Xuất huyết dưới kết mạc là gì? Đau mắt đỏ chảy máu có nguy hiểm không?

Xuất huyết dưới kết mạc là gì? Đau mắt đỏ chảy máu có nguy hiểm không?
Đau mắt đỏ chảy máu là tình trạng chảy máu ở lòng trắng mắt, còn gọi là xuất huyết dưới kết mạc. Bệnh thường lành tính, trừ trường hợp xuất huyết do chấn thương. Vậy đau mắt đỏ bị chảy máu mắt có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ nhãn khoa, đau mắt đỏ chảy máu (xuất huyết dưới kết mạc) là bệnh thường gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi. Bệnh thường tự khỏi sau 10 đến 14 ngày; người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng gây khó chịu như ngứa mắt, cộm mắt chứ không bị ảnh hưởng nhiều đến thị lực về sau.

1. Chảy máu mắt (xuất huyết dưới kết mạc) là gì?

Chảy máu mắt hay còn gọi là xuất huyết dưới kết mạc là tình trạng chảy máu ở lòng trắng mắt. Kết mảng là một màng trong suốt, ẩm ướt và mỏng che phủ lên lòng trắng mắt và phần bên trong của mi mắt.

Kết mạc là bộ phận chứa khá nhiều sợi thần kinh và các mạch máu nhỏ. Khi gặp tình trạng vỡ mạch máu do cấu trúc mỏng nhỏ, mắt sẽ có tình trạng xuất huyết dưới kết mạc. Vùng xuất huyết được xác định là khoảng lòng trắng có màu đỏ đậm trên nền củng mạc có màu trắng. Khác với các vết thương thông thường, xuất huyết kết mạc thường nằm ở giữa kết mạc và phần củng mạc.

Lượng máu mất đi ở tình trạng chảy máu mắt thường rất ít, thậm chí không đáng kể. Sau khoảng 2 tuần, quá trình tiêu máu tự nhiên sẽ làm vùng xuất huyết thu nhỏ dần rồi biến mất.

Đau mắt đỏ chảy máu có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Chảy máu mắt hay còn gọi là xuất huyết dưới kết mạc là tình trạng chảy máu ở lòng trắng mắt - Ảnh: Samcohlmia

Chảy máu mắt thường không có triệu chứng nào cảnh báo sớm, không gây khó chịu hay đau đớn như các vết thương thông thường. Hầu hết người đau mắt đỏ chảy máu thường chỉ có cảm giác hơi vướng cộm. Phần lớn người bệnh phát hiện tình trạng xuất huyết kết mạc là do nhìn thấy hoặc do người thân nhìn thấy và cảnh báo.

2. Xuất huyết dưới kết mạc là dấu hiệu của bệnh gì?

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết đau mắt đỏ chảy máu (hiện tượng đau mắt đỏ có tiết dịch hồng) là triệu chứng của viêm kết mạc cấp. Đây là tình trạng ở giai đoạn nặng của bệnh đau mắt đỏ.

Trường hợp viêm kết mạc cấp tính kèm theo xuất huyết nhiều và thoát dịch cùng với hiện tượng vỡ mạch máu nhỏ tạo nên dịch có màu hồng; thường mọi người gọi là đau mắt đỏ chảy máu. Nếu nặng, sẽ có hiện tượng chảy máu mắt nhiều.

3. Nguyên nhân đau mắt đỏ chảy máu?

Nguyên nhân của tình trạng đau mắt đỏ chảy máu thường khá đa dạng. Để xác định được đúng bệnh và có phương án điều trị chính xác, người bệnh cần được thăm khám. Tuy nhiên, đau mắt đỏ chảy máu thường do một số nguyên nhân dưới đây:

- Do chấn thương ở vùng mắt

- Do người bệnh mắc phải bệnh lý về rối loạn đông máu bẩm sinh

- Người bệnh gặp tai nạn trong quá trình lặn biển hoặc do tăng áp đột ngột của đường thở

- Đau mắt đỏ chảy máu đôi khi còn do chấn thương ở vùng đầu mặt ảnh hưởng

- Do ho mạnh và ho kéo dài

- Do bệnh tăng huyết áp gây nên

- Do viêm kết mạc nặng

- Cơ địa thiếu vitamin C, thiếu vitamin K và thiếu yếu tô đông máu XIII

>> Làm cách nào để nhận biết bạn có bị thiếu vitamin hay không?

- Có thể do bệnh nhân dùng các loại thuốc chống đông máu

- Do sự gia tăng áp lực của hệ thống tĩnh mạch vùng đầu mắt, ví dụ như dùng hơi gắng sức cho việc nôn ói, phụ nữ sinh đẻ, do mang vác nặng, hắt hơi liên tục, ho kéo dài….

- Nhiễm xoắn khuẩn Leptospira cũng gây đau mắt đỏ chảy máu

Đau mắt đỏ chảy máu có nguy hiểm không? - Ảnh 2.

Nguyên nhân của tình trạng đau mắt đỏ chảy máu thường khá đa dạng - Ảnh: commons.wikimedia

4. Xử trí khi đau mắt đỏ chảy máu

Đau mắt đỏ chảy máu thường khá lành tính nên có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị, trừ khi việc xuất huyết là do chấn thương hoặc viêm nặng. Tốt nhất, khi phát hiện tình trạng xuất huyết kết mạc, người bệnh phải thực hiện tốt vệ sinh mắt; tuyệt đối không dụi mắt; có thể chườm mát để làm dịu khó chịu.

Thông thường, chỉ cần tối đa 2 tuần, xuất huyết sẽ thu nhỏ và biến mất. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đau mắt đỏ đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu thì nên đến bác sĩ nhãn khoa để được điều trị và xử trí hợp lí.

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng nước mắt nhân tạo nhiều lần mỗi ngày nếu cảm thấy bị kích ứng mắt. Ngoài ra, bác sĩ nhãn khoa cũng sẽ khuyến cáo người bệnh nên tránh dùng các loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu; chẳng hạn như aspirin hoặc warfarin.

>> Những ai không nên dùng Aspirin và các lưu ý khi sử dụng?

Đau mắt đỏ chảy máu có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Đau mắt đỏ chảy máu thường khá lành tính nên có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị - Ảnh: Plusvitality

Và nếu đau mắt đỏ chảy máu không thuyên giảm sau 14 ngày; vùng xuất huyết lan rộng hơn ở cả 2 bên mắt; xuất huyết kết mạc đi kèm với xuất huyết ở một số cơ quan khác như chảy máu mũi, chảy máu chân răng; xuất huyết kèm triệu chứng giảm thị lực, hoa mắt, khó nhìn thì cần đi khám ngay lập tức ở cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, người có tiền sử mắc các bệnh khác như cao huyết áp, có các chấn thương ở vùng đầu, mắc các bệnh có nguy cơ xuất huyết thì nên đi khám ngay khi phát hiện bệnh.

Nguồn dịch:

1. https://www.healthline.com/health/subconjunctival-hemorrhage#treatment

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/subconjunctival-hemorrhage/symptoms-causes/syc-20353826


Tác giả: Tiểu Quyên (Tổng hợp)