Dấu hiệu thiếu natri của cơ thể là gì? Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Dấu hiệu thiếu natri của cơ thể là gì? Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa
Natri là chất điện giải có vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh chất lỏng trong cơ thể. Do vậy, các dấu hiệu thiếu natri có thể biểu hiện ở tất cả các bộ phận, trên toàn cơ thể.

1. Dấu hiệu thiếu natri của cơ thể

Khi thiếu natri nhẹ, có thể không gây ra triệu chứng nào. Ở những đối tượng nhạy cảm, dấu hiệu thiếu natri nhẹ có thể là:

- Kém tập trung.

- Đau đầu.

- Cơ thể mệt mỏi, uể oải.

- Buồn nôn.

- Cảm giác bồn chồn.

Nếu tình trạng xấu đi, nó có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các dấu hiệu thiếu natri nghiêm trọng có thể bao gồm:

- Nôn.

- Yếu cơ, co thắt cơ, co giật cơ.

- Thường xuyên bị chuột rút.

- Co giật toàn thân.

- Rối loạn thần kinh.

- Mất ý thức, hôn mê.

Trong trường hợp cực đoan, thiếu natri có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, bạn cần đi khám bác sĩ ngay khi gặp các dấu hiệu thiếu natri kể trên.

2. Nguyên nhân

- Do sử dụng một số loại thuốc khiến bạn đi vệ sinh hoặc đổ mồ hôi nhiều hơn như thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau.

- Một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến lượng chất lỏng trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến mức độ natri. Các bệnh lý đó thường là suy tim, bệnh thận và bệnh gan. Các bệnh về đường tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy mãn tính cũng có thể làm cơ thể bạn mất nước, xuất hiện các dấu hiệu thiếu natri.

- Mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến mức natri của bạn. Ví dụ như tình trạng gọi là SIADH (hội chứng hormone chống lợi tiểu không phù hợp) có thể khiến cơ thể bạn giữ nước nhiều hơn, natri bị pha loãng hơn. Và một tình trạng gọi là bệnh Addison có thể ảnh hưởng đến các hormone giúp kiểm soát chất điện giải của bạn . Nếu hormone tuyến giáp của bạn quá thấp, nó cũng có thể ảnh hưởng đến mức natri của bạn.

- Các hoạt động chủ quan như uống quá nhiều nước, thường xuyên lao động nặng, tham gia các môn thể thao sức bền,... cũng khiến mất natri qua mồ hôi, xuất hiện các dấu hiệu thiếu natri.

3. Điều trị

Đối với những người có dấu hiệu thiếu natri nhẹ đến trung bình do các yếu tố lối sống hoặc thuốc thì có thể phục hồi nồng độ natri bằng cách uống ít nước (thường dưới 1 lít mỗi ngày) và điều chỉnh liều thuốc hoặc thay đổi thuốc.

Những người có dấu hiệu thiếu natri nghiêm trọng hơn thường phải nhập viện và điều trị bằng cách tiêm natri vào tĩnh mạch để đưa mức natri trở lại bình thường. Đôi khi bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc để điều trị co giật hoặc các triệu chứng khác.

Đôi khi, việc điều trị thiếu natri còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, những người có vấn đề về gan, thận hoặc tim cần được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Các vấn đề về thận thường cần phải lọc máu, vấn đề về gan hoặc tin có thể cần phải phẫu thuật cấy ghép. Những người bị rối loạn tuyến giáp thường có thể kiểm soát dấu hiệu thừa natri bằng thuốc và thay đổi lối sống. SIADH thường yêu cầu điều trị liên tục để ngăn ngừa dấu hiệu thiếu natri.

4. Phòng ngừa

Để phòng tránh thiếu natri, mọi người cần:

- Không uống quá nhiều nước.

- Khi lao động nặng hoặc tập thể dục cường độ cao, nên uống các đồ uống thể thao bổ sung thêm natri và các khoáng chất khác.

- Tìm hiểu kỹ các loại thuốc và thảo luận trước với bác sĩ trước khi sử dụng.

- Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài.

- Các bệnh lý về tim, gan, thận,... cần được điều trị sớm và triệt để

Tình trạng thiếu natri có thể xuất hiện và phát triển nhanh chóng, gây ra các hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là dẫn tới tử vong. Do vậy, mọi người cần nhận thức được các dấu hiệu thiếu natri để khắc phục hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời. Những người có nguy cơ cao bị thiếu natri như người cao tuổi, vận động viên thể thao, bị các bệnh lý về gan và thận,.... cần đặc biệt thận trọng.

Nguồn dịch : https://www.medicalnewstoday.com/articles/323831.php


Tác giả: Mai Nhung