Sốt cao trên 39 độ: Cẩn thận dấu hiệu sớm bệnh sốt xuất huyết

Sốt cao trên 39 độ: Cẩn thận dấu hiệu sớm bệnh sốt xuất huyết
Vào thời điểm bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp, cần chú ý tới các biểu hiện lạ của cơ thể. Đau bụng bất thường, chảy máu, đi tiểu ít,... rất có thể là những dấu hiệu sốt xuất huyết.

1. Dấu hiệu sốt xuất huyết thường gặp

Dấu hiệu cơ bản nhất của người mắc sốt xuất huyết thường là sốt cao (trên 39 độ) không rõ nguyên nhân trong khoảng 1-3 ngày. Khi đó, tuyệt đối không được sử aspirin, analgin, ibuprofen để hạ sốt vì đây có thể gây xuất huyết, tan máu. Khi có biểu hiện sốt xuất huyết, chỉ được sử dụng paracetamol để hạ sốt với liều lượng không quá 60mg/kg cân nặng/ ngày (với người lớn). 

Ngoài ra, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết đầu tiên, người bệnh tuyệt đối không nên tự truyền dịch tại nhà vì có thể gây sốc. Thay vào đó, có thể bổ sung nước bằng oresol hoặc nước ép hoa quả, nước dừa, nước lọc. Việc truyền dịch nếu cần thiết thì phải được sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh biến chứng.

Bên cạnh sốt cao, dấu hiệu sốt xuất huyết còn có thể là:

- Mất nước, đi tiểu ít, số lần và lượng tiểu giảm

- Chóng mặt, nôn mửa nhiều lần

- Đau bụng không rõ nguyên nhân, cảm giác đau kéo dài

- Chảy máu bất thường trên cơ thể: chảy máu răng, máu mũi,...

- Bồn chồn, lo lắng bất chợt hoặc vật vã, li bì

Khi có những dấu hiệu trên, cần đến các cơ sở y tế để khám và thực hiện đánh giá thêm một số dấu hiệu sốt xuất huyết khác như tiểu cầu giảm, phù nề, tràn dịch, gan to bất thường.

>>> Có thể bạn quan tâm: Dấu hiệu khỏi bệnh sốt xuất huyết

2. Không nên chủ quan trước những dấu hiệu sốt xuất huyết

Thông thường, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra sau khoảng 2 đến 3 ngày sốt cao 39 - 40 độ mà không rõ nguyên nhân. Thời gian người bệnh sốt cao nhất cũng là khoảng 3 ngày đầu tiên, tuy nhiên đây không phải giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. 

Từ ngày thứ 4 trở đi, bệnh nhân có thể không còn sốt cao, đây cũng là lí do khiến nhiều người chủ quan và tự điều trị bệnh tại nhà. Tuy nhiên, đây là giai đoạn có khả năng xảy ra biến chứng cao nhất như xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, sốc,... 

Vì vậy, khi có những biểu hiện sốt xuất huyết, cần tới các cơ sở y tế để loại trừ nguy cơ hoặc phát hiện bệnh sớm. Hiện nay, việc kiểm tra và phát hiện sớm sốt xuất huyết có thể thực hiện tại các cơ sở y tế cấp huyện. Do dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn, nên việc kiểm tra loại trừ sốt xuất huyết cần được thực hiện đầu tiên.

Ngoài ra, không phải trường hợp nào mắc sốt xuất huyết cũng được chỉ định phải nằm viện, đặc biệt là vào mùa dịch đang bùng phát. Trong thời gian 3 ngày đầu tiên, bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú và hẹn tái khám trong thời gian nhất định.


Tác giả: Bùi Thảo Ngân