Từ trước tới nay, mọi người thường có suy nghĩ mặc định rằng "bệnh đau lưng chỉ là bệnh của người già" và chính vì suy nghĩ coi thường bệnh, thiếu hiểu biết đó khiến tình trạng đau lưng ngày càng phổ biến đặc biệt là ở những người trẻ tuổi thường làm việc văn phòng...
Tình trạng đau lưng xảy ra ở những người trẻ tuổi phần lớn là do ngồi quá lâu do đặc thù công việc, ngồi sai tư thế, tập thể thao quá sức, do tai nạn làm tổn thương cột sống…
Vì còn trẻ tuổi, hơn nữa bệnh đau lưng ở giai đoạn đầu nó tự đến rồi sẽ tự đi trong khoảng vài ngày, do đó họ có thói quen chủ quan, coi thường, bỏ qua bệnh. Và tình trạng đó để lâu, bệnh tái phát nhiều lần sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính khó khăn hơn trong việc điều trị dứt điểm.
Hiện nay, độ tuổi mắc đau lưng ngày càng trẻ hóa, đây là thực trạng đáng báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Anh thì một trong những tác nhân đẩy người trẻ tuổi đến gần hơn với các cơn đau dai dẳng ở lưng là do thói quen ngồi nhiều.
So với người trong độ tuổi về hưu thì người trẻ tuổi cũng đang phải chịu đựng những cơn đau tương tự. Theo một số nghiên cứu có 34% người trong độ tuổi từ 16-24 mắc chứng đau lưng, trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh này ở người trên 65 tuổi là 38%. Việc tiêu tốn quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình ti-vi hoặc máy tính khiến cơ bắp của chúng ta yếu đi và lâu dần sẽ dẫn tới đau lưng. Hơn nữa, việc duy trì lối sống ít vận động, không tập thể thao, cũng góp phần tạo điều kiện cho chứng bệnh này phát triển mạnh.
Lười vận động trong thời gian dài sẽ khiến cho các cơ thành bụng, cơ đùi không còn săn chắc nữa, các bắp thịt hai bên cột sống cũng yếu đi. Điều này khiến cho tình trạng đau lưng dễ xảy ra khi vận động, đứng ngồi. Tình trạng đau lưng do lười vận động thường xảy ra khá phổ biến ở một bộ phận người trẻ. Đau lưng do lười vận động có thể được cải thiện bằng các bài tập. Tuy nhiên nếu đau kéo dài có thể dẫn đến những bệnh lý khác ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Khi cân nặng dư thừa sẽ khiến cho vùng lưng phải chịu thêm một gánh nặng không mong muốn. Nhất là những người có vòng bụng lớn, khiến lưng phải chịu lực nhiều để giữ cơ thể đứng thẳng. Ở một số thanh thiếu niên, chế độ tiêu thụ các thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, thức ăn vặt có thể dẫn đến tình trạng béo phì. Không chỉ ảnh hưởng đến cột sống gây đau lưng, béo phì còn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý không mong muốn.
Lao động, chơi thể thao… đều có thể làm tổn thương cột sống, làm cho cột sống già sớm. Đã có trường hợp vừa khuân vật nặng lên là nghe sống lưng kêu "cụp" một tiếng, tiếp theo đó là cơn đau kéo dài. Hoặc, chỉ đơn giản là vói tay đập banh cũng bị đau bất thình lình. Cũng có lúc không cần vác vật quá nặng, nhưng nâng vật không đúng cách (khom lưng nâng vật nặng lên) cũng gây đau lưng.
Có nhiều trường hợp cơn đau không xuất hiện ngay lúc nâng vật mà vài giờ sau, qua một đêm hoặc thậm chí vài ngày sau mới xuất hiện. Nhiều người tham công tiếc việc, khi cơ thể chớm đau vẫn cố làm việc, đến khi không đứng dậy nổi thì việc chữa trị sẽ phức tạp hơn. Thực tế cho thấy, không chỉ lao động tay chân, mang vác nặng mà việc ngồi nhiều, lâu, không đúng tư thế cũng làm cơ lưng bị "quá tải".
Lao động, chơi thể thao… đều có thể làm tổn thương cột sống, làm cho cột sống già sớm
Chơi thể thao: Những người chơi thể thao thường rơi vào một trong hai hội chứng:
+Hội chứng thể thao cuối tuần: Do bận rộn phải tranh thủ thời gian nên ra sân là lao vào thi đấu luôn khiến dễ bị chấn thương.
+Hội chứng "chiến binh" ngày cuối tuần: Dồn sức chơi thể thao trong hai ngày cuối tuần với cường độ lớn gây quá tải cho cơ thể, dễ dẫn đến chấn thương không chỉ lưng mà còn các khớp và bộ phận khác.
Ngoài ra việc sử dụng áo ngực quá chật hay đi giày cao gót thường xuyên cũng chính là thủ phạm góp phần làm cột sống của chúng ta " già" đi và xuất hiện những cơn đau lưng không mong muốn.
Khi có các biểu hiện đau nhức vùng lưng, cơn đau âm ỉ kéo dài trong vài ngày bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được tư vấn và khám chữa bệnh. Phát hiện bệnh càng sớm càng có cơ hội điều trị dứt điểm.
Bệnh đau lưng để lâu không điều trị và phát hiện sớm có thể gây ra những hậu quả như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống…tuy không nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng sẽ "nguy hiểm" đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Khi bệnh trở nặng có thể gây ra tình trạng liệt vĩnh viễn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề vận động, đi lại của người bệnh.
Để cột sống dẻo dai, không bị đau, bạn cần thường xuyên và cẩn trọng thực hiện toàn bộ tổ hợp chuyển động của nó gập người từ bên này sang bên kia, xoay người, di chuyển về trước, ra sau. Nhờ đó, việc lưng bị tê cứng và dễ mắc chấn thương sẽ được ngăn chặn kịp thời. Sau đây là một số bước bạn có thể áp dụng để đối phó với chứng đau lưng:
Hoạt động thường xuyên để các cơ bắp được dẻo dai, chắc khỏe
+ Tránh tình trạng ngồi lâu một chỗ, ngồi sai tư thế
+ Tránh làm việc quá sức, nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần
+ Tập thể dục thể thao hàng ngày
+ Không hút thuốc
+ Chế độ ăn uống, cân bằng dinh dưỡng hợp lý, tránh béo phì thừa cân, chú ý các món ăn giàu canxi để tốt cho xương
+ Đi lại cẩn thận, tránh tai nạn gây tổn thương cột sống...
Nếu bạn vẫn đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời với rất nhiều ước mơ, hoài bão phía trước thì đừng để chứng bệnh đau lưng có cơ hội "tấn công", gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự nghiệp của mình! Hãy biết cách bảo vệ sức khỏe đúng cách bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.