Đâu là chất liệu tốt nhất cho một chiếc khẩu trang tự chế?

Đâu là chất liệu tốt nhất cho một chiếc khẩu trang tự chế?
Ngoài khẩu trang y tế thì khẩu trang vải cũng là một trong những lựa chọn giúp ngăn chặn tiếp xúc với giọt bắn từ người đối diện hiệu quả trong phòng chống COVID-19. Quan trọng hơn nữa, đây là khẩu trang tái sử dụng được.

Đeo khẩu trang đúng cách là một trong những khuyến cáo quan trọng để phòng ngừa COVID-19 hiệu quả. WHO cũng đã đưa ra một danh sách những đề xuất liên quan tới các loại khẩu trang phù hợp nhất để đeo trong nhiều hoàn cảnh khác nhau (bạn có thể xem thêm TẠI ĐÂY). Trong đó có khẩu trang tái sử dụng, khẩu trang tự chế (tự may).

Có nhiều nghiên cứu về việc liệu khẩu trang vải tái sử dụng có thể giúp làm chậm sự lây lan của virus COVID-19 hay không đã dẫn tới nhiều phát hiện cho kết quả trái ngược nhau.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy khẩu trang tái sử dụng làm bằng cotton có thể không cho hiệu quả cao trong việc lọc những giọt bắn có chứa virus COVID-19.

Các nhà khoa học đã đặt ra một câu hỏi, rằng: "Liệu những chất liệu khác hay những sự kết hợp giữa nhiều chất liệu khác nhau có thể tăng hiệu quả của khẩu trang tự chế hay không?". Và, kết quả mghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Chiacago và Phòng thí nghiệm Argonne National tại Illinois trên tạp chí ACS Nano cho thấy một số sự kết hợp chất liệu vải nhất định có thể tiến tới việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới hiệu quả.

Đâu là chất liệu tốt nhất cho một chiếc khẩu trang tự chế? - Ảnh 2.

Một số khuyến nghị về đeo khẩu trang của CDC (Ảnh: CDC)

1. Một chiếc khẩu trang phù hợp rất quan trọng

Trong nghiên cứu của mình, nhóm các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên nhiều mẫu chất liệu khác nhau như voan, cotton, vải flannel (một loại vải dệt bằng sợi len có can thiệp đánh bông làm mịn), lụa, spandex (một loại sợi nhân tạo có tên gọi khác là Lycra hoặc Elastane có độ đàn hồi cao), satin, plyester.

Những chất liệu này được tiến hành thử nghiệm riêng lẻ và kết hợp với nhau.

Các nhà khoa học đã kiểm tra xem rằng, khẩu trang đó có thể lọc được các hạt sol (Aerosol) khí hay không. Giải thích về điều này, họ cho biết, virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng phát tán trong không khí không chỉ thông qua những giọt bắn nhỏ xuất phát từ các cơn ho hay hắt xì mà còn có thể xuất phát từ các hạt sol khó lan truyền khi con người hít thở - khó bắt gặp hơn nhiều.

Nhóm nghiên cứu đã "thổi" những hạt có đường kính từ 10 nano-mét đến 6 micromet trên các mẫu vải khác nhau với tốc độ chuyển động không khí tương tự với tốc độ hơi thở của một người trong trạng thái nghỉ ngơi.

Và...Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng:

Một miêng vải bông được dệt với mật độ khoảng 600 sợi/inch kết hợp với hai tấm voan được làm từ polyester và spandex dường như tạo ra sự kết hợp đem lại hiệu quả nhất, có thể lọc ra khoảng 80% - 90% các hạt được thổi vào, tùy thuộc vào tính chất hạt và kích thước hạt.

Nhóm nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng, hiệu suất của sự kết hợp này có thể được so sánh với khẩu trang N95 mà những chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang sử dụng.

Những sự kết hợp chất liệu khác cũng cho kết quả tốt, theo các nhà nghiên cứu là sợi bông được dệt với kết cấu đặc, chặt chẽ kết hợp với lụa tự nhiên hay vải flannel và cotton-polyester.

Đâu là chất liệu tốt nhất cho một chiếc khẩu trang tự chế? - Ảnh 4.

Khẩu trang được làm từ các sợi vải với mật độ dày có hiệu suất lọc giọt bắn tốt hơn (Ảnh: Internet)

Nói cách khác, giải thích cho hiệu quả tốt như vậy là do kết cấu tấm vải với kiểu dệt chặt chẽ và tĩnh điện (cơ học + tĩnh điện). Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng, để những chiếc khẩu trang này thực sự đem lại hiệu quả thì cần phải thật vừa vặn với gương mặt của người đeo.

Các nhà khoa học viết trên báo cáo rằng. "Ảnh hưởng của khoảng trống giữa đường viền của khuôn mặt và khẩu trang nếu không vừa vặn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, dù bạn đeo bất cứ một loại khẩu trang nào". Abhiteja Konda và cộng sự của mình cho biết, "Nghiên cứu này của họ đã chỉ ra rằng nếu như đeo một chiếc khẩu trang không vừa mặt sẽ làm giảm hiệu quả phòng dịch khoảng 50% (và lớn hơn).

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nghiên cứu khác trong tương lai cũng nên chú ý tới những yếu tố có thể tạo ra tác động đối với hiệu quả của khẩu trang khác chẳng hạn như độ ẩm hay việc sử dụng khẩu trang tái sử dụng, khẩu trang tự chế,...

2. Bạn có thể tìm thấy các chất liệu cho khẩu trang có thể tái sử dụng ở đâu?

“Khẩu trang có thể đóng vai trò như một rào cản vật lý đối với những cơn ho hoặc hắt hơi của một người. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khả năng lây nhiễm của một người không có triệu chứng thực sự như thế nào hoặc cơ chế lây lan là gì, chẳng hạn như hít thở so với dùng chung đồ dùng,” Amesh Adalja, MD, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins, nói với Health.

Tiến sĩ Adajia cũng nói thêm, sử dụng khẩu trang vải có thể tái sử dụng cũng là một trong những biện pháp tránh tạo ra vấn đề về nguồn cung cho các nhân viên y tế, bệnh viện.

CDC gợi ý bạn có thể tự làm khẩu trang cho riêng mình. Miễn đó là một tấm vải sạch, có kết cấu chặt chẽ giống như vải chần bông,... Theo như nghiên cứu bên trên thì mật độ vải dày hơn sẽ hoạt động tốt hơn so với những chiếc khẩu trang vải có kết cấu sợi lỏng lẻo.

Vậy làm sao để có thử tự kiểm tra điều này ở nhà?

Tiến sĩ Scott Segal, trưởng khoa gây mê tại Wake Forest Baptist Health ở Winston-Salem, North Carolina, hợp tác với Viện Y học Tái sinh Wake Forest khuyên rằng, bạn có thể thử đem ra "soi" ở nơi có ánh sáng mặt trời. Nếu như bạn quan sát thấy dễ dàng có ánh sáng chiếu qua thì hiệu quả lọc có thể không tốt.

Đâu là chất liệu tốt nhất cho một chiếc khẩu trang tự chế? - Ảnh 5.

Nếu như bạn quan sát thấy dễ dàng có ánh sáng chiếu qua khẩu trang thì hiệu quả lọc có thể không tốt (Ảnh: Internet)

Còn trong trường hợp ánh sáng khó lọc qua hơn thì khẩu trang có thể hoạt động ngăn chặn các giọt bắn tốt hơn.

Và ngoài ra, đừng quên rằng, khẩu trang hai lớp hoạt động sẽ tốt hơn khẩu trang một lớp. Bạn có thể tự thêm một lớp vải flannel ở bên trong.

Bên cạnh đó, hãy kiểm tra khả năng hít thở khi đeo khẩu trang. Nếu như bạn cảm thấy mình không hít thở được thoải mái khi đeo trong vòng vài phút thì điều đó có nghĩa là chiếc khẩu trang đó chưa hẳn là một chiếc khẩu trang tốt, kể cả nó cho thấy hiệu quả lọc tốt đến cỡ nào.

3. Việc làm sạch đối với khẩu trang tự chế cần lưu ý gì?

Cũng giống như khuyến cáo đối với các loại khẩu trang vải thì khẩu trang tự chế cũng cần vệ sinh làm sạch để bảo vệ sức khỏe cho cả bản thân và người khác. Vì thế mà việc Đeo khẩu trang đúng cách như thế nào cũng rất quan trọng.

Bạn cần chắc chắn rằng phải giặt sạch sau mỗi lần sử dụng. Nếu không, chẳng khác gì việc bạn tự khiến bạn thân có nguy cơ bị nhiễm trùng hay các bệnh khác chỉ vì không vệ sinh sạch sẽ.

Theo CDC các bước khi bạn trở về nhà và tháo bỏ khẩu trang bao gồm:

- Lấy tay tháo từ từ dây buộc phóa sau đầu hoặc kéo căng quai khẩu trang mắc vào tai thành vòng để tháo ra

- Sau đó gấp các góc bên ngoài khẩu trang lại

- Đem khẩu trang giặt sạch. Chú ý không được để bề ngoài của khẩu trang chạm vào mắt, mũi và miệng. Đồng thời rửa tay ngay sau khi tháo bỏ khẩu trang.

Nguồn dịch:

1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/what-material-is-best-for-homemade-masks#How-well-the-mask-fits-is-also-crucial

2. https://www.health.com/condition/infectious-diseases/coronavirus/best-material-for-reusable-face-mask

3. https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/how-to-wear-cloth-face-coverings.html


Tác giả: Kim Phụng