Dấu hiệu báo nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân tiểu đường

Dấu hiệu báo nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân tiểu đường
Nhiễm trùng tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy thận, nhiễm trùng máu... khi không được điều trị sớm và đúng. Vì vậy, hãy nhớ các dấu hiệu cảnh báo bệnh. Đặc biệt là đối với bệnh nhân tiểu đường.

1. Nhiễm trùng tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc còn gọi là nhiễm trùng tiết niệu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhưng bàng quang và niệu đạo là 2 bộ phận thường bị nhiễm trùng nhất.

Nhiễm trùng ở trong bàng quang có thể gây đau đớn và gây phiền toái. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu UTI lây lan đến thận.

Các bác sĩ thường sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

2. Đối tượng dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Bệnh có thể xảy ra ở tất cả mọi người, bất kể tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới, vì họ có niệu đạo ngắn hơn nên dễ bị nhiễm trùng hơn. Đặc biệt ở bệnh nhân tiểu đường, nguy cơ xảy ra các biến chứng trong đó có biến chứng nhiễm trùng (nhiễm trùng thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, răng miệng...) xảy ra rất phổ biến. Do vậy người bệnh cần nắm được những triệu chứng điển hình và học cách phòng tránh ngay từ sớm. 

3. Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Không phải lúc nào bệnh cũng đưa ra những dấu hiệu cảnh báo sớm nhưng các triệu chứng chung của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: buồn tiểu thường xuyên, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, không kiểm soát được dòng chảy, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, có mủ hoặc máu trong nước tiểu. Với phụ nữ, người bệnh còn có cảm giác đau vùng xương mu.

4. Phân loại nhiễm trùng đường tiết niệu

Tùy vào cơ quan bị nhiễm trùng, các triệu chứng khác nhau của bệnh sẽ xuất hiện:

- Thận bị nhiễm trùng: Sốt, buồn nôn, nôn mửa, hay run rẩy hoặc đau lưng.

- Bàng quang bị nhiễm trùng: Bệnh nhân sẽ thấy đau tức (bụng dưới), thường xuyên đi tiểu nhưng tiểu buốt và ra máu.

- Niệu đạo bị nhiễm trùng: Sẽ xuất hiện dấu hiệu tiểu buốt và có dịch tiết ra từ niệu đạo.

Ảnh 2.

5. Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, đặc biệt là tiểu buốt, bạn nên khám bác sĩ. Nhiễm trùng đường tiểu thông thường có thể trị khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh.

Tuy nhiên, nếu bị nhiễm trùng tiểu kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thận học hoặc tiết niệu vì thường là sẽ có nguyên nhân gây tắc nghẽn hoặc bất thường cấu trúc đường tiểu.

6. Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiểu thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo và bắt đầu lan sang bàng quang. Mặc dù hệ thống tiết niệu được thiết kế để loại bỏ những kẻ xâm lược cực nhỏ như vậy nhưng đôi khi những biện pháp phòng vệ này cũng thất bại.

Khi điều đó xảy ra, vi khuẩn có thể cư trú và phát triển thành một nhiễm trùng thâm nhiễm trong đường tiết niệu.

UTI chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và ảnh hưởng đến bàng quang và niệu đạo.

- Nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang): Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) và một loại vi khuẩn thường gặp trong đường tiêu hóa (GI). Khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể vào trong đường tiết niệu và di chuyển lên trên các bộ phận khác.

- Nhiễm trùng niệu đạo (viêm niệu đạo): UTI có thể xảy ra khi vi khuẩn GI lây từ hậu môn đến niệu đạo. Ngoài ra, vì niệu đạo nữ gần âm đạo, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh mụn rộp, bệnh lậu, chlamydia và mycoplasma có thể gây ra viêm niệu đạo.

Ảnh 3.

7. Các yếu tố rủi ro

- Giới tính: Niệu đạo nữ ngắn hơn nam nên con đường vi khuẩn đến bàng quang ngắn hơn, khiến nữ giới dễ bệnh hơn nam giới.

- Suy giảm miễn dịch: Bệnh tiểu đường và các bệnh lý khác gây suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Hoạt động tình dục không an toàn

- Sử dụng các biện pháp tránh thai: Phụ nữ sử dụng màng ngăn hoặc thuốc diệt tinh trùng có khả năng mắc bệnh cao hơn.

- Phụ nữ đã mãn kinh: Sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm phụ nữ dễ nhạy cảm với nhiễm trùng hơn.

- Bất thường đường tiết niệu: Trẻ sơ sinh có dị tật đường tiết niệu làm cho nước tiểu không thải ra ngoài như bình thường được hoặc làm nước tiểu ứ lại trong niệu đạo có nguy cơ mắc bệnh cao.

- Tắc nghẽn đường tiểu: Sỏi hoặc tuyến tiền liệt phì đại có thể làm nước tiểu bị ứ lại trong bàng quang.

- Đặt ống thông tiểu: Thường gặp ở những người không thể tự đi tiểu được và phải đặt ống thông để rút nước tiểu ra.

8. Biến chứng mà bệnh có thể gây ra

Nhiễm trùng tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nặng nề sau đây khi không được điều trị đúng cách:

– Viêm thận bể thận cấp

– Áp xe quanh thận

– Nhiễm trùng máu

– Suy thận cấp

– Với phụ nữ đang trong thời kì mang thai mắc bệnh có thể gây ra tình trạng xảy thai, nhiễm trùng sơ sinh…

9. Phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

- Uống đủ nước mỗi ngày: Nước lọc và nước ép giúp lọc đường tiết niệu và hỗ trợ điều trị.

- Vệ sinh đúng cách: Sau khi đi vệ sinh, mọi người nên lau chùi từ trước ra sau. Tránh thụt rửa và xịt nước sâu vào âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. Mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật.

- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Phụ nữ nên đi tiểu và vệ sinh sạch sau khi quan hệ tình dục. Tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng;

- Nên tiểu thường xuyên và làm rỗng bàng quang hoàn toàn.

- Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang uống thuốc tránh thai. Một số loại kháng sinh có thể tương tác với thuốc tránh thai.

* Theo Mayo Clinic


Tác giả: Minh Ngọc