Đau hậu môn: Dấu hiệu bệnh trĩ đã tiến triển nặng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Đau hậu môn: Dấu hiệu bệnh trĩ đã tiến triển nặng
Bệnh trĩ thường phát triển âm thầm, nó chỉ được phát hiện khi các búi trĩ đã phát triển to, gây đau hậu môn, chảy máu, hoặc khi bệnh nhân sờ thấy búi trĩ. Vậy tại sao trĩ lại gây đau hậu môn, có phương pháp nào khắc phục không?

1. Đau hậu môn là dấu hiệu bệnh trĩ đang tiến triển

Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh mà bệnh nhân có những dấu hiệu đau hậu môn khác nhau:

- Phổ biến nhất là tình trạng bệnh nhân bị đau hậu môn sau khi đi đại tiện. Nguyên nhân là do trong quá trình đi tiêu, phân đã cọ xát và chèn ép các búi trĩ, gây đau. Thông thường, cơn đau hậu môn sẽ giảm và hết sau khi đi đại tiện xong.

- Với những bệnh nhân bị trĩ do táo bón, trong quá trình đi vệ sinh, họ phải dùng lực rặn nhiều. Mặt khác phân quá to và cứng có thể làm nứt hoặc rách hậu môn. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường bị đau khi đi đại tiện, cảm thấy xót khi có nước tiểu dây vào hoặc khi vùng mông ra nhiều mồ hôi.

- Khi không được điều trị sớm, tĩnh mạch ở trực tràng sẽ ngày càng sưng to, hình thành lên các búi trĩ ngày càng lớn, cọ xát vào thành hậu môn. Tĩnh mạch sưng phồng cũng trở lên vô cùng nhạy cảm, chỉ cần 1 sự cọ xát nhẹ cũng khiến bệnh nhân đau nhói.

- Với trĩ ngoại hoặc búi trĩ nội bị sa ra ngoài, rất dễ chịu tác động khi ngồi hoặc đi đứng. Việc búi trĩ cọ xát với quần cũng có thể khiến bệnh nhân bị đau hậu môn cả ngày.

- Dịch tiết từ búi trĩ khiến hậu môn trở lên ẩm ướt, dễ bị viêm nhiễm lở loét. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân bị ngứa và đau hậu môn.

- Nếu bệnh nhân bị bệnh trĩ thuyên tắc, xuất hiện những cục máu đông trong búi trĩ, cơn đau hậu môn có thể rất dữ dội và đột ngột.

2. Các cách giảm triệu chứng đau hậu môn do trĩ

- Ngâm hậu môn trong nước ấm:

Nước ấm sẽ làm dịu cơn đau hậu môn bằng cách làm sạch và giảm sưng búi trĩ. Có thể pha loãng muối với nước ấm để ngâm hậu môn, tăng hiệu quả làm sạch, chống được viêm nhiễm lở loét. Mỗi lần nên ngâm khoảng 20 phút, sau đó lau khô bằng khăn bông mềm.

- Chườm đá lanh:

Chườm lạnh có tác dụng rất tốt để giảm những cơn đau đột ngột, dữ dội, bệnh nhân có thể ngay lập tức cảm thấy dễ chịu. Phương pháp này cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần lấy vài viên đá nhỏ, bọc trong 1 miếng vải hoặc miếng gạc sạch, sau đó ngồi lên. Thực hiện mỗi khi cơn đau bắt đầu hành hạ bạn. Lưu ý nên lau hoặc sấy khô hậu môn sau mỗi lần chườm lạnh.

- Xông hơi hậu môn:

Xông hơi không những có tác dụng làm sạch, giảm viêm, giảm đau, hết ngứa mà còn được cho là có tác dụng co búi trĩ lên, hạn chế được những cơn đau do cọ sát. Do vậy, mọi người tin rằng, xông hơi có tác dụng chữa bệnh trĩ nhẹ, hoặc ngăn ngừa chúng phát triển nặng hơn.

Bạn nên sử dụng một số loại dược liệu như dấp cá, lá trầu không, muối, lá lốt, lá bạc hà,... để tăng hiệu quả giảm đau. Đồng thời, mùi hương từ những dược liệu này cũng giúp tinh thần bệnh nhân thoải mái hơn.

- Dùng thuốc:

Những loại thuốc mỡ và kem bôi ngoài da có thể giúp kháng viêm, giảm đau trong trường hợp đau hậu môn do trĩ ngoại, do búi trĩ sa, do hậu môn bị nứt hoặc viêm nhiễm, lở loét..

Các miếng lót lạnh bán sẵn rất tiện lợi trong việc giảm đau hậu môn đột ngột, hoặc khi bệnh nhân cần đi ra ngoài.

Trong trường hợp các cơn đau hậu môn gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống và tinh thần, thì bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, hoặc theo sự chỉ định của bác sĩ.

- Điều trị bệnh trĩ:

Cách để giảm đau hậu môn triệt để chính là chữa dứt điểm bệnh trĩ. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn các phương pháp điều trị bệnh trĩ phù hợp với tình trạng của bản thân.


Tác giả: Mai Nhung