Dấu hiệu nhận biết và những lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu nhận biết và những lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Bệnh tay chân miệng là bệnh có thể phát triển thành dịch lớn, diễn biến phức tạp và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là việc làm rất quan trọng để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ.

1. Cẩn thận với dịch bệnh tay chân miệng

Theo thống kê của Bộ Y tế, vào mỗi mùa dịch số trường hợp mắc tay chân miệng tăng cao (có thể lên đến trên 2000 ca), bệnh xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành phố.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thời điểm dịch bệnh tay chân miệng xuất hiện là vào những tháng sau Tết và phát triển mạnh vào khoảng tháng 3 đến tháng 5. Vậy nên các bậc phụ huynh cần phải lưu ý, quan tâm đến trẻ nhiều hơn nhất là trong công tác vệ sinh, tránh để dịch bệnh lây lan, nhất là ở các trường học.

Dấu hiệu nhận biết và những lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ là đối tượng của bệnh tay chân miệng (Ảnh: internet)

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây nhiễm theo đường tiêu hóa và thường gặp ở trẻ nhỏ, dễ phát triển thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc với mầm bệnh. Ngoài ra, khi trẻ tiếp xúc với những đồ dùng, vật dụng có nhiễm virus cũng có thể lây bệnh. Thậm chí, khi trẻ đã khỏi nhưng trong thời gian đầu vẫn có thể lây bệnh sang cho người khác.

Chính vì lẽ đó mà bệnh tay chân miệng được đánh giá là một trong những căn bệnh nguy hiểm. Khi cùng ở trong vùng dịch, chỉ cần có 1 trẻ mắc bệnh những trẻ còn lại có thể lây nhiễm một cách dễ dàng.

2. Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Vào mùa dịch, số trẻ mắc bệnh sẽ tăng cao, tuy nhiên mức độ bệnh ở mỗi trẻ lại khác nhau. Khi trẻ bị tay chân miệng sẽ xuất hiện các bóng nước có kích thước từ 2 đến 10mm, màu xám, hình bầu dục.

Những vị trí bóng nước thường xuất hiện đó là vùng mông, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khi chạm vào các bóng nước sẽ không có cảm giác đau. Ngoài ra, các bóng nước có thể xuất hiện trong miệng, khi vỡ sẽ gây nên những vết loét trong miệng khiến trẻ bị chảy nước miếng và rất đau. Sau khi đến giai đoạn nổi bóng nước, trẻ sẽ bị sốt nhẹ, miệng bị đau nên sẽ quấy khóc, bỏ ăn. Sau 5-7 ngày các bóng nước sẽ tự xẹp và tự khỏi.

Dấu hiệu nhận biết và những lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Khi trẻ bị tay chân miệng sẽ xuất hiện các bóng nước trên toàn thân (Ảnh: internet)

Ngoài ra khi nổi bóng nước hoặc khi bóng nước đã xẹp trẻ sẽ bị nôn, ói, tiêu chảy. Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi nhưng nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng do tác nhân enterovirus 71 sẽ có thể gây nên những biến chứng tim mạch hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm, trẻ có thể sẽ bị viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Nếu không chú ý thì rất khó có thể phát hiện các biến chứng của bệnh.

Nếu trẻ xuất hiện các biến chứng não thường không có biểu hiện hôn mê sâu mà lại có những triệu chứng như khó ngủ, quấy khóc, giật mình ngay cả lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Thỉnh thoảng, trẻ có biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân bị run, co giật. Bên cạnh đó xuất hiện các triệu chứng khác như sốt cao, da nổi bông, nôn ói nhiều, mạch nhanh nhưng không sốt cao, tay chân yếu, méo miệng. Khi đó, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng

3. Lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bên cạnh việc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, các bậc phụ huynh cần lưu ý không bôi thuốc màu xanh lên bóng nước, bởi việc làm này không những vô tác dụng mà còn khiến bác sĩ gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết và những lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Giữ vệ sinh cho trẻ trong quá trình điều trị bệnh (Ảnh: internet)

Trong trường hợp trẻ không bị loét miệng nhiều thì không nên cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, không nên ép trẻ uống vitamin, vì như thế sẽ khiến trẻ đau hơn.

Nếu trẻ không cảm thấy khó chịu vẫn có thể tắm cho trẻ bình thường. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu thì nên sử dụng nước ấm để tắm cho trẻ và hạn chế để trẻ tiếp xúc với gió.

Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được cho trẻ ăn đồ ăn cay, nóng hoặc chua.

Ngay sau khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh phải cho trẻ nghỉ học để cách ly nguồn bệnh, hạn chế lây bệnh cho những đứa trẻ khác.

Bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể chữa khỏi và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy nên ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

Theo VOV

Tác giả: Đỗ Hoa