịch từ mắt và có màu đỏ nhiều hơn xuất hiện ở lòng trắng mắt.
Đi khám bác sĩ nếu nhận thấy có các triệu chứng viêm kết mạc ở mắt. Chuẩn đoán sớm có thể giúp giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người khác.
Nếu các triệu chứng của bạn nhẹ và không có dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác như nhiễm trùng đường hô hấp, đau tai, đau họng hoặc sốt, bạn có thể đợi một hoặc hai ngày trước khi gặp bác sĩ. Nếu các triệu chứng giảm dần có thể là do kích ứng mắt chứ không phải do nhiễm trùng.
Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng đau mắt đỏ, hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa ngay lập tức thay vì đợi các triệu chứng tự cải thiện.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn có xu hướng xảy ra ở một mắt và có thể trùng hợp với nhiễm trùng tai. Đau mắt đỏ do virus thường xuất hiện ở cả hai mắt và có thể phát triển cùng với cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
Các trường hợp đau mắt đỏ nhẹ không phải lúc nào cũng cần điều trị. Bạn có thể dùng nước mắt nhân tạo để chữa khô mắt và chườm lạnh để giảm cảm giác khó chịu do viêm mắt.
Viêm kết mạc do virus có thể không cần điều trị. Nếu tình trạng này do virus herpes simplex hoặc virus varicella-zoster (bệnh zona) gây ra, thì có thể kê đơn thuốc chống virus.
Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể giúp giảm thời gian bạn gặp phải các triệu chứng và cắt giảm thời gian bạn lây cho người khác.
Đau mắt đỏ do các chất kích thích làm bạn bị kích ứng sau khi một chất dính vào, hãy rửa mắt bằng nước ấm nhẹ nhàng trong năm phút. Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng. Đôi mắt của bạn sẽ bắt đầu cải thiện trong vòng bốn giờ sau khi rửa sạch. Nếu chất trong mắt bạn là hóa chất có tính axit hoặc kiềm mạnh (chẳng hạn như chất tẩy rửa cống), hãy rửa mắt bằng nước và gọi cho bác sĩ ngay lập tức.
Đau mắt đỏ do dị ứng được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kê đơn hoặc không kê đơn có chứa thuốc kháng histamine để kiểm soát phản ứng dị ứng hoặc thuốc chống viêm như steroid hoặc thuốc thông mũi. Bạn có thể làm giảm các triệu chứng tạm thời - bằng cách chườm lạnh trên mắt hoặc vĩnh viễn bằng cách tránh các chất gây dị ứng.
Các cách để giúp ngăn ngừa đau mắt đỏ bao gồm:
- Không chạm hoặc dụi mắt.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước.
- Dùng bông gòn mới rửa sạch dịch tiết từ mắt hai lần một ngày. Sau đó, loại bỏ miếng bông và rửa tay bằng xà phòng và nước ấm.
- Rửa tay sau khi nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ vào mắt.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như đồ trang điểm, kính áp tròng, khăn tắm hoặc cốc.
- Thay vỏ gối thường xuyên.
Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng và nó hoàn toàn có thể điều trị, ngăn ngừa được. Trừ khi trường hợp của bạn bị nặng, còn không thì bệnh đau mắt đỏ có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, điều trị bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virus có thể rút ngắn thời gian của các triệu chứng. Trong khi chữa bệnh, bạn có thể chườm mát (hoặc ấm) để giảm cảm giác khó chịu. Điều tốt nhất bạn có thể làm là thực hiện các bước cần thiết để tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ cho người khác.
Nguồn tham khảo: