Dấu hiệu nhận biết 1 người muốn tự tử và cách ngăn chặn hành vi tự sát

Dấu hiệu nhận biết 1 người muốn tự tử và cách ngăn chặn hành vi tự sát
Cứ trung bình 13 phút lại có một người tự tử tại Hoa Kỳ. Tự tử đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Thậm chí, trẻ nhỏ cũng đang có nguy cơ tự tử.

Nếu người bạn của bạn luôn miệng nói về cái chết, hay có những biểu hiện kỳ lạ, ý nói ám chỉ về một kết cục không tốt, lập di chúc, chào tạm biệt hay thu mình, đột nhiên bình tĩnh bất ngờ hoặc cố gồng mình sau một thời gian khủng hoảng. Rất có thể người ấy đang có ý định tự tử, chuẩn bị kết liễu cuộc đời. 

Đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, sau khi một người tự tử rồi, người ta mới nhìn lại và nghiên cứu những hành vi trước đó của nạn nhân. Các nghiên cứu cho thấy, hầu hết người tự tử đều biểu lộ tinh thần và trạng thái hoảng loạn trước đó một thời gian dài và nếu nhận ra sớm hơn, bạn có thể ngăn chặn được chuyện tồi tệ nhất xảy ra. 

Bạn có thể nhận biết 1 người có ý định tự tử thông qua hành vi và cảm xúc của họ. Bạn có thể theo dõi họ qua mạng xã hội, cách họ nói chuyện và giao tiếp với người xung quanh. 

1. Nhận biết 1 người muốn tự tử qua cảm xúc của họ

- Kiểu suy nghĩ của người muốn tự tử

Người có ý định tự tử thường có những suy nghĩ rất khác thường. Họ thường có những ám ảnh tâm lý trong đầu (có thể là lời nói xúc phạm của ai đó, hành động gây tổn thương trong quá khứ, hình ảnh gây cảm xúc mạnh...). Người muốn tự tử thường không còn hy vọng vào cuộc sống, mất niềm tin vào những người xung quanh, và họ cho rằng lúc này cái chết là sự giải thoát tốt nhất. 

Người muốn tự tử thường hay rơi vào trạng thái mơ hồ, khó hoặc không thể tập trung được. 

- Trạng thái, cảm xúc

Thông thường, người muốn tự tử thường trải qua những chuyện đau khổ, khủng hoảng trầm trọng và không có cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn có bạn bè, người thân rơi vào trạng thái trầm cảm, thường có biểu hiện như:

+ Thường xuyên bực bội, cáu gắt, có ý định báo thù

+ Tâm trạng thay đổi liên tục

+ Cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân trở thành gánh nặng cho người khác

+ Đặc trưng nhất là cảm giác cô đơn ngay cả khi ở giữa đám đông, bên cạnh có nhiều người

+ Đã từng trải qua cảm giác bị người khác làm tổn thương, đe dọa, nhục mạ, hạ thấp danh dự (thường gặp ở những người nổi tiếng)

+ Cảm thấy giận dữ, muốn chết đi để trả thù cho những người đã làm tổn thương mình (thường gặp ở những người trẻ muốn trả thù người yêu, con cái bị bố mẹ la mắng...)

- Nhận biết một người tự tử thông qua lời nói

Người bình thường và không có vấn đề về tâm lý thì không nói ra những câu khó hiểu, khác thường. Nếu bạn bè hay người thân của bạn thường xuyên có những lời nói không bình thường, như:

+ Liên tục nói về cái chết; giá như tôi chết; nếu tôi chết đi; tôi muốn chết, tôi ước tôi chưa từng được sinh ra...

+ Câu nói bi quan về cuộc đời: Cuộc đời này không đáng sống; nó không còn quan trọng với tôi nữa...

+ Câu nói ám chỉ báo thù người khác (là những người khiến họ bị tổn thương): Họ sẽ phải hối hận vì đã làm điều đó với tôi, họ sẽ nhớ đến tôi, họ sẽ sống day dứt cả đời vì khiến tôi chết, bây giờ tôi chết thì họ vui lắm nhỉ..

người muốn tự tử

2. Hành động của người muốn tự tử

Thông thường, trước khi có ý định tự tử, nạn nhân ngoài việc biểu lộ tâm lý thì hành vi của họ cũng rất bất thường. Người có ý định tự tử thường cố gắng giải quyết một số vấn đề trước khi hành động, ví dụ như: 

- Cho đi tài sản có giá trị, sắp xếp người thừa kế, tài chính hoặc viết di chúc

- Nói bóng gió những lời yêu thương với người thân yêu

- Bất ngờ chào tạm biệt với một số người, có thể trên mạng xã hội, nhật ký...

- Ngủ nhiều hoặc thậm chí mất ngủ, thích ở một mình và có những hành động khác thường như đi mua thuốc, uống nhiều thuốc, đến gần cửa sổ, cầm dao, dây thừng... (đây thường là những phương tiện để thực hiện hành vi tự tử)

Thậm chí, người muốn tự tử còn thực hiện những hành vi liều lĩnh, mất kiểm soát: họ có thể dễ khóc, khóc lớn không ngừng thậm chí trước mặt nhiều người; lái xe với tốc độ cao; sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích, quan hệ tình dục nhiều, thậm chí với nhiều bạn tình.... Những hành động này càng khiến họ rơi vào cảm giác bế tắc và đến gần hơn với hành vi tự tử.

Thời điểm nạn nhân muốn tự sát, họ thường cách ly với thế giới bên ngoài, thậm chí ngay cả người thân nhất cũng rất khó trò chuyện và tiếp xúc với họ. Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ những hành vi báo trước của một kết cục đau khổ, hãy tìm mọi cách để cứu lấy họ. 

3. Ngăn chặn kế hoạch tự tử

- Nếu bạn tin rằng người này có ý định tự tử, cần gọi cảnh sát càng sớm càng tốt, tuyệt đối không nên chần chừ. Bạn có thể giữ chân họ lại trong 1 căn phòng an toàn và gọi người đến hỗ trợ (có thể là bạn bè, hàng xóm hoặc la hét người đi đường trong trường hợp phát hiện một người chuẩn bị nhảy lầu tự tử)

- Bạn cũng có thể đưa người có ý định tự tử đến gặp chuyên gia tâm lý. Việc ngăn chặn hành vi kết liễu tính mạng đôi khi diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài, có thể vài ngày hoặc vài tháng. 

- Liên hệ, tạo nhóm kết nối với với gia đình và bạn bè của nạn nhân: Bạn nên nói cụ thể về tình trạng của người muốn tự tử, cảnh báo về nguy cơ tự tử của người này để gia đình có hướng chăm sóc và theo dõi. 

- Chặn mọi tác nhân gây tổn thương tâm lý, thể xác: Trường hợp đã xác định được tác nhân gây ra rối loạn tâm lý, cần tuyệt đối không cho tiếp xúc và cách ly hoàn toàn. Loại bỏ mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại, các cuộc gọi hoặc hình ảnh, video...nếu chúng gây kích động đến tâm lý của người bệnh. 

- Loại bỏ công cụ tự tử: Kiểm tra xung quanh nhà để loại bỏ tất cả những công cụ có thể gây sát thương như dao, súng, thuốc ngủ, dây thừng, chặn các hướng cửa sổ nếu ở nhà cao tầng, thậm chí thuốc diệt chuột, hóa chất, thuốc tẩy rửa cũng cần được loại bỏ hết. 

Tiếp tục hỗ trợ người có ý muốn tự tử ngay cả khi tình hình đã khả quan hơn. Những người bị trầm cảmrối loạn lo âu, rối loạn hành vi thường cảm thấy dễ bị cô lập, bị tổn thương nhưng không yêu cầu giúp đỡ, do vậy bạn hãy ở bên cạnh họ và tiếp tục cho đến khi tâm lý đã tốt hơn. 

Nếu người thân của bạn, bạn bè, người yêu bị vấn đề về tâm lý, cần gọi điện hỏi thăm thường xuyên, theo dõi họ qua nhiều nguồn khác nhau để chắc chắn rằng họ đang không che giấu cảm xúc tiêu cực. 

Ngoài ra, để phòng tránh họ tái diễn ý định muốn tự tử, bạn nên:

- Đảm bảo người này vẫn được điều trị, có thể bằng liệu pháp tinh thần hoặc bằng thuốc kê toa

- Không cho họ có ý định uống rượu bia, dùng chất kích thích hay lái xe một mình.

- Thay đổi môi trường sống: trong trường hợp tồi tệ nhất, bạn có thể chuyển họ đến nơi khác, có môi trường sống tốt hơn và thân thiện hơn để gúp họ cảm thấy yêu đời và quên đi những tổn thương trong quá khứ. 

* Tuyệt đối không nên thực hiện hành vi hỗ trợ nào khi không có sự trợ giúp, điều này có thể gây nguy hiểm đối với chính người giúp đỡ. 


Tác giả: Ngọc Minh