Dấu hiệu bệnh cảm lạnh và cách phòng ngừa

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Dấu hiệu bệnh cảm lạnh và cách phòng ngừa
Bệnh cảm lạnh có nhiều triệu chứng, biểu hiện dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như cảm cúm, viêm mũi dị ứng, bệnh về thanh quản… Để chẩn đoán chính xác dấu hiệu bệnh cảm lạnh, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây!

Bệnh cảm lạnh là một bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người nhầm tưởng bệnh cảm lạnh với nhiều bệnh khác gây hoang mang và khó khăn trong quá trình điều trị. Với cách chẩn đoán dấu hiệu bệnh cảm lạnh chính xác dưới đây, hy vọng sẽ giúp bạn dễ nhận biết được bệnh.

1. Chẩn đoán dấu hiệu bệnh cảm lạnh

Bệnh cảm lạnh gồm một nhóm các triệu chứng xảy ra do các loại virus xâm nhập vào cơ quan hô hấp, trong đó virus thường gặp nhất là Rhinovirus. Dấu hiệu bệnh cảm lạnh thông thường chủ yếu ảnh hưởng tới họng, mũi, các xoang. Do đó, người bệnh thường có một số triệu chứng như chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, sốt nhẹ, đau đầu nhẹ, cơ thể mệt mỏi. Các dấu hiệu bệnh cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, kéo dài trong khoảng 7 - 10 ngày.

Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu bệnh cảm lạnh ở trẻ thường gồm chảy nước mũi, quấy khóc, mệt mỏi, sốt, nôn trớ, ho, hắt hơi. Vì thế cha mẹ nên chú ý phát hiện và điều trị kịp thời để tránh gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

Khi bị cảm lạnh, cơ thể bị một loạt các triệu chứng kéo theo khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, uể oải. Để bệnh nhanh khỏi, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức. Hãy để cơ thể thư giãn và thoải mái để nhanh chóng hết các dấu hiệu bệnh cảm lạnh.

Các dấu hiệu bệnh cảm lạnh dễ gây nhầm lẫn với các căn bệnh khác và ngược lại. Vì thế, nên theo dõi diễn biến bệnh và tình trạng sức khỏe để có cách phòng ngừa hiệu quả. Không nên tự ý uống thuốc kháng sinh, không tốt cho cơ thể và khiến cơ thể kháng thuốc, tăng nguy cơ mắc vi khuẩn khác. Nên đi gặp bác sĩ khi có dấu hiệu sốt cao, các triệu chứng bệnh cảm lạnh kéo dài lâu.

2. Đối tượng dễ mắc bệnh cảm lạnh?

Cảm lạnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào từ trẻ nhỏ đến người lớn. Trong đó, những yếu tố sau làm tăng nguy cơ xuất hiện dấu hiệu bệnh cảm lạnh:

- Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh có nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh lớn nhất. Đặc biệt với các trẻ đi mẫu giáo.

- Những người có hệ miễn dịch suy yếu như mắc các bệnh mạn tính khác làm tăng nguy cơ xuất hiện dấu hiệu bệnh cảm lạnh.

- Thông thường vào mùa thu, mùa đông hoặc thời điểm thời tiết giao mùa thì cả người lớn và trẻ em đều dễ bị cảm lạnh hơn so với các thời điểm khác trong năm.

- Tiếp xúc trong môi trường có virus cảm lạnh sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh hơn so với bình thường. Cảm lạnh là bệnh có thể lây nhiễm qua đường hô hấp, vì thế việc tiếp xúc với người bệnh cũng là một trong những yếu tố nguy cơ khiến bạn mắc bệnh cảm lạnh.

3. Cách phòng ngừa bệnh cảm lạnh hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh cần đảm bảo nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng tốt, tăng cường ăn các thực phẩm chứa vitamin C, các loại rau xanh, các thực phẩm chứa dưỡng chất, uống đủ nước mỗi ngày.

Ngoài ra, để phòng ngừa dấu hiệu bệnh cảm lạnh, bạn cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để tránh sự xâm nhập của virus cảm lạnh, giữ khoảng cách với những người bị ốm, không dùng chung cốc, ống hút và các đồ cá nhân với người bệnh cảm lạnh. Ngoài ra, nên súc miệng bằng nước muối để hạn chế các bệnh về răng lợi, khoang họng.

Khó có thể tránh khỏi hoàn toàn các dấu hiệu bệnh cảm lạnh, vì thế các kiến thức về cảm lạnh trên giúp phòng ngừa, chăm sóc và đối phó với bệnh hy vọng hữu ích với bạn. Đừng quên chăm sóc sức khỏe để tăng sức đề kháng phòng ngừa các căn bệnh bạn nhé!


Tác giả: Phương Nguyễn