Dấu hiệu nhận biết viêm phổi trắng do cúm: Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi trắng do cúm: Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Viêm phổi trắng là một trong những biến chứng của cúm hoặc các bệnh hô hấp khác như Covid-19, RSV,...

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp phổ biến và có thể tự điều trị tại nhà, các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, cúm cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khoẻ mà bạn không nên chủ quan, trong đó có tình trạng viêm phổi trắng. Viêm phổi trắng là gì? Dấu hiệu viêm phổi trắng như thế nào?

1. Viêm phổi trắng là gì?

Viêm phổi trắng không phải thuật ngữ y khoa, đây là tình trạng mô tả bệnh viêm phổi có màu trắng trên phim chụp X-quang. 

Trên phim chụp X-quang ngực bình thường, không khí trong phổi của chúng ta có màu đen, nghĩa là không khí đầy. Khi bạn bị viêm phổi, một số phần nhất định của phổi có thể chứa đầy dịch, xuất hiện màu trắng trên phim chụp X-quang.

Nguyên nhân gây viêm phổi trắng không chỉ có cúm mà các bệnh hô hấp do vi khuẩn, virus hoặc tiếp xúc với hoá chất cũng có thể gây ra tình trạng này.

Độ trắng của phổi có thể xuất hiện trên phim chụp trong nhiều ngày đến nhiều tuần cho đến khi cơ thể có thể "làm sạch" các khu vực bị ảnh hưởng.

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi trắng do cúm: Khi nào nên đi khám bác sĩ? - Ảnh 2.

Viêm phổi trắng là sự mô tả bệnh viêm phổi có màu trắng trên phim chụp X-quang (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Có thể bị viêm phổi mà không ho, sốt hay không?

Bật mí cách hỗ trợ chữa viêm phổi bằng rau diếp cá

Viêm phổi trắng có nguy hiểm không?

Mặc dù cách gọi và hình ảnh trên X-quang có vẻ đáng sợ nhưng nếu các triệu chứng nhẹ, bạn có thể được kê thuốc và điều trị tại nhà. Bệnh cũng sẽ thuyên giảm nhanh khi sử dụng đúng thuốc và có chế độ chăm sóc tốt.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp viêm phổi trắng nguy hiểm do điều trị không đúng cách và kịp thời hoặc là những trường hợp dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, người có miễn dịch kém).

Viêm phổi trắng có lây không?

Viêm phổi trắng là biến chứng của các bệnh cúm, covid-19, RSV,... đây là các bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, khi người bệnh ho, hắt hơi. Khi nhiễm các loại vi khuẩn, virus này, bạn sẽ có nguy cơ bị viêm phổi trắng.

2. Dấu hiệu viêm phổi trắng

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi trắng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh ngay từ đầu. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA), đây là những triệu chứng viêm phổi phổ biến nhất:

- Ho, có thể có đờm màu xanh lá cây, vàng hoặc có máu

- Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh

- Hụt hơi

- Thở nhanh, nông

- Đau ngực dữ dội hoặc đau nhói, trở nên tồi tệ hơn khi bạn hít thở sâu hoặc ho

- Mất cảm giác thèm ăn

- Năng lượng thấp và mệt mỏi

- Buồn nôn và nôn, đặc biệt ở trẻ nhỏ

- Lú lẫn, đặc biệt là ở người lớn tuổi

Viêm phổi do vi khuẩn - loại viêm phổi phổ biến nhất có xu hướng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn các loại khác.

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi trắng do cúm: Khi nào nên đi khám bác sĩ? - Ảnh 3.

Ho có đờm xanh hoặc vàng, khó thở, đau ngực là triệu chứng điển hình của viêm phổi (Ảnh: ST)

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Viêm phổi trắng có thể điều trị và thuyên giảm nhanh chóng khi phát hiện sớm. Do đó, khi bị cúm và bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường trên, bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm nhất có thể để tránh biến chứng tiến triển nặng hơn.

Ngoài ra, trong thời gian bị cúm, nếu thời gian bị bệnh kéo dài và cơ thể trở nên suy nhược, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp. Điều này sẽ giúp phòng tránh các biến chứng của cúm như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm phế quản,... 

Đặc biệt, trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có hệ miễn dịch suy yếu nên thăm khám sức khoẻ khi bị cúm vì đây là nhóm dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm.

3. Cách điều trị viêm phổi trắng

Phương pháp điều trị viêm phổi trắng cũng như loại viêm phổi khác, bao gồm:

- Thuốc kháng sinh cho bệnh viêm phổi do vi khuẩn

- Thuốc kháng vi-rút cho bệnh viêm phổi do vi-rút

- Thuốc chống nấm cho bệnh viêm phổi do nấm

- Thuốc không kê đơn để hạ sốt và đau cơ

Nếu tình trạng viêm phổi nghiêm trọng bạn có thể cần phải được điều trị tại bệnh viện. Việc điều trị tại đó có thể bao gồm thuốc kháng sinh và truyền dịch qua đường tĩnh mạch, liệu pháp oxy để tăng lượng oxy trong máu và được đặt máy thở.

4. Cách chăm sóc người bệnh viêm phổi trắng

Bên cạnh phương pháp điều trị, chế độ chăm sóc cũng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh nhanh phục hồi hơn. Dưới đây là một số lời khuyên về cách chăm sóc người bệnh viêm phổi:

- Chế độ ăn uống lành mạnh

Bị viêm phổi nên ăn gì? Bạn nên ăn những thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch, từ đó giúp chống lại sự nhiễm trùng và cơ thể sẽ nhanh phục hồi hơn. Bạn nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein (trứng, cá, đậu), rau lá xanh, trái cây họ ca, quýt, thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn (mật ong, nghệ, gừng).

Bị viêm phổi không nên ăn gì? Thực phẩm nhiều muối, đường và đồ ăn chiên rán có thể làm tăng viêm trong cơ thể và khiến cơ thể phục hồi lâu hơn.

- Bổ sung nhiều chất lỏng hơn

Khi bạn đang chống chọi với bệnh viêm phổi, cơ thể bạn rất cần thêm chất lỏng để giúp phục hồi. Bạn có thể uống nước lọc, trà ấm, cháo hoặc canh gà.

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi trắng do cúm: Khi nào nên đi khám bác sĩ? - Ảnh 4.

Chế độ ăn uống lành mạnh thúc đẩy quá trình phổi nhanh hồi phục hơn (Ảnh: ST)

- Sử dụng máy tạo độ ẩm

Máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong đường hô hấp, từ đó giúp người bệnh cảm thấy dễ thở hơn.

- Nghỉ ngơi nhiều hơn

Người bị viêm phổi nên tránh suy nghĩ quá nhiều và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Nếu cảm thấy khó chịu khi ngồi hoặc nằm một chỗ quá lâu, bạn có thể đi bộ xung quanh nhà để thư giãn tinh thần.

5. Cách ngăn ngừa viêm phổi trắng

Việc tránh xa với các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, hoá chất sẽ có thể phòng ngừa được viêm phổi trắng. 

- Tiêm vắc-xin: Có các loại vắc-xin có thể bảo vệ chống lại bệnh cúm và một số dạng viêm phổi. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ em từ 2 đến 5 tuổi dễ mắc bệnh phế cầu khuẩn, bác sĩ khuyên nên tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm phổi riêng.

- Duy trì vệ sinh tốt: Rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng nước rửa tay có cồn để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.

- Tránh hút thuốc: Hút thuốc làm suy yếu khả năng bảo vệ của phổi chống lại các bệnh về đường hô hấp.

- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ bằng cách ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng.

- Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh: Không nên tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt,...

- Đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng hoặc những nơi có người có biểu hiện của bệnh.

Kết luận lại, viêm phổi trắng là tình trạng xảy ra khá phổ biến khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Bạn không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan. Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường khi bị cúm hoặc bệnh đường hô hấp, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảo:

1. What Is White Lung Syndrome and How Is It Treated? Doctors Explain

2. White Lung Pneumonia: Signs, Causes, Treatment and Prevention


Tác giả: Vân Anh