Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi, hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phổi đúng cách

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi, hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phổi đúng cách
Cha mẹ cần hết sức chú ý những biểu hiện của em bé như ho, bỏ bú, quấy khóc,... đây có thể là những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi. Trong những trường hợp này, chúng ta cần đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus. Chúng mắc kẹt và sinh sôi nảy nở trong phổi của chúng ta, tạo ra những ổ nhiễm trùng. Thông thường, viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường do các vi khuẩn Gram âm và các loại vi khuẩn khác như Listeria, Coli phát triển mạnh ở phía trong phổi của em bé.

Tình trạng viêm phổi ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện sớm để điều trị ngay từ đầu, sẽ gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí gây tử vong cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên tìm hiểu những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi để kịp thời xử lý khi con mắc bệnh.

1. Những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi

Những biểu hiện viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường không rõ ràng nên phụ huynh cần chú ý đến con thật kĩ càng. Tránh trường hợp nhiều trẻ được đưa đến các cơ sở y tế khi tình hình bệnh đã nặng. Sự chậm trễ này sẽ khiến các y, bác sĩ rất khó trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ. Thậm chí, đối với các trường hợp nghiêm trọng còn có thể khiến trẻ tử vong.

Những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi thường gặp như sau:

- Thở nhanh, thở rít: Trẻ thở nhanh liên tục và kéo dài, đôi khi phát ra những tiếng rin rít, ngay cả khi đang nằm yên và không hoạt động gắng sức.

Khi nhìn vào mũi, sẽ thấy cánh mũi con phập phồng, vừa thở vừa rên. Phần cơ liên sườn (đây là vị trí phần mềm giữa các xương sườn) bị co kéo, lõm lại khi trẻ hít vào.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi: Những dấu hiệu cần biết - Ảnh 1.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh không phải là bệnh hiếm gặp - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Những điều cần biết về viêm phổi ở trẻ: dấu hiệu, nguyên nhân, biến chứng và cách phòng tránh

Sai lầm trong điều trị viêm phổi ở trẻ nhỏ các bậc phụ huynh cần tránh

Lúc này cha mẹ hãy dùng đồng hồ có kim giây để đếm trong vòng 1 phút. Nếu thấy con thở nhanh trên 60 lần trên một phút, thì cần cho con tới cơ sở ý tế gần nhất ngay lập tức để được điều trị kịp thời. Trường hợp người nhà còn chần chừ, kéo dài thời gian thì trẻ có thể sẽ bị suy hô hấp, nhịp thở chậm lại dần dần rồi dẫn đến kiệt sức, cuối cùng là ngừng thở.

- Sốt: có thể sốt vừa đến sốt cao, tùy tình hình của trẻ.

- Ho: ho vừa đến nặng, thường là ho nặng. Bé có thể đưa tay lên chạm vào ngực hoặc quấy khóc do đau ngực trong lúc ho.

- Sau những cơn ho mạnh, bé có thể bị nôn.

- Bé có đờm gây nặng tiếng, chảy nước mũi nhiều và liên tục, gây tình trạng khò khè.

- Viền môi có dấu hiệu tím tái do khó thở nên bị thiếu oxy.

Tuy vậy, nhiều trẻ sơ sinh không có triệu chứng viêm phổi rõ ràng nên khi phát hiện ra thì bệnh đã nặng. Lúc này, những biến chứng do viêm phổi để lại rất nặng nề. Vì thế, người nhà cần chú ý từng hành động của trẻ hàng ngày. Nếu thân nhiệt của con tăng (sốt nhẹ, con bỏ bú, quấy khóc… là phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.

2. Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng những nguyên nhân chính thì có hai trường hợp sau:

2.1.Trẻ bị viêm phổi từ trước hoặc trong khi mẹ chuyển dạ

Nguyên nhân trực tiếp do những vi khuẩn có trong nước ối của người mẹ. Hoặc trong quá trình sinh nở, em bé đã vô tình hít phải nước ối hay phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ có vi khuẩn, vi trùng gây bệnh.

2.2. Trẻ bị viêm phổi sau khi được sinh ra

Viêm phổi sơ sinh thường xảy ra ở những trẻ đẻ non, thiếu cân.

Ở những em bé này, hệ tiêu hóa chưa hoạt động tốt như những mẹ đủ cân, khỏe mạnh. Con thường xuyên bị trào ngược dịch dạ dày do phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn.

Các bé thường hay bị nôn, trớ sau khi bú mẹ. Những trường hợp này nếu hít nhầm sữa vào khí quản, sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, tím tái mặt. Trẻ càng có nguy cơ bị viêm phổi khi lượng sữa hít vào càng nhiều.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi: Những dấu hiệu cần biết - Ảnh 2.

Một em bé không thể tự thở bình thường do viêm phổi - Ảnh: Internet

Một số trẻ sơ sinh bị bệnh do quá trình đỡ đẻ và hồi sức sau đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh không được thực hiện vô trùng, làm bé bị nhiễm khuẩn từ những dụng cụ và môi trường, người chăm sóc.

Ngoài ra, một số trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm dây rốn, viêm khoang miệng, viêm da,… đều rất dễ bị viêm phổi sơ sinh. Dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng, nhất là sau khi bé bị ho hoặc cúm. Vi khuẩn và virus sẽ dễ dàng xâm nhập và phá triển làm những túi phế nang chứa đầy những chất nhầy bị nhiễm khuẩn và mủ.

3. Điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Chúng ta cần kiên nhẫn thực hiện nhiều bước để điều trị những triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh.

- Trẻ sơ sinh bị viêm phổi cần được chụp X-quang, đưa đi xét nghiệm máu được chỉ định dùng thuốc kháng sinh kịp thời.

Lưu ý trong quá trình điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh:

Người thân không được tùy tiện cho trẻ uống kháng sinh tại nhà. Không cho trẻ uống thuốc ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân bởi trẻ có phản xạ ho để tống xuất các dịch trong họng, đờm ra, làm thông đường thở. Nếu uống thuốc để ngừng ho, sẽ khiến dịch đờm cứ đọng lại mãi, làm bé cứ tiếp tục bị khó thở.

- Thay vì cho con uống thuốc ho, chúng ta có thể vỗ lưng cho con để con ho đúng cách nhằm đào thải đờm, dịch ra ngoài.

Thực hiện bằng cách:

Người lớn hãy khum bàn tay lại, sau đó gập bàn tay ở phần cổ tay, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ rồi đặt nhẹ lên lưng trẻ. Vỗ lần lượt từ bên trái rồi sang bên phải, làm khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Sau đó cho trẻ ngồi dậy, ngả đầu nhẹ về phía trước.

Cần cho con ngồi dậy để ho sau khi vỗ ở từng khu vực. Nếu trẻ chưa ngừng ho thì chưa được vỗ tiếp. Tuy nhiên, cha mẹ không được vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống của con. Thời điểm vỗ lưng cho con tốt nhất nên là 1 giờ sau khi bú mẹ để tránh gây nôn, trớ.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi: Những dấu hiệu cần biết - Ảnh 3.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để chữa trị khi có những biểu hiện viêm phổi - Ảnh: Internet

- Hạ sốt cho trẻ: cần tích cực chườm khăn nhúng nước ấm và thay thường xuyên khi khăn bị lạnh đi. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ khi đo nhiệt độ thấy trẻ bị sốt trên 38 độ 5.

Chú ý để con uống nước để hạ sốt và làm loãng các chất dịch, đờm trong cơ thể. Điều dưỡng có thể dùng máy hút đờm, dịch, nước dãi ra khỏi hầu họng của trẻ trong trường hợp không thể tự ho được.

Khi vệ sinh mũi miệng cho bé hãy dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, dãi rồi vứt đi luôn, ngay sau khi sử dụng. Trường hợp dùng vải màn, khăn xô để lau cho bé, người nhà phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn, thay giặt liên tục và phơi khăn ở những nơi có nhiều nắng. Bởi việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.

4. Hướng dẫn cha mẹ cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Để bảo vệ trẻ, tránh để trẻ mắc các bệnh viêm phổi nguy hiểm phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần chú ý:

- Khi trẻ mới sinh, cần chú trọng giữ ấm cho trẻ, cho trẻ bú sữa mẹ, nhất là sữa non để tăng sức đề kháng.

- Thận trọng tránh để con sặc sữa.

- Người chăm sóc trẻ phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc.

- Giữ vệ sinh sạch sẽ để trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn.

- Cho trẻ chơi và sử dụng các dụng cụ để chăm sóc cho trẻ cần phải sạch và khô.

Cha mẹ nên trang bị đủ kiến thức về cách nhận biết sớm bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ để có hướng chăm sóc và điều trị kịp thời. Ngay khi thấy những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời chữa trị.


Tác giả: Thùy Dung