Tự kỷ là chứng rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ thường xuất hiện rất sớm ngay từ những ngày đầu đời của trẻ và có thể dẫn đến sự rối loạn khả năng giao tiếp và tương tác xã hội trong suốt cả đời.
Những trẻ nhỏ bị tự kỷ thường tự giao tiếp với chính mình, mất khả năng giao tiếp với những người khác thường có vấn đề về khả năng ngôn ngữ, khả năng suy luận và vui chơi.
Đây là một trong những dấu hiệu tự kỷ ở trẻ nhỏ phổ biến nhất. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn với giao tiếp phi ngôn từ như giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ... Tức là bé sẽ không thể giao tiếp bằng mắt, không có khả năng sử dụng và hiểu được biểu cảm nét mặt, cũng như có các ngôn ngữ cơ thể không phù hợp.
Nhiều cha mẹ cho biết dấu hiệu ban đầu họ nhận thấy là con không nhìn vào mắt họ khi nói chuyện. Mỗi trẻ phát triển ở một mức độ khác nhau, nhưng nếu bạn quan tâm đến kỹ năng giao tiếp của con mình, hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa.
Trẻ tự kỷ thường né tránh nhìn vào mắt người khác (Ảnh: Internet)
Các dấu hiệu của bệnh tự kỷ có khác nhau về mức độ nghiêm trọng, và việc chậm nói chính là dấu hiệu tự kỷ ở trẻ nhỏ rõ ràng nhất. Một số trẻ không nói gì cả, một số trẻ lại phát triển với tốc độ riêng của mình, vì vậy để có thể nhận ra, bạn nên so sánh thời gian con bắt đầu nói với những đứa trẻ cùng tuổi khác hoặc với chính anh chị em của bé.
Chậm nói là dấu hiệu tự kỷ ở trẻ nhỏ rõ nhất (Ảnh: Internet)
Khi con bạn không đạt được mốc phát triển nói bình thường, bạn nên đưa con tới bác sĩ để tìm ra nguyên nhân trước khi quá muộn vì bệnh tự kỷ nếu được phát hiện sớm thì càng có nhiều cơ hội và khả năng chữa trị.
Bộc lộ cảm xúc với những người thân yêu là một điều hết sức tự nhiên ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên những trẻ mắc chứng tự kỷ thường chống lại nỗ lực muốn nựng yêu hoặc ôm hôn của bạn. Với trẻ tự kỷ, những hành động như thế là quá mức và bé có thể không hiểu đó là cách bạn thể hiện tình yêu của mình.
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường kháng cự hành động thể hiện sự yêu thương của bạn (Ảnh: Internet)
Nếu con thỉnh thoảng không muốn ngồi trên đùi bạn vì bé đang bận để tâm đến những thứ khác thì bạn không cần quá bận tâm. Nhưng nếu bé có sự kháng cự, cự tuyệt với những hành động thể hiện tình cảm thì bạn mới nên lo lắng.
Một trong những dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ nổi bật là bé có các hành động và lời nói lặp đi lặp lại. Sự lặp đi lặp lại có thể là điều bình thường với một số trẻ, chẳng hạn như vỗ tay và nhắc lại những từ hoặc cụm từ nhiều lần, nhưng cũng có thể là tật ở những trẻ khác. Dù bé lặp đi lặp lại việc gì, con bạn nên được đánh giá để đưa ra một chẩn đoán chính xác.
Thực tế thì việc trẻ nhỏ tập trung vào các chi tiết là điều khá bình thường, nhưng trẻ em mắc chứng tự kỷ thường bị ám ảnh bởi một số khía cạnh nhất định của vấn đề nào đó. Ví dụ bé sẽ tập trung vào các bánh xe trên chiếc xe ô tô đồ chơi yêu thích, có thể xoay bánh xe nhiều lần theo cách không hẳn đang chơi với đồ chơi.
Trẻ em bản năng là tò mò và bị ám ảnh với những thứ nhất định ở hầu hết các giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, nếu nỗi ám ảnh đó có xu hướng vào các chi tiết chứ không phải là tổng thể, bạn nên mau chóng nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về tình trạng của con.
Một trong những dấu hiệu tự kỷ ở trẻ nhỏ là trẻ bị ám ảnh bởi một chi tiết nhỏ nào đó (Ảnh: Internet)
Đứa trẻ nào cũng có thói quen nào đó của riêng mình, nhưng với trẻ tự kỷ, việc bị gián đoạn thói quen khiến trẻ không thể xử lý được. Một khi sự gián đoạn xảy ra, trẻ có thể sẽ tức giận hoặc rút lui khỏi tình huống.
Tự kỷ cũng tạo ra các hành vi mang tính nghi thức. Bạn có thể nhận thấy con mình thực hiện cùng một nhiệm vụ trong nhiều lần hoặc muốn đồ chơi của mình được xếp theo một mô hình cụ thể nào đó, và sẽ trở nên rất khó chịu nếu bị phá hỏng.
Trẻ tự kỷ sẽ trở nên gắt gỏng, khó chịu khi thói quen nào đó bị gián đoạn (Ảnh: Internet)
Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ nhỏ điển hình là không có khả năng giao tiếp (Ảnh: Internet)
Việc thiếu kỹ năng trò chuyện thích hợp có thể là dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ mà bạn nên chú ý. Trên thực tế, trẻ sơ sinh cũng có những phản ứng "qua lại" như một cuộc trò chuyện, ngay cả khi bạn không thể hiểu bé đang nói gì. Tuy nhiên, trẻ mắc chứng tự kỷ lại không có kỹ năng này. Với một số trẻ, ban đầu vẫn có thể giao tiếp bình thường, nhưng khi bệnh phát triển, những kỹ năng đàm thoại sẽ biến mất.
Chính vì vậy, bất cứ lúc nào con bạn gặp khó khăn trong khả năng giao tiếp, bạn hãy nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ.