Đau lưng khi mang thai: Nguyên nhân và các phương pháp giảm đau lưng cho mẹ bầu

Đau lưng khi mang thai: Nguyên nhân và các phương pháp giảm đau lưng cho mẹ bầu
Trong quá trình mang thai, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi của cơ thể. Trong đó, đau lưng khi mang thai là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai, gây nhiều khó chịu và bất tiện cho cuộc sống.

1. Tổng quan về đau lưng khi mang thai

Các thống kê cho thấy rằng, có đến trên 50% phụ nữ mang thai than phiền về tình trạng đau lưng mới xuất hiện khi mang thai hoặc đau lưng nặng hơn so với trước khi mang thai.

Đau lưng khi mang thai chủ yếu xảy ra ở các tháng cuối của thai kỳ, chủ yếu là từ tháng thứ 6 mang thai trở đi và hay gặp nhất ở vùng cột sống thắt lưng.

Trong hầu hết các trường hợp, đau lưng khi mang thai là một đáp ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể với các thay đổi trong thai kỳ và thường sẽ tự thoái lui sau khi bà mẹ chuyển dạ. Do đó, thông thường thì đau lưng khi mang thai thường không phải là một vấn đề quá nguy hiểm.

Tuy nhiên, đau lưng khi mang thai lại thường xuyên gây cảm giác khó chịu cho người phụ nữ, và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như các sinh hoạt hằng ngày.

Đau lưng khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 1.

Đau lưng là vấn đề rất thường gặp phải trong thai kỳ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm

Mang thai không nghén có sao không? Vì sao bị nghén khi mang thai? 

Mang thai không nghén có sao không? Vì sao bị nghén khi mang thai? 

2. Nguyên nhân gây đau lưng khi mang thai

Nhìn chung, các nguyên nhân gây đau lưng khi mang thai đều chủ yếu là các thay đổi của cơ thể người phụ nữ trong thai kỳ, bao gồm:

- Tăng cân: Tăng cân là một điều rất bình thường trong thai kỳ để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho thai nhi, thai phụ có thể tăng đến hơn 10kg khi mang thai. Nhưng, tăng cân nhanh chóng khiến cột sống của thai phụ phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều so với trước khi mang thai, các mạch máu và thần kinh bị đè ép nên dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai.

- Tư thế cột sống bất thường: Khi mang thai, buồng tử cung tăng lên cả về kích thước và khối lượng làm thay đổi trọng tâm của cơ thể. Vì vậy, cơ thể của người phụ nữ cần phải điều chỉnh hình dạng của cột sống để thích ứng với sự thay đổi này, chính vì vậy tạo nên tư thế cột sống bất thường. Tư thế bất thường của cột sống kéo dài dẫn đến hậu quả là đau lưng khi mang thai xảy ra.

- Suy yếu các cơ của thành bụng: Các cơ của thành bụng, đặc biệt là cơ thẳng bụng sẽ bị giãn ra khi mang thai do sự lớn lên của buồng tử cung. Chính vì thế, khả năng hỗ trợ nâng đỡ cột sống của các cơ này bị suy giảm nghiêm trọng, áp lực của cơ thể chủ yếu dồn lên cột sống, các cơ, dây chằng cột sống,... khiến đau lưng khi mang thai dễ dàng xảy ra.

- Do thay đổi nội tiết: Khi mang thai, hormone relaxin được tạo nên gấp 10 lần bình thường, đặc biệt tăng rất nhanh ở các tháng cuối của thai kỳ. Nó giúp các dây chằng trở nên lỏng lẻo hơn, nhằm giúp khớp mu có thể giãn ra khi chuyển dạ để chuyển dạ thuận lợi hơn. Nhưng đồng thời với đó, nó cũng khiến các dây chằng vùng cột sống trở nên lỏng lẻo hơn, vì thế khiến cột sống chịu lực kém hơn và dễ bị đau lưng hơn.

- Stress: Tâm lý căng thẳng, stress rất dễ gặp phải ở phụ nữ mang thai. Sự căng thẳng tâm lý có thể khiến các cơ vùng cột sống tăng co thắt và đau lưng khi mang thai tăng lên đáng kể.

* Ai dễ bị mắc đau lưng khi mang thai

Theo lý thuyết, bất kỳ phụ nữ mang thai nào đều có nguy cơ mắc phải đau lưng khi mang thai bởi các nguyên nhân gây đau lưng khi mang thai đều tồn tại ở tất cả các thai phụ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các yếu tố như tuổi, chiều cao, cân nặng trước khi mang thai, cân nặng thai nhi, chủng tộc,... đều không có mối liên quan cụ thể và đủ chắc chắn đối với tình trạng đau lưng khi mang thai.

Nhưng dường như, đau lưng khi mang thai sẽ dễ dàng xuất hiện hơn ở những phụ nữ đã có tiền sử đau lưng trước đó, nhất là những trường hợp mà đau lưng tái phát nhiều lần.

3. Phân loại đau lưng khi mang thai

Người ta thường phân loại đau lưng khi mang theo theo khu vực mà đau lưng xuất hiện, gồm có ba loại chủ yếu là:

- Đau ngang vùng thắt lưng: Thai phụ chỉ đau ở ngang vùng thắt lưng, đôi khi tình trạng đau có thể lan xuống hai chi dưới.

- Đau ngang vùng khớp thắt lưng cùng: Đây là thể đau lưng khi mang thai thường gặp nhất trên thực tế, tần suất xuất hiện của nó phổ biến gấp 4 lần so với trường hợp đau ngang vùng thắt lưng. Đau lưng cũng có thể lan xuống hai chi dưới trong một số trường hợp.

- Đau lưng về đêm: Đây là dạng đau lưng khi mang thai khá đặc biệt, thai phụ thường chỉ đau lưng về đêm hoặc khi nằm xuống.

Đọc thêm: 

Đau lưng khi mang thai có nguy hiểm cho thai nhi không?

4. Cách giảm đau lưng khi mang thai

Như đã nói, đau lưng khi mang thai gây nên nhiều khó chịu và bất tiện cho sinh hoạt của thai phụ. Vì vậy các phương pháp làm giảm đau lưng khi mang thai trở thành vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Một số phương pháp giảm đau lưng khi mang thai hiệu quả:

- Chườm nóng, chườm lạnh: Chườm nóng, chườm lạnh được xem là cách giảm đau lưng đơn giản mà rất hiệu quả cho phụ nữ mang thai. Dưới tác dụng của nhiệt nóng hoặc lạnh, cảm giác đau lưng sẽ giảm đi một cách đáng kể và nhanh chóng. 

Đặc biệt, đây là phương pháp thân thiện với thai phụ và sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào nếu được áp dụng đúng cách.

- Tập thể dục: Luyện tập thể chất tích cực giúp tăng cường sức khỏe của thai phụ, tăng vận động của các cơ và dây chằng từ đó giúp cải thiện sức mạnh của cơ bắp và mức độ dẻo dai của cột sống. Do đó, thai phụ nên lựa chọn và tích cực luyện tập các bài tập như đi bộ, bơi lội,... để giảm đau lưng khi mang thai.

Đau lưng khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 2.

Luyện tập thể dục hợp lý là cách giảm đau lưng rất hiệu quả (Ảnh: Internet)

- Giữ tư thế thích hợp: Trong các hoạt động sinh hoạt và làm việc hằng ngày, thai phụ cần cố gắng cải thiện tư thế của cột sống để làm giảm đau lưng khi mang thai. 

Chẳng hạn như nằm nghiêng khi ngủ với hai gối co lại, kê một chiếc gối nhỏ hoặc khăn cuộn sau thắt lưng khi ngồi để duy trì đường cong sinh lý của cột sống, đeo đai hỗ trợ cột sống,...

- Châm cứu: Châm cứu là một phương pháp điều trị theo y học cổ truyền phương đông có khả năng giảm đau lưng khi mang thai rất hiệu quả. Tuy nhiên, đây là phương pháp yêu cầu chuyên môn cao để có thể thực hiện, do đó thai phụ cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa y học cổ truyền để thực hiện châm cứu an toàn và hiệu quả.

- Sử dụng thuốc: Trong trường hợp cần thiết, thuốc giảm đau có thể được cho sử dụng thuốc để làm giảm đau lưng khi mang thai. Paracetamol là thuốc giảm đau đã được chứng minh rằng an toàn để sử dụng cho phụ nữ mang thai. Các thuốc kháng viêm không Steroid bị chống chỉ định do liên quan đến các nguy cơ thiểu ối.

- Một số phương pháp giảm đau lưng khi mang thai khác: Ngoài các biện pháp giảm đau lưng khi mang thai như đã kể trên, thai phụ còn cần lưu ý một số điều như không ngồi xổm để tránh gia tăng áp lực lên cột sống, tránh sử dụng giày cao gót mà thay vào đó hãy sử dụng các loại giày đế bệt,...

5. Đau lưng khi mang thai cần gặp bác sĩ khi nào?

Mặc dù trong hầu hết các trường hợp đau lưng khi mang thai không phải là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng điều này không có nghĩa là các thai phụ có thể chủ quan với đau lưng khi mang thai. Ngược lại, các thai phụ cần hết sức chú ý các biểu hiện của cơ thể để có thể phát hiện kịp thời những dấu hiệu nặng và đến gặp bác sĩ kịp thời nhằm chẩn đoán và điều trị sớm bằng đúng phương pháp.

Những dấu hiệu đi kèm đau lưng cảnh báo thai phụ nên đến gặp bác sĩ bao gồm:

- Đau lưng xuất hiện đột ngột và dữ dội

- Đau tăng dần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

- Đau lưng kèm theo các cơn chuột rút, tê bì chi dưới, hoặc kèm theo với bí tiểu.

- Đau lưng kèm theo có sốt hoặc ra máu âm đạo

Trên đây là những giới thiệu sơ lược về đau lưng khi mang thai, nguyên nhân và cách khắc phục,... mà thai phụ cần biết. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu có các thắc mắc liên quan đến tình trạng này để nhận được sự tư vấn đầy đủ và chi tiết nhất.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.medscape.com/viewarticle/719230_1

2. https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/back-pain/

3. https://www.webmd.com/baby/guide/back-pain-in-pregnancy#1


Tác giả: QN