Dấu hiệu và cách phân biệt bệnh viêm họng mãn tính

Dấu hiệu và cách phân biệt bệnh viêm họng mãn tính
Bệnh viêm họng mãn tính rất dễ tái phát, chúng khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy dấu hiệu, cách phân biệt và phòng tránh bệnh như thế nào?

Viêm họng mãn tính là viêm mạn tính niêm mạc họng rất hay gặp. Người bệnh thường cảm thấy khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là khi ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt, ho nhiều vào ban đêm hay khi lạnh. 

Khi uống rượu, hút thuốc lá nhiều, nói nhiều, triệu chứng trên càng trở nên rõ rệt. Thường các viêm họng mạn tính sẽ lần lượt qua các giai đoạn xuất tiết, quá phát và teo nếu để kéo dài không điều trị.

1. Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính

Bệnh viêm họng mãn tính do rất nhiều nguyên nhân gây ra:

Cơ địa: Bệnh thường xảy ra ở những người có niêm mạc họng yếu ớt về chức năng.

Môi trường: Là những nguyên nhân ngoại lai rất quan trọng, như:

– Bụi, khói, hóa chất, hơi nóng (ô nhiễm không khí ở các thành phố công nghiệp, trong các nhà máy, lò sát sinh, bếp ăn…).

– Những khác biệt liên tục và lớn về nhiệt độ, ẩm độ trong không khí (gây ra bởi máy điều hòa nhiệt độ…).

Thói quen: Hút thuốc lá, uống rượu quá độ, thường làm việc trong những môi trường kín, nhiều khói thuốc…

Những bệnh gây nghẹt mũi như dị ứng mũi xoang, viêm xoang, lạm dụng thuốc nhỏ mũi, những bệnh tích dạng khối u chiếm chỗ trong vòm mũi họng, trong mũi như sùi vòm họng, sự tồn tại của túi Thornwald, đuôi cuốn mũi dưới quá phát, polyp mũi buộc bệnh nhân phải thở bằng miệng đều dễ dàng gây viêm họng mạn. Viêm họng mạn cũng là hậu quả của bệnh viêm xoang mủ mạn tính, do mủ từ trong xoang liên tục chảy xuống họng từ cửa mũi sau.

Các răng sâu là những ổ nhiễm trùng thường trực cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Những nguyên nhân khác bao gồm rối loạn nội tiết (tình trạng mãn kinh, nhược giáp), thiếu vitamin A, những rối loạn toàn thân (suy thận, tim, tiểu đường, suy hô hấp, viêm phế quản mạn tính), cơ thể suy nhược do những bệnh mạn tính khác.

2. Dấu hiệu và cách phân biệt viêm họng mãn tính

Viêm họng mạn tính biểu hiện dưới ba dạng chính: Viêm họng xuất tiết, viêm họng mãn tính quá phát hay viêm họng hạt và viêm họng mạn tính thể teo. Gọi là viêm họng mạn tính để phân biệt với các dạng viêm họng mạn tính khu trú trên vài phần của họng như viêm amiđan, VA. Trẻ em, thanh niên, người trung niên thường bị dạng xuất tiết hay dạng hạt, còn người cao tuổi thường bị dạng teo.

Những triệu chứng mà bệnh nhân than phiền đều tương tự nhau trong các thể bệnh. Bệnh nhân thường có cảm giác vướng, nghẹn như có khối lạ trong họng, phải khạc nhổ liên tục; Ho từng cơn, đàm nhớt đặc quánh; Họng bị khô, đau họng hay nuốt đau. Các triệu chứng này rất rõ rệt vào buổi sáng, lúc mới thức dậy. Bệnh diễn biến từng đợt, không kèm theo những rối loạn toàn thân hay sốt nếu không bị bội nhiễm bởi vi trùng hay siêu vi.

Trong bệnh viêm họng hạt, cảm giác vướng họng là nổi bật, có khi bệnh nhân đi khám bệnh vì tưởng rằng mình bị hóc xương. Cảm giác này gây buồn nôn, làm bệnh nhân dễ dàng nôn mửa với những kích thích nhẹ như chải răng vào buổi sáng, thậm chí có khi chỉ yêu cầu há miệng to cũng khiến bệnh nhân bị ói.

Với thể teo, cảm giác khô trong họng làm bệnh nhân khó chịu nhất, phải khạc nhổ liên tục với đàm nhớt đặc quánh, thậm chí có cả những vảy mủ khô. Ðộng tác khạc nhổ làm tổn thương niêm mạc họng – vốn đã mong manh – gây chảy máu. Chính những vệt máu trong đàm này đã làm nhiều bệnh nhân sợ bị lao phổi hay ung thư.

Dù bệnh không nguy hiểm nhưng việc khịt mũi, khạc nhổ, ho khan liên tục sẽ làm bệnh nhân bựïc mình, cáu gắt, lo lắng, giảm năng suất làm việc, nhất là khi bị mất ngủ vì cảm giác ngộp thở về đêm.

Khi khám họng, trong thể viêm họng mãn tính xuất tiết, niêm mạc thành sau họng đỏ, nhiều tiết nhầy, lổn nhổn những hạt nhỏ, đó là những nang lympho ở thành họng bắt đầu to ra. Trong thể viêm họng hạt, niêm mạc thành sau họng dày lên và sần sùi, trên đó có những hạt to nổi lên riêng rẽ hay từng khúm. Các hạt này có màu từ đỏ tươi đến đỏ xám.

Ðặc biệt, xung quanh hạt có những tĩnh mạch tân sinh giãn rộng. Các hạt này thường được bao phủ bởi một lớp tiết nhầy đặc quánh, trong suốt hay đục lờ. Trong những đợt viêm cấp, có thể có những đốm mủ màu trắng hay vàng bẩn bám trên các hạt. Nặng hơn, các nang lympho quá phát thành những dải sùi, đỏ, chạy dọc theo hai trụ sau của amiđan, còn gọi là các trụ giả. Các trụ giả này là nguyên nhân chính gây ngứa và vướng trong họng, kích thích bệnh nhân khạc nhổ và ho khan.

Còn ở thể teo, niêm mạc họng và các nang lympho bị xơ hóa, hạt và nẹp biến mất. Niêm mạc họng thoái hóa mỏng, màu trắng bệch. Tiết dịch ít và quánh. Trong thể nặng, niêm mạc họng như bị bao phủ bởi một lớp vảy khô.

3. Phòng bệnh viêm họng mãn tính

Để phòng tránh bệnh viêm họng mãn tính chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với những nguyên nhân gây bệnh như khói bụi, bia rượu và thuốc lá. Ngoài ra cần nâng cao sức đề kháng bằng cách bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất cho cơ thể.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để làm giảm nguy cơ mắc viêm họng. Bên cạnh đó cũng cần bảo vệ cổ họng khỏi những tác nhân gây bệnh bằng cách đeo khẩu trang và đồ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi. Khi ra đường cũng cần đeo khẩu trang bởi sự ô nhiễm trong không khí cũng có thể gây ra viêm họng.

Bên cạnh đó người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và có tổ chức phòng hộ lao động tốt, đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn.

Tác giả: Thanh Hoa